Mổ xẻ nguyên nhân thăng trầm của giá dầu
Tạp chí "Geneva Times" số ra mới đây nhận định, sự thăng trầm của giá dầu -vốn giảm mạnh từ mức đỉnh điểm 147 USD thùng hồi tháng 7/2008 xuống 34 USD/thùng vào cuối tháng 12 năm ngoái và duy trì ở mức thấp trên dưới 40 USD/thùng trong những tháng đầu năm 2009, trước khi tăng trở lại lên khoảng 65 USD/thùng hiện nay - là do nhiều nguyên nhân, như nhu cầu giảm sút và nạn đầu cơ dẫn đến nổ bong bóng giá.
Mùa hè năm 2008 chứng kiến 2 khuynh hướng dẫn đến sự biến động đột ngột của giá dầu. Kỷ nguyên tín dụng rẻ nhanh chóng đã kết thúc - cái gọi là khủng hoảng tín dụng mà tất cả chúng ta đã trải qua như cuộc suy thoái hiện nay. Một trong những nạn nhân của sự thay đổi này là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa. Tín dụng rẻ đã giúp thúc đẩy nhu cầu về tất cả các loại hàng hóa, không chỉ riêng dầu mỏ. Do cầu vượt quá cung, các nhà buôn (và những người tiêu dùng cuối cùng) chú ý nhiều hơn đến các sản phẩm. Tuy nhiên, giá cao cuối cùng đã tác động đến cách ứng xử của người tiêu dùng.
Từ Mùa hè 2007 đến Mùa hè 2008, tiêu thụ xăng ở Mỹ đã giảm 5%. Do sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng, kết hợp với sự suy giảm về tín dụng rẻ (và nỗi lo sợ đương nhiên của nó thấm vào người tiêu dùng), thị trường đã nhanh chóng nghiêng về nhu cầu thấp và điều này dẫn đến một sự tụt giá đột ngột.
Mặc dù nhu cầu yếu hơn rõ ràng là nguyên nhân làm cho giá dầu sụt mạnh, song phép tính cơ học có thể còn phức tạp hơn. Một giả thuyết cho rằng sự suy giảm đột ngột của giá có liên quan đến Đại hội Olympic Bắc Kinh vì Trung Quốc đã theo đuổi các dự án xây dựng ồ ạt, cũng như tích trữ nhiều dầu để tránh bất kỳ một trở ngại nào có thể xảy ra trong quá trình diễn ra Đại hội. Các dự án này đột nhiên ngừng lại vài tuần trước khi đại hội bắt đầu. Ngoài ra, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã đóng cửa để hạ thấp mức ô nhiễm môi trường. Không thể không thừa nhận rằng giả thuyết này có một số cơ sở thực tế mặc dù nó không giải thích sâu về quá trình sụp đổ. Từ lý do này, vai trò của nạn đầu cơ cần phải được tính đến trong việc tạo ra bong bóng giá và sự "nổ tung" của nó.
Sự giảm giá nhanh chứng tỏ có ít người mua, có nghĩa là tiền đầu tư đang được chuyển khỏi hàng hóa. Quan điểm này được hỗ trợ bởi sự biến động của giá vàng trong cùng thời gian đó. Giá vàng đã tăng trong năm 2007 và 2008 và lên mức đỉnh điểm hồi tháng 7/2008. Giá vàng sau đó đột nhiên giảm xuống và sự suy yếu này tiếp tục trải qua giai đoạn cực kỳ bất ổn định của khu vực ngân hàng, trong đó có sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers hồi giữa tháng 9/2008.
Khi khu vực ngân hàng không ổn định, kết hợp với lĩnh vực hàng hóa bị sụp đổ, vàng trở thành nơi "tỵ nạn" của các nhà đầu tư. Sự yếu đi bất thường có thể là do nhiều nhà đầu tư nhanh chóng giảm vốn trong nhiều khu vực, và buộc phải bán "mọi cái và mọi thứ"- kể cả vàng- để bù đắp cho sự thiếu hụt. Vàng vì thế đã phục hồi và giờ đây một lần nữa là chỗ trú ẩn của các nhà đầu tư không dám mạo hiểm.
Các công ty dầu mỏ trên toàn thế giới đã lãi lớn trong nửa đầu năm 2008, song đã vấp phải khó khăn do giá dầu tuột dốc không phanh trong nửa cuối năm ngoái. Giá dầu thô giảm liên tục không tương ứng với tình trạng giảm ngay lập tức về vốn và chi phí hoạt động. Vì thế, các công ty buộc phải giảm chi phí đầu tư, và một số trường hợp cắt giảm nhân công. Nhiều dự án được triển khai trong thời gian 2006-2008 đòi hỏi giá dầu ở mức 40 USD/thùng để cân bằng. Một số công ty như Total và Exxon đã công khai tuyên bố họ vẫn duy trì đầu tư khi giá xuống thấp. Exxon cho biết sẽ đầu tư khoảng 129 tỷ USD (bằng GDP của Niu Dilân) trong vòng 5 năm tới. Nhiều công ty khác đã bắt đầu giảm đầu tư. Nếu việc đầu tư thấp tiếp tục diễn ra trong 2 quý nữa thì điều nay sẽ gây ra các vấn đề lớn về cung trong 2-5 năm tới. Và khi nền kinh tế thế giới cất cánh trở lại như nhiều người hy vọng, các nước và các công ty sản xuất dầu có thể đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp dầu theo yêu cầu. Giá dầu lúc đó có thể còn vượt quá mức kỷ lục 147 USD/thùng ngày 11/7/2008.
Hiện nay, trong bối cảnh kinh thế giới đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, giá dầu đã hồi trở lại, với giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7/09 được giao dịch ở mức 68,55 USD/thùng tại thị trường chứng khoán Niu Yoóc ngày 3/6.
Tuy nhiên, mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU), thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh), cho rằng giá dầu sẽ lại giảm vào nửa cuối năm 2009 và mức giá trung bình năm 2009 sẽ chỉ ở mức 46 USD/thùng. Theo EIU, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua, khoảng 65 USD/thùng, một phần do Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trước đó cắt giảm sản lượng và hy vọng về sự phục hồi kinh tế đang tăng lên. EIU cho hay thị trường đã phớt lờ các số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ đang tăng và nhu cầu vẫn yếu, mà chỉ tập trung vào những dấu hiệu cải thiện đầu tiên trong các số liệu kinh tế, nhất là của Mỹ và Trung Quốc. Sự lạc quan này dẫn đến một số nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, qua đó đẩy các mặt hàng nói chung tăng lên. Giá tăng lại càng tăng do người mua sợ giá còn cao hơn. Trong khi đó, các nước OPEC đang đứng trước sức ép tăng sản lượng để tạo nguồn thu ngân sách trong bối cảnh suy yếu kinh tế hiện nay.
Tuấn Thư
TTXVN
|