Lợi thế khác biệt trong tuyển đối tác ngoại
Mối quan tâm của giới đầu tư với các “đại gia” như Vietcom-bank, Vietinbank hay Bảo Việt, không chỉ là chuyện niêm yết, mà lộ trình chọn cổ đông chiến lược cũng được các nhà đầu tư tư theo dõi sát sao không kém.
Việc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đưa ra thông tin sẽ bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng là một trong những tín hiệu lạc quan khiến giá cổ phiếu của Vietinbank trên thị trường OTC vọt lên khá nhanh.
Nếu như trước ngày Ngân hàng này họp đại hội đồng cổ đông (ngày 4/6 vừa qua), cổ phiếu Vietinbank chỉ giao dịch trong khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu thì hiện nay, cổ phiếu này đã trở thành mặt hàng hiếm, bên bán đòi ít nhất 40.000 đồng/cổ phiếu Vietinbank mới chịu ra hàng. Với động thái này, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank tuyên bố chắc nịch: “Giá niêm yết của Vietinbank sẽ là 5 chấm (50.000 đồng/cổ phiếu)”. Điều khiến nhiều nhà đầu tư nghi hoặc trước đây - giờ lại đang có cơ sở để trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, theo HĐQT Vietinbank, cũng sẽ phải đến năm 2010, Vitinbank mới chính thức tiến hành bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Cũng theo ông Hùng, kế hoạch bán cổ phần cho đối tác nước ngoài sẽ được Vietinbank trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vào đầu năm 2010. Lý giải về việc chưa thể bán cổ phần cho đối tác ngoại ngay trong năm nay, đại diện của Vietinbank cho biết, do một số lý do khách quan, nên việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa thể thực hiện trong năm nay, mà phải lùi sang năm sau.
Theo phân tích của một số chuyên gia chứng khoán, nếu so sánh 2 “đại gia” ngân hàng là Vietcombank và Vietinbank thì việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài của Vietinbank có thể sẽ thuận lợi hơn.
Lợi thế này không phải đến từ sức mạnh nội tại của Vietinbank, mà do giá IPO của Vietinbank thấp hơn nhiều so với giá IPO của Vietcombank. So sánh về kết quả đấu giá của 2 ngân hàng này thì mức đấu giá thành công của Vietcombank là 107.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá đấu thành công bình quân của Vietinbank chỉ có hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
Do đó, với giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay, Vietinbank hoàn toàn có thể bán được cho đối tác nước ngoài với giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu, vẫn cao hơn giá IPO, mà đối tác nước ngoài cũng cảm thấy vui vẻ.
Trường hợp của Vietcombank lại khác, cho dù Viecombank vẫn được đánh giá có nhiều chỉ tiêu cơ bản tốt hơn Vietinbank. Chẳng hạn, với mức vốn lớn, Vietcombank sẽ thu hút sự chú ý hơn cả, giá chào sàn của Vietcombank thậm chí có thể được coi là tham chiếu cho các cổ phiếu “đại gia” khác khi chào sàn sau này. Ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, nếu như Vietcombank giao dịch tốt sau khi niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng khác như Vietinbank cũng có cơ hội tốt hơn khi niêm yết.
Tuy nhiên, Vietcombank vẫn đang có một bất lợi so với Vietinbank trong việc đàm phán bán cổ phần cho đối tác nước ngoài do giá IPO của Vietcombank cao hơn nhiều, tới 107.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, nếu phải mua cổ phiếu Vietcombank với giá 107.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mấy thoải mái cho lắm, trong khi giá giao dịch của Ngân hàng này trên thị trường OTC vẫn chỉ ở mức 46.000 -47.000 đồng/cổ phiếu.
Theo giới phân tích, cổ phiếu của những ngân hàng quốc doanh cổ phần hoá như Vietcombank hay Vietinbank đều là những “miếng bánh” rất thơm trong con mắt của những tổ chức tài chính nước ngoài. Do đó, việc bán cổ phần của những ngân hàng này trước sau cũng sẽ “xuôi chèo mát mái”.
Vấn đề chỉ là giá cả, đối tác nước ngoài là ai, có thể đóng góp đến đâu cho sự phát triển dài hạn của các ngân hàng này mà thôi. Theo ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), thời gian đầu lên sàn, giá trị vốn hoá của VietinBank chưa thể bằng các ngân hàng cổ phần đang niêm yết hiện tại, nhưng về lâu dài, hiếm có DN nào có thể vượt VietinBank.
Chí Tín
đầu tư
|