“Nghinh tân” cổ phiếu lớn
Không hẹn mà gặp, cuối tháng 6, tháng 7 là thời gian nhiều doanh nghiệp lớn chào sàn trên HOSE và HASTC. Dù đà tăng của thị trường đã giảm nhiệt, song làn gió mới từ các cổ phiếu lớn được hứa hẹn tiếp sức thêm cho NĐT, và ngay từ cuối tuần qua dù thị trường giảm điểm, một số mã cùng ngành nghề như bảo hiểm đã được gom chờ ăn theo hàng mới.
Ngay sau khi được chấp thuận nguyên tắc, Tập đoàn Bảo Việt đã chọn ngày niêm yết 25/6. Theo thông báo của HOSE, 573 triệu cổ phiếu của Bảo Việt mã BVH sẽ có giá tham chiếu 38.500 đồng/cổ phiếu. Quý I, kết quả kinh doanh của Bảo Việt tương đối khả quan, doanh thu đạt 2.459,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 314 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm.
Ngay sau Bảo Việt, cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) sẽ chào sàn ngày 30/6. Tuần qua, Vietcombank đã dự kiến công bố giá tham chiếu ngày đầu tiên, tuy nhiên do ở thời điểm này thị trường đang trong giai đoạn “rung lắc” nên đầu tuần tới Ban lãnh đạo sẽ họp lần cuối để quyết định công bố giá chào sàn vào ngày 25/6. Theo một vị trong HĐQT, giá chào sàn của Vietcombank cũng sẽ dao động quanh mức thị trường OTC đang giao dịch (51.000-53.000 đồng). Vị này chia sẻ: “Ngày đầu tiên chào sàn, giá cổ phiếu dao động trong biên độ 20%, nếu ấn định giá quá xa so với mức thị trường đang giao dịch, giá cổ phiếu có thể điều chỉnh giảm. Đó không phải là điều DN niêm yết mong muốn. Hơn nữa, quan điểm của Vietcombank là để giá cổ phiếu không có biến động quá lớn trong 1-2 tuần đầu tiên sau chào sàn”. Sau 5 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt trên 2.000 tỷ đồng (hiện còn chờ quyết định về chế độ tiền lương mới xác định được lợi nhuận).
Một tên tuổi nữa trong làng tài chính là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 11,11% vốn điều lệ, tương đương 134 triệu cổ phiếu lên HOSE với ngày đặt kế hoạch lên sàn là 16/7. Thời gian từ nay đến “đích” Vietinbank đặt ra không còn nhiều, song ông Phạm Xuân Lập, Tổng giám đốc Vietinbank tự tin cho biết, Ngân hàng sẽ niêm yết đúng kế hoạch. “Biết là thời gian gấp, song chúng tôi thường đặt kế hoạch cụ thể ra trước để ốp các bộ phận thực hiện đúng tiến độ. Lãnh đạo HOSE đã hứa sẽ hỗ trợ Vietinbank”, ông Lập cho hay. Không chỉ ấn định ngày chào sàn, lãnh đạo Vietinbank còn mạnh dạn tuyên bố giá tham chiếu ngày đầu tiên ít nhất 50.000 đồng. Ông Lập nói: “Thông tin như vậy không có nghĩa ngân hàng cứng nhắc lấy giá chào sàn ở mức đó. Diễn biến thị trường cũng sẽ quyết định tới mức giá chúng tôi lựa chọn”.
Trên sàn Hà Nội, tháng 7 cũng có góp mặt của những doanh nghiệp quy mô vốn lớn như Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng), CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (vốn điều lệ 900 tỷ đồng), CTCK SHS (vốn điều lệ 410 tỷ đồng)... Ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC cho biết, Công ty đặt kế hoạch niêm yết ngay trong tháng 7, đồng thời tập trung công tác đàm phán tìm cổ đông chiến lược để bán phần vốn nhà nước xuống còn 51%.
Giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam đã giảm mạnh trong gần 2 năm qua, hiện chỉ ở mức 270.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD), quy mô thị trường nhỏ là một trong những lý do nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài chưa mấy mặn mà đến TTCK Việt Nam. Nay có thêm cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn, TTCK được bổ sung hàng hóa có chất lượng sẽ tiếp sức thêm cho các NĐT. Thực tế diễn biến giao dịch tuần qua cho thấy, với những thông tin bán ra liên tục của các nhà đầu tư lớn cùng các cổ đông nội bộ, bên cạnh đó là các phiên bán ròng liên tục của khối nhà đầu tư nước ngoài và sự chững lại của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam đã có một tuần điều chỉnh sau hơn 3 tháng tăng liên tiếp. Tuy nhiên, lượng cầu vẫn được đổ vào thị trường với những kỳ vọng vào các mã cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý II và đặc biệt là kỳ vọng vào sự chào sàn của các mã cổ phiếu lớn thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm là Vietcombank, Vietinbank và Bảo Việt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, STB, ACB và SHB đều giảm giá kèm theo đó là sự suy giảm của khối lượng và giá trị giao dịch, song theo phân tích của một số CTCK, sự giảm điểm nói trên chỉ là sự điều chỉnh sau thời gian tăng mạnh trước đó.
Cổ phiếu ngân hàng giảm điểm nhưng thị trường cũng chứng kiến sự lên ngôi của cổ phiếu ngành bảo hiểm với 2 phiên tăng điểm cuối tuần. Cả BMI và VNR đều có khối lượng khớp rất lớn với dư mua giá trần cuối phiên. Đây là hiện tượng một số nhà đầu tư gom hàng để chờ hiệu ứng tốt khi cổ phiếu Bảo Việt lên sàn trong thời gian tới đây.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|