Niêm yết hay vào UPCoM?
Với nỗ lực thu hẹp thị trường giao dịch chứng khoán tự do, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đang chuẩn bị hàng loạt những biện pháp quyết liệt nhằm “gò” những công ty đại chúng vào khuôn khổ.
Và như vậy, các công ty đại chúng hiện nay sẽ chỉ có hai lựa chọn: niêm yết trên hai sàn Hà Nội và Tp.HCM hoặc đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM, nếu muốn thanh toán hoặc chuyển nhượng cổ phiếu.
Hoặc niêm yết, hoặc lên sàn UPCoM
Theo Luật Chứng khoán, công ty đại chúng thuộc 1 trong 3 loại hình: công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán; công ty có ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu - không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 đồng Việt Nam trở lên.
Chứng khoán của công ty đại chúng phải được đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán; chứng khoán của tổ chức phát hành khác uỷ quyền cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán làm đại lý chuyển nhượng được đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Chứng khoán của công ty đại chúng phải được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trước khi thực hiện giao dịch.
Như vậy, 973 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán (theo thống kê mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán, tính đến ngày 2/6/2009) sẽ phải thực hiện việc lưu ký tập trung và lên kế hoạch niêm yết hoặc lên sàn UPCoM sớm.
Từ trước đến nay, việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoàn toàn là tự nguyện của doanh nghiệp. Ngay kể cả các văn bản pháp lý cũng chưa có một điều khoản nào quy định việc bắt buộc lên niêm yết sau khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa hoặc thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng.
Nhưng bây giờ thì khác. Các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu sẽ được đưa dần vào một hệ thống thống nhất, đảm bảo chế độ công bố thông tin một cách công khai và minh bạch, tiến tới hạn chế tối đa những lộn xộn trong tranh chấp mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tự do như thời gian vừa qua.
Đưa giao dịch OTC vào khuôn khổ
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc HASTC, khẳng định rằng, trong thời gian tới, mà cụ thể là trước ngày UPCoM vận hành chính thức, Quyết định 108 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ được sửa đổi với những nội dung quy định rõ hơn về tính bắt buộc này, cụ thể:
Công ty đã đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán phải tiến hành các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán. Giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết đã đăng ký, lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán phải thông qua hệ thống của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thực hiện bù trừ và thanh toán căn cứ vào kết quả giao dịch nhận được từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
Thực ra, quy định này đã có từ khi Luật Chứng khoán được ban hành từ năm 2007 nhưng đến thời điểm này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán mới tiến hành siết chính là do những rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư đang diễn ra gần đây cũng như yêu cầu về việc tạo hàng cho UPCoM, khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn không chịu “nghe vận động” lên UPCoM.
Trong lộ trình đăng ký, lưu ký cho các công ty đại chúng chưa niêm yết vừa được Ủy ban Chứng khoán công bố vào đầu tháng 6 này, thì việc đưa các chứng khoán chưa niêm yết vào niêm yết và giao dịch theo một hệ thống thống nhất sẽ được thực hiện dứt điểm trong năm 2009.
Giai đoạn 1 (từ 1-15/6/2009), sẽ có 15-20 công ty đại chúng chưa niêm yết đã đăng ký tham gia giai đoạn đầu của thị trường UPCoM.
Giai đoạn 2 (từ 15/6 -30/9/2009): bao gồm các công ty đại chúng chưa niêm yết có công ty chứng khoán quản lý sổ cổ đông theo danh sách do các công ty chứng khoán báo cáo Ủy ban Chứng khoán và các công ty đại chúng tự nguyện. Dự kiến số này khoảng 186 doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (từ 30/9-31/12/2009): gồm các công ty đại chúng còn lại.
Với lộ trình cụ thể này, các công ty đại chúng phải lên kế hoạch thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung để gửi thông báo tới Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Sau khi đăng ký, lưu ký tập trung nếu công ty đăng ký niêm yết thì thực hiện theo quy định đối với chứng khoán niêm yết.
Trường hợp công ty chưa niêm yết thì việc chuyển nhượng và thanh toán thực hiện theo Điều 32 Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC ngày 22/10/2007 của Bộ Tài chính, nghĩa là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán chỉ thanh toán giao dịch dựa trên căn cứ là kết quả giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện tại các công ty chứng khoán và chuyển vào Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thông qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
Căn cứ vào những quy định hiện hành và dự thảo hướng dẫn, tất cả các cổ phiếu đang có giao dịch trên thị trường tự do sẽ phải đi vào khuôn khổ quy định, dù muốn hay không.
Vấn đề đặt ra là khả năng thực hiện cùng quyết tâm đến đâu của cơ quan quản lý để UPCoM cũng như niêm yết thực sự là nơi hấp dẫn doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia.
Đại diện Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) khẳng định rằng các bước chuẩn bị cho UPCoM vận hành đã được hoàn tất từ cuối năm 2008 và đợt chạy thử hệ thống cuối cùng ngày 29/5 vừa qua cũng đã thông suốt và không gặp bất cứ trở ngại nào.
Để tăng tính hấp dẫn đối với UPCoM, ngoài các quy định đã ban hành, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán đã đề xuất với Bộ Tài chính cho phép các công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh được cùng mua - bán 1 loại chứng khoán trong cùng phiên với mục đích là tạo tính thanh khoản cũng như tiền đề cho các công ty chứng khoán trở thành nhà tạo lập thị trường (marketmaker).
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng đang đề xuất với Bộ Tài chính là không quy định “cứng” biên độ (hiện là +/-10%) mà thay vào đó là cho phép Ủy ban Chứng khoán được phép quyết định mức biên độ tùy theo tình hình thị trường.
Hoàng Quân
tbktvn
|