Thứ Ba, 02/06/2009 08:13

Trào lưu niêm yết mới

Mặc dù chưa tổ chức ĐHCĐ nhưng ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) vẫn khẳng định, Vietinbank sẽ lên sàn vào tháng 7 năm nay. Không chỉ "đại gia" ngân hàng này, một số DN lớn khác cũng đăng ký ghi danh trên TTCK như Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank (VCB). Nhiều DN quy mô nhỏ hơn cũng tích cực chuẩn bị cho việc niêm yết. Tổng số hồ sơ chấp thuận nguyên tắc và đang xem xét tại cả HASTC và HOSE đến thời điểm này là 47 DN.

Thời điểm thuận lợi

Ngày 1/6, Vietcombank chốt danh sách cổ đông để thực hiện lưu ký cổ phiếu, nếu mọi việc suôn sẻ, ngay trong tháng 6 này, hơn 112,285 triệu cổ phiếu VCB (chiếm 9,28% vốn điều lệ) sẽ thực hiện niêm yết tại HOSE. Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của HOSE như cập nhật bản cáo bạch theo báo cáo kiểm toán, cam kết nắm giữ cổ phiếu của một số cổ đông theo quy định… Theo bà Hoa, mọi việc phụ thuộc vào HOSE, nếu không kịp trong tháng 6, VCB sẽ niêm yết vào tháng 7.

Ngày 25/5, Tập đoàn Bảo Việt cũng nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 573 triệu cổ phiếu tại HOSE. Bảo Việt có vốn điều lệ hơn 5.730 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 77,54%, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm 10%, còn lại là các cổ đông khác. Bảo Việt định hướng phát triển với những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, gồm bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán và ngân hàng. Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt cho biết, niêm yết cổ phiếu là một trong những công việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2009/NQ-ĐHĐCĐ của ĐHCĐ Bảo Việt năm 2009. Mặt khác, TTCK đã có dấu hiệu hồi phục tích cực, nên thời điểm này khá thuận lợi cho việc niêm yết. Trên thực tế, Bảo Việt đã có kế hoạch niêm yết từ năm 2008, nhưng do thị trường quá xấu cùng với diễn biến tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến Tập đoàn lùi lại kế hoạch niêm yết.

Không chỉ DN lớn đón bắt cơ hội thị trường hồi phục, nhiều DN quy mô nhỏ cũng khẩn trương hoàn thiện thủ tục để niêm yết, vì thị trường hồi phục không chỉ tốt về giá cổ phiếu mà còn thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư. Theo số liệu từ HOSE, đến ngày 29/5, đã có 10 DN được chấp thuận về nguyên tắc, 7 bộ hồ sơ xin niêm yết đang được xem xét. Còn tại HASTC, 20 bộ hồ sơ xin niêm yết còn hiệu lực.

Chào sàn với giá nào?

Giá chào sàn của DN niêm yết luôn là ẩn số. Thông thường, đến cận ngày niêm yết, giá cổ phiếu chào sàn mới được công bố. Nếu tại sàn Hà Nội, cổ phiếu chào sàn không có giá xác định trước, mà do nhà đầu tư tự đặt mua - bán với nhau thì tại sàn HOSE, DN niêm yết, đơn vị tư vấn và HOSE sẽ ngồi lại để xác định giá chào sàn. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu sẽ dao động trong khoảng +/-20% của mức giá định trước.

Bà Hoa cho biết, dù muốn hay không giá cổ phiếu VCB cũng phải theo giá thị trường vào thời điểm này. Giá chào sàn sẽ được đưa ra dựa trên giá cổ phiếu VCB giao dịch trong vài tháng gần đây trên thị trường OTC cùng với việc đánh giá giá trị nội tại DN và tham khảo giá cổ phiếu một số ngân hàng khác. Bà Hoa cho biết, giá chào sàn sẽ không quá cao và kỳ vọng của nhà đầu tư như thế nào về VCB sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu sau khi lên sàn. Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu VCB đang giao dịch ở mức 45.500 - 45.800 đồng/CP. So với giá đấu thành công bình quân (107.572,7 đồng/CP), giá cổ phiếu VCB hiện còn thấp xa, nhưng so với cách đây vài tháng, mức giá này đã lên đến vài chục phần trăm.

Giá chào sàn bao nhiêu cũng là vấn đề mà Tập đoàn Bảo Việt đang cân nhắc, bởi giá đấu bình quân khi IPO DN này ở mức khá cao. Giá cổ phiếu Bảo Việt hiện dao động trong khoảng 22.000 - 23.000 đồng/CP, trong khi giá đấu bình quân hồi giữa năm 2007 là 73.910 đồng/CP.

Không quá gặp khúc mắc về giá có lẽ là Vietinbank. Giá đấu bình quân của ngân hàng này không quá cao (trên 20.000 đồng/CP), trong khi chưa hình thành giá giao dịch trên thị trường OTC nên Vietinbank có thể đưa ra mức giá hợp lý, mà không chịu sức ép từ cổ đông.

Trước đây, một số DN định giá chào sàn quá cao hoặc quá thấp, khiến giá cổ phiếu sau khi lên sàn lên hoặc xuống nhiều tháng liên tiếp. Tại HOSE, thời gian gần đây, không còn tình trạng DN định giá một đằng, nhà đầu tư xác định một kiểu. Theo tìm hiểu của ĐTCK, để làm được điều này, HOSE đã yêu cầu đơn vị tư vấn cung cấp thêm bằng chứng về giá giao dịch trên thị trường OTC để đưa ra giá chào sàn sát với giá thị trường.

Bản thân DN không còn muốn chào sàn với giá quá cao vì thị trường sẽ quyết định, chứ không phải ý muốn chủ quan của DN. Giá cổ phiếu đã trở thành một phần của thương hiệu, nên khi niêm yết, sự ổn định của thị giá là điều DN mong muốn hơn so với việc tăng hay giảm mạnh.

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Quản lý thông tin cổ đông: Các bên cần nhập cuộc (02/06/2009)

>   “Giá chào sàn dự kiến của CP Vietinbank là 50.000 đồng” (02/06/2009)

>   400 tỉ đồng chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc (02/06/2009)

>   Công ty Kinh doanh nước sạch Hòa Bình chỉ bán được 45,000 cổ phần (01/06/2009)

>   57 triệu USD cho dự án điện gió ở Lâm Đồng (01/06/2009)

>   HPT: Doanh thu quý I/2009 tăng 146,9% (01/06/2009)

>   Searefico dự kiến lãi 23,5 tỷ đồng (01/06/2009)

>   Viwaseen 3 đạt 74,27 tỷ đồng doanh thu trong năm 2008 (01/06/2009)

>   OTC: Mua đón đầu (01/06/2009)

>   SHP phát hành hơn 35.7 triệu cổ phiếu (01/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật