Tranh thủ lên sàn
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đang khởi động lại các chương trình niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc IPO (phát hành cổ phần ra công chúng lần đầu).
Thị trường phục hồi trong ba tháng qua đã đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp niêm yết. Những cổ phiếu chào sàn trong vài tháng qua đã tăng giá 100-200%, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông.
Thêm hàng cho thị trường
Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) dự kiến niêm yết cổ phiếu vào ngày 30-6. Theo đó, 56 triệu cổ phiếu Vietinbank, tương đương 6% vốn điều lệ, và trên 112 triệu cổ phiếu Vietcombank, chiếm khoảng 9,28% vốn điều lệ, sẽ được niêm yết trên sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Ngoài ra, HoSE đã chấp thuận về nguyên tắc việc niêm yết cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt sẽ niêm yết trên 773 triệu cổ phiếu. Như vậy, đến nay cả ba định chế tài chính lớn vốn là các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đã chuẩn bị lên sàn. Bên cạnh đó, nhiều khả năng vào cuối năm 2009 sẽ có những tên tuổi lớn phát hành cổ phần lần đầu như MobiFone, EVN Telecom, Ngân hàng ĐBSCL (MHB)...
Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa hoàn tất thủ tục niêm yết bổ sung 150 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC). SHB cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỉ đồng, trong đó 1.000 tỉ đồng phát hành cho cổ đông hiện hữu, 500 tỉ đồng phát hành cho cổ đông nước ngoài.
Cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) và của Công ty CP dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco)...
Theo Hiệp hội Các nhà tài chính (VAFI), các “đại gia” rục rịch lên sàn với tổng lượng cung lớn sẽ làm quy mô vốn hóa của thị trường tăng 50% và thay đổi kết cấu hàng hóa trên sàn. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ không phải e ngại lên sàn như năm 2008 và cổ đông không phải rơi vào tình trạng ôm cổ phiếu mà không biết khi nào mới bán ra được. Gia nhập thị trường bây giờ cũng là cơ hội vàng để nâng giá trị cổ phiếu và “chuộc lỗi” với cổ đông. Cơn sốt săn lùng cổ phiếu sắp niêm yết đang quay trở lại càng đưa giá cổ phiếu doanh nghiệp tăng phi mã.
Phải vào sàn
Thông tin kinh tế khả quan, thị trường chứng khoán đạt thanh khoản cao, giá trị giao dịch liên tiếp xác lập những kỷ lục mới, dòng tiền tiếp tục đổ vào là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiến hành IPO.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo công ty chứng khoán, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào IPO cũng sẽ được nhà đầu tư chào đón. Để có một đợt phát hành thành công ngoài yếu tố thuận lợi của thị trường thì phải dựa vào nội lực của doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, có nhiều triển vọng tăng trưởng, giá chào sàn hợp lý mới có kết quả IPO thành công. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc những yếu tố trên để bán hết số lượng cổ phần dự kiến phát hành.
Bên cạnh sự tự nguyện niêm yết của các doanh nghiệp sau khi tiến hành cổ phần hóa hoặc thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng, trong thời gian qua Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để đưa những công ty đại chúng vào khuôn khổ nhằm thực hiện chế độ công bố thông tin một cách công khai và minh bạch, hạn chế tranh chấp trong mua bán, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Như vậy các công ty đại chúng hiện nay sẽ phải niêm yết trên hai sàn chứng khoán HoSE và HaSTC hoặc phải đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM nếu muốn thực hiện giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu.
Nên có sàng lọc
Theo một chuyên gia chứng khoán, việc cùng một lúc nhiều doanh nghiệp thực hiện IPO sẽ ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến thị trường mới phục hồi. Cũng cần phải lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp để cổ phần hóa, có những yêu cầu gắt gao hơn khi doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng như tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kế hoạch sử dụng nguồn vốn thặng dư sau khi phát hành như thế nào...
Tình hình kinh tế trong thời gian gần đây đã có tín hiệu tích cực, nhưng một số tổ chức tận dụng cơ hội thị trường tăng điểm để bán bớt cổ phiếu và chưa có kế hoạch mạnh tay đầu tư vào chứng khoán thì việc tiến hành IPO dồn dập với số lượng lớn sẽ làm thị trường khó “tiêu hóa” hết.
Chưa kể nhiều doanh nghiệp chỉ tận dụng đợt tăng giá của thị trường phát hành cổ phiếu ra công chúng mà chưa có những phương án sử dụng nguồn vốn huy động được. Thực tế trong năm 2008, nhiều doanh nghiệp tiến hành IPO không thành công bởi thị trường tài chính khủng hoảng. Không ít phiên đấu giá đã phải hủy bỏ do không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia.
Nâng cao quản trị, hiệu quả đầu tư
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chứng khoán tăng lại là cơ hội để đẩy mạnh cổ phần hóa tạo cung vốn cho thị trường và nền kinh tế. Điều này cũng sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới...
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hoàn thiện chính sách về quản trị, minh bạch hóa thông tin, hiểu rõ sức cầu của thị trường. Các doanh nghiệp nên cân nhắc thời điểm, số lượng cổ phiếu cũng như giá bán để kế hoạch phát hành được thành công cao nhất, góp phần huy động vốn cho doanh nghiệp.
Việc phát hành cổ phần không nên quá chú trọng làm thế nào bán được giá cao, thu được nhiều tiền mà phải có kế hoạch sử dụng vốn huy động hiệu quả và đúng như kế hoạch đã đề ra nhằm giữ niềm tin cho nhà đầu tư.
Ngọc Trung - Mỹ Khanh
Tuổi trẻ
|