Lên sàn là điều kiện để DN được hỗ trợ tái cơ cấu
“Tiến tới, sẽ yêu cầu các DN muốn được tái cơ cấu phải cam kết đưa cổ phiếu lên giao dịch tại (ít nhất là) sàn UPCoM, coi đó là tiêu chuẩn để được nhận sự hỗ trợ của DATC. Trong quý III, quý IV năm nay, chúng tôi sẽ cụ thể hoá các điều kiện này”, một lãnh đạo Công ty Mua bán nợ, Bộ Tài chính cho biết.
Là một định chế tài chính được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập từ năm 2003, Công ty Mua bán nợ, Bộ Tài chính (DATC) có mục đích lớn nhất là hỗ trợ các DNNN trong quá trình chuyển đổi sở hữu. Đặc biệt, Công ty đang hướng tới việc minh bạch hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN thành viên bằng việc đưa cổ phiếu của các công ty đã được tái cơ cấu lên sàn chứng khoán.
Trong khuôn khổ chiến lược này, ngày 16/6 vừa qua, DATC đã ký thỏa thuận hợp tác với TTGDCK Hà Nội (HASTC). Theo đó, hai tổ chức này sẽ phối hợp với nhau trong việc bán đấu giá cổ phần, niêm yết trái phiếu, niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu của các đơn vị thành viên của DATC tại HASTC. Cụ thể hơn, theo một lãnh đạo của DATC, Công ty đóng vai trò là nguồn cung hàng hoá tiềm năng cho sàn chứng khoán Hà Nội, đồng thời HASTC sẽ hỗ trợ về chuyên môn và tạo điều kiện về thủ tục để các DN mà DATC đã tái cơ cấu có thể niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu.
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cho rằng, việc đưa DN lên sàn sẽ giúp cho hoạt động của các đơn vị này minh bạch hơn, giao dịch mua - bán của cổ đông dễ dàng và việc quản lý các DN thành viên của DATC cũng thuận lợi hơn.
“Vừa rồi, HASTC có lộ trình đưa sàn giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) vào hoạt động trong tháng 6 này. Là đơn vị đang sở hữu và tái cơ cấu cho nhiều DN, DATC rất quan tâm đến sàn này. Chúng tôi coi UPCoM là một ‘cơ hội’ minh bạch hoá hoạt động của các DN”, ông Quang nói.
Trong các DN được DATC tái cơ cấu thì Công ty thường nắm một lượng vốn rất lớn. DATC có điều kiện gì để lựa chọn DN lên sàn, bên cạnh các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan?
Hiện nay, chúng tôi chưa quy chuẩn hoá các điều kiện để đưa các DN mà DATC sở hữu vốn lên sàn chứng khoán tập trung và sàn UPCoM. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm, sau một thời gian được tái cơ cấu, DN có hoạt động kinh doanh và tài chính lành mạnh là chúng tôi khuyến khích và yêu cầu lên sàn. Trong đợt này, chúng tôi dự kiến đưa một số DN lên UPCoM như CTCP Kinh doanh chế biến thuỷ sản Đà Nẵng, Mía đường Sơn La, Mía đường Kon Tum; Công ty Giày Hữu nghị Đà Nẵng; Công ty Giao thông 677… Riêng Công ty SADICO Cần Thơ thì sẽ tập trung làm thủ tục để niêm yết trên HASTC.
Trong 12 DN đã tái cấu trúc xong, chúng tôi dự kiến đưa khoảng 10 DN lên niêm yết và đăng ký giao dịch trong đợt này.
Trong các DN mà DATC định đưa lên sàn chứng khoán, đã có cổ đông chiến lược nào tỏ ý quan tâm?
Hiện chưa có đề nghị cụ thể của những đối tác mới, nhưng hầu như các cổ đông lớn đã sở hữu cổ phần tại DN của chúng tôi đều muốn tiếp tục sở hữu thêm. Khi DN lên UPCoM thì các cổ đông này sẽ dễ dàng thâu tóm cổ phiếu hơn rất nhiều.
Với việc hợp tác giữa DATC và HASTC, các ông muốn hướng tới điều gì?
Thật ra, vấn đề cốt lõi nhất chúng tôi muốn hướng đến là những tư vấn của một cơ quan quản lý TTCK. Cụ thể, khi DATC có DN muốn niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, HASTC sẽ giúp giới thiệu đơn vị tư vấn, thúc đẩy hồ sơ, nhanh chóng đủ điều kiện lên sàn. Đồng thời, thông qua sự hợp tác này để cả hai phía giúp nhau trong việc tăng cường quản lý DN: DATC là cơ quan sở hữu vốn của DN và HASTC với tư cách cơ quan quản lý thị trường giao dịch cổ phiếu của DN đó. Việc hợp tác này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để DATC thoái vốn tại các DN thành viên ở thời điểm hợp lý.
Không thể phủ nhận hầu hết DN trước khi được DATC tái cơ cấu có tình hình hoạt động khá tồi tệ và vai trò “bà đỡ” của Công ty là rất lớn. Một ví dụ đơn giản: việc vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động của các DN này cũng đã rất khó khăn nếu không có sự bảo lãnh của DATC. Nay nếu DATC có ý định thoái vốn thì tâm lý hoang hoang hẳn sẽ rất lớn với NĐT?
Chúng tôi cho rằng, ảnh hưởng nếu có chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý. Bởi khi lên sàn, mọi thông tin về DN sẽ được công khai để NĐT biết nhằm có thể ước định tiềm năng của DN đó cũng như mức giá mình có thể mua. Còn chức năng chính của DATC vẫn là tái cơ cấu, lành mạnh hoá tình hình tài chính của DN, sau đó thoái vốn và chuyển sang DN khác. Mà như đã nói, hiện có rất nhiều cổ đông lớn muốn tăng tỷ lệ sở hữu của các DN thành viên DATC. Việc thoái vốn của chúng tôi cũng sẽ được thực hiện chủ yếu theo hướng này và sẽ có lộ trình cụ thể. Có đơn vị thoái hết, có đơn vị bán một phần và có những đơn vị giữ nguyên. Đặc biệt, với những công ty gắn với nông thôn, miền núi như ngành mía đường, chè, cà phê, rau quả…, chúng tôi sẽ cân nhắc rất kỹ các tác động xã hội khi thoái vốn.
Năm 2009, DATC dự định tái cơ cấu bao nhiêu DN, thưa ông?
Trong năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch tái cơ cấu 40 DN. Tuy nhiên, giữa kế hoạch và khả năng thực hiện cũng bị bất cập bởi một số yếu tố khách quan, cụ thể là vướng về hành lang pháp lý.
Thứ nhất, khoảng 20 DN hiện đang vướng về việc xác định giá trị DN liên quan đến lợi thế đất đai và thương hiệu. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 109 nhưng có lẽ hơi chậm. Một vài DN nữa đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá những lại vướng về cơ chế xoá nợ, xử lý tồn tại tài chính, đang chờ đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Một câu hỏi cuối, mùa ĐHCĐ vừa rồi, câu chuyện chèn ép cổ đông nhỏ tại DN vẫn còn phổ biến. Là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối ở rất nhiều DN, xin hỏi DATC đã và sẽ hành xử thế nào?
Trước hết phải nói rằng, chúng tôi coi sự đồng thuận là tiêu chí hàng đầu. Không chỉ cổ đông nhỏ, tại nhiều DN thành viên của DATC còn có các cổ đông chiến lược. Quan điểm của chúng tôi là mình cũng là người đi đầu tư, việc lắng nghe những phản hồi của cổ đông dù nhỏ đến đâu cũng chỉ có lợi cho công tác quản lý đồng vốn của DATC. Đồng thời, tôi xin nhắc lại, việc thoái vốn hay không phải trên cơ sở cân nhắc quyền lợi của tất cả các cổ đông.
Trọng Hiếu
Đầu tư chứng khoán
|