Triển vọng mới về nối lại vòng đàm phán Doha
Triển vọng nối lại vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu đã được mở ra khi các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 Nhóm các nước xuất khẩu nông nghiệp (CGMM) đã cùng nhất trí thúc đẩy nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình này, đồng thời cam kết hướng tới một thỏa thuận khung nhằm bãi bỏ các chế độ trợ giá xuất-nhập khẩu.
Bế mạc ngày 9/6 sau ba ngày họp tại đảo Bali, Indonesia, hội nghị đã ra thông cáo chung nêu rõ CGMM cùng với các đối tác Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã nhất trí phối hợp "thổi một luồng gió mới cho các cuộc thương lượng nhằm đưa vòng đàm phán Doha đạt kết quả trong thời gian sớm nhất".
Thông cáo nhấn mạnh thành công của vòng đàm phán Doha có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy phát triển ở các quốc gia đang phát triển, đồng thời góp phần ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo thông cáo, các cuộc đàm phán sẽ được mở lại tại Geneva (Thụy Sĩ) sớm nhất có thể.
Phát biểu với báo chí, Chủ tọa CGMM - Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Crean cho biết có một cam kết rõ ràng từ phía Mỹ và nhóm CGMM nhằm phá vỡ bế tắc của cuộc đàm phán Doha.
Mỹ đã cam kết xây dựng nền tảng mới cho các cuộc đàm phán Doha vào tháng 8 tới. Dự kiến, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma sẽ đại diện cho CGMM đến Washington vào hạ tuần tháng này đề thảo luận sâu hơn với Mỹ về các vấn đề liên quan. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu cũng đã cam kết hoàn thiện một thỏa thuận khung để tiến tới bãi bỏ chế độ trợ giá xuất-nhập khẩu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cũng bày tỏ hy vọng vòng đàm phán Doha sẽ đạt được thỏa thuận vào năm 2010.
Vòng đàm phán Doha đã được khởi động tại Qatar từ năm 2001 với mục tiêu tháo dỡ các rào cản mậu dịch và chế độ bao cấp, trợ giá, nhất là trong ngành nông nghiệp, trước năm 2013. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đã đổ vỡ vào tháng 7/2008, sau khi Ấn Độ và Mỹ mâu thuẫn về việc các nước nghèo tăng biểu thuế nhập khẩu, và bảo hộ các ngành công nghiệp dễ bị thua thiệt của mình.
Thỏa thuận Doha nếu đạt được sẽ đem lại 150 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, và được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Nhóm CGMM có 19 quốc gia thành viên, gồm Argentina, Australia, Bolivia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Paraguay, Peru, Philippines, Nam Phi, Thái Lan và Uruguay. Nhóm này chiếm 25% tổng kim ngạch trao đổi nông nghiệp của toàn thế giới./.
Vietnam+
|