Thứ Năm, 11/06/2009 10:12

Cơ hội tăng tốc cổ phần hoá

TTCK nóng bỏng, tình trạng cháy hàng xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu đang là cơ hội tốt cho các đợt IPO của DNNN vốn bị ế ẩm suốt năm qua. Từ quý III, nhiều DN sẽ tung hàng ra thị trường, trong đó có thể có những tên tuổi lớn như MobiFone, EVN Telecom, MHB...

Tháng 5, đầu tháng 6, nhiều đợt IPO tổ chức trên HOSE, HASTC đã có dấu hiệu khởi sắc. Công ty Gang thép Thái Nguyên đưa ra đấu giá 26,561 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.100 đồng/CP. Đã có 683 NĐT tham gia với tổng khối lượng đăng ký mua 26.311.900 cổ phần, giá đấu thành công bình quân 10.113 đồng/CP. 5.327.500 cổ phần của Xí nghiệp Dịch vụ công nghiệp Sonadezi đã được bán hết, lượng đặt mua cao hơn gần 1 triệu đơn vị. Tương tự, đợt đấu giá 900.000 cổ phần ngày 22/5 của Công ty Du lịch Bình Thuận đã thành công, lượng đặt mua cao gấp đôi so với chào bán.

Trong khi đó, chỉ nửa tháng về trước, nhiều đợt IPO vẫn còn vắng hoe vắng hoắt, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hòa Bình bán đấu giá 1,623 triệu cổ phần, nhưng chỉ có 45.000 cổ phần được đặt mua. Công ty Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu TP. Cần Thơ với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, lượng đấu giá 10,3 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, chỉ bán được vỏn vẹn 94.100 cổ phần. Tất nhiên, đem DN này so sánh với DN kia về mức độ hấp dẫn là khập khiễng, song một yếu tố quan trọng đóng góp cho các đợt IPO thành công là độ nóng trên TTCK.

Trở lại TTCK hiện nay, tốc độ tăng của VN-Index đã vượt qua dự đoán của ngay cả những người lạc quan nhất. Với mức đóng cửa hơn 512 điểm vào ngày 9/6, chỉ số này lọt vào top những thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới. Trong một tuần trở lại đây, tình trạng khan hàng trên cả thị trường chính thức và OTC tái diễn. Trên thị trường OTC, giá nhiều loại cổ phiếu thuộc nhóm ngành thời thượng như ngân hàng, chứng khoán tăng chóng mặt, có ngày chênh lệch tới 5.000 - 7.000 đồng/CP (thị giá cổ phiếu chưa vượt đầu 2). Nhiều loại cổ phiếu của các đợt IPO giá rẻ như Vietinbank, Vietinbank SC giờ đã tăng giá gấp 2,5 lần giá trúng bình quân. Những điều kiện như trên, theo nhận xét của nhiều CTCK, là khá lý tưởng cho các đợt IPO lớn.

Cũng trong khoảng nửa đầu năm, TTCK Việt Nam chưa có đợt "ra hàng" nào của các đại gia, song nửa cuối năm 2009 diễn biến đó sẽ không lặp lại. Theo một quan chức Bộ Thông tin Truyền thông, MobiFone đã hoàn tất xác định giá trị DN, trong quý III sẽ hoàn thành phương án cổ phần hoá trình Chính phủ phê duyệt. EVN Telecom sau khi được chấp thuận đề nghị sáp nhập với Trung tâm Công nghệ thông tin EVN đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị DN, đơn vị này đã được không ít tổ chức đánh tiếng muốn đầu tư chiến lược. Theo quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ tham gia vào quá trình cổ phần hoá các tổng công ty, đơn vị trực thuộc, còn phần lớn DNNN trong diện cổ phần hoá hiện nay đều là các công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, quy trình xác định giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa, do đó, được rút gọn hơn trước rất nhiều. Năm 2007, cả nước cổ phần hóa được 150 DN, năm 2008, cổ phần hoá được 73 DN; trong khi kế hoạch cổ phần hoá giai đoạn 2007 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt tới 950 DN. Hơn 700 DN thuộc diện phải cổ phần hoá trong quãng thời gian 1 năm rưỡi, nếu không đẩy nhanh tốc độ thì khó có thể hoàn thành.

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội cho biết, hiện cả nước đã cổ phần hoá gần 3.756 DNNN và bộ phận DNNN, nhưng số vốn được cổ phần hoá mới chiếm chưa đầy 15% tổng số vốn trong các DNNN (nếu trừ đi phần vốn nhà nước còn giữ lại gần 50% thì thực chất tỷ lệ trên chỉ chiếm khoảng 8%). Quy trình cổ phần hoá còn rườm rà, phức tạp, chưa thực sự phù hợp với thực tế. Thời gian cổ phần hoá bình quân một DN là 437 ngày, tổng công ty là 554 ngày...

Không chỉ Việt Nam, hiện TTCK toàn cầu đã tăng nhiệt trở lại, ngay tại các nước trong khu vực như Trung Quốc, chính quyền đã đẩy nhanh quá trình phê duyệt cổ phần hóa DNNN để chớp cơ hội thuận lợi hút vốn từ NĐT. Với Việt Nam, sức ép đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá ngày một lớn. Để cơ hội không bị bỏ lỡ, giới chuyên gia cho rằng, nên quy định chi tiết phương thức, biện pháp cổ phần hóa các DNNN lớn và các tổng công ty, có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế vị trí vào giá trị DN... Theo đánh giá của ông Thanh, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện không chỉ ở tỷ trọng vốn mà Nhà nước nắm giữ, mà chủ yếu cần thể hiện ở hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả kinh doanh, ở vai trò định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, vì thế không nên quá lấn cấn về cổ phần hoá và tư nhân hóa. Muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, cần thiết xác định trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, tổng công ty và địa phương, nâng cao trách nhiệm của DN, ban chỉ đạo cổ phần hoá, các định chế tài chính trung gian và cơ quan nhà nước trong cổ phần hoá.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Hàng Hải lãi trên 470 tỷ đồng sau 5 tháng (10/06/2009)

>   60 triệu USD cho hợp đồng EPC sản xuất ethanol (10/06/2009)

>   Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội tăng vốn điều lệ (10/06/2009)

>   HBCO: Chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14:1 (10/06/2009)

>   Vietcombank có thể chào sàn vào 30/6 (10/06/2009)

>   Bắt đầu thanh tra CTCP Địa ốc Tân Bình (10/06/2009)

>   Lợi thế khác biệt trong tuyển đối tác ngoại (10/06/2009)

>   Sàn UpCom: An toàn nhưng chưa hấp dẫn (10/06/2009)

>   OTC: Điều chỉnh (10/06/2009)

>   VNECO 5 dự kiến tăng vốn lên 17 tỷ đồng (10/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật