“Giá chào sàn dự kiến của CP Vietinbank là 50.000 đồng”
Sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khá thành công, các cổ đông của Vietinbank đang nóng lòng chờ ngày ngân hàng này “lên sàn”.
Vậy, kế hoạch niêm yết cổ phiếu Vietinbank trên thị trường chứng khoán đang được triển khai như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), nói:
- Sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng cuối năm 2008, Vietinbank đã khẩn trương triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngày 4/6 tới, Vietinbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên, thông qua một số nội dung quan trọng như điều lệ tổ chức và hoạt động; kế hoạch kinh doanh năm 2009 và chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 2009-2014; kế hoạch lựa chọn và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài; kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung...
Kế hoạch 2009 của Vietinbank là lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.944 tỷ đồng, cổ tức năm 2009 là 10%. Phần lợi nhuận dư ra sau khi chia cổ tức sẽ dùng để tăng vốn chủ sở hữu.
Hiện hồ sơ xin niêm yết của Vietinbank đã được nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và dự kiến cổ phiếu Vietinbank sẽ chính thức “lên sàn” vào tháng 7/2009.
Trong đợt này, chúng tôi sẽ niêm yết 6% cổ phần đã IPO cuối năm 2008. Còn lại 2% cổ phần của nhà đầu tư chiến lược trong nước và 2% cổ phần của công đoàn chưa đủ điều kiện sẽ được niêm yết vào đợt sau.
Với xu hướng hiện nay của thị trường chứng khoán, theo ông, giá chào sàn của cổ phiếu Vietinbank sẽ là bao nhiêu?
Những tháng trước là thời điểm khó khăn của thị trường và chúng tôi nghĩ rằng giá cổ phiếu Vietinbank chỉ vào khoảng 3-4 “chấm”.
Tuy nhiên, với những dấu hiệu ngày càng tốt lên của thị trường thời gian gần đây, giá các cổ phiếu ngân hàng cả trên sàn niêm yết và thị trường OTC đã tăng trở lại. Bởi vậy, chúng tôi dự kiến giá chào sàn của cổ phiếu Vietinbank sẽ là 5 “chấm” (50.000 đồng/cổ phiếu - PV).
Niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ làm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu Vietinbank, góp phần đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường, đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu việc Vietinbank chính thức tham gia một sân chơi chung, với nguyên tắc công khai, minh bạch.
Thời gian niêm yết đã gần kề, nhưng Vietinbank vẫn chưa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài. Tại sao có sự chậm trễ này và điều đó ảnh hưởng gì đến định hướng chiến lược của Vietinbank, thưa ông?
Theo kế hoạch, Vietinbank sẽ chọn xong cổ đông chiến lược trước khi niêm yết, nhưng từ cuối năm 2008 tới nay, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Đặc biệt hệ thống tài chính - ngân hàng ở tất cả các quốc gia bị rung chuyển mạnh đã ảnh hưởng tới kế hoạch đàm phán của các đối tác với Vietinbank. Tuy vậy, họ vẫn luôn khẳng định mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vietinbank và xin lùi thời điểm hợp tác đầu tư.
Nếu nói chưa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài không có ảnh hưởng gì thì cũng chưa hẳn bởi nếu chọn được đối tác chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết, Vietinbank sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ để đạt được các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, sẽ không vì chưa có đối tác chiến lược mà các kế hoạch, định hướng chiến lược đã định bị lùi lại.
Dự kiến sau khi lên sàn, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục gặp gỡ, đàm phán với các đối tác để tìm hiểu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những định chế tài chính có tiềm năng và sang đầu năm 2010 sẽ có những quyết định chính thức trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
Vậy tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài của Vietinbank thế nào, và Vietinbank kỳ vọng gì ở họ?
Tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài nằm trong đề án cổ phần hóa Vietinbank đã được Chính phủ phê duyệt.
Đó phải là những định chế tài chính - ngân hàng tầm cỡ quốc tế, có năng lực tài chính mạnh, tổng tài sản hàng nghìn tỷ USD, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh... Quan trọng là phải tìm được đối tác tốt, có thương hiệu lớn và họ thực sự mong muốn hợp tác đầu tư lâu dài.
Tuấn Linh
tbktvn
|