Ngành ngân hàng Thụy Sỹ không còn "im lặng là vàng"
Ngành ngân hàng Thụy Sỹ nổi tiếng từ cuối thế kỷ 18 khi các nhà quý tộc Pháp bắt đầu "mê" các vụ giao dịch ngân hàng bí mật. Việc giới thiệu các tài khoản bí mật 100 năm sau đó chỉ làm tăng uy tín của ngành ngân hàng Thụy Sỹ. Ngày nay, nhờ đồng Franc của Thụy Sỹ liên tục ổn định, ngành ngân hàng nước này đã đóng góp 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lĩnh vực này nhận được sự chú ý đặc biệt của chính phủ bất kể khi có vấn đề xảy ra gây ảnh hưởng đến nó. Sức cạnh tranh và tính minh bạch quốc tế của các ngân hàng Thụy Sỹ được duy trì ở mức độ lớn bởi sự tồn tại của truyền thống bí mật ngân hàng.
Sự ra đời của thể chế bí mật ngân hàng
Bí mật ngân hàng đã được đưa vào luật của Thụy Sỹ vào năm 1934, khi nhu cầu bảo vệ bí mật cho khách hàng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhiều người dân châu Âu bắt đầu gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sỹ để tránh tình trạng thuế tăng ở nước bản địa. các nước châu Âu không hài lòng với hiện tượng này vì nó hớt tiền từ những két sắt của họ. Năm 1932, Pháp đã biến sự không hài lòng của họ thành hành động và cảnh sát nước này đã nắm danh sách tên của 2.000 khách hàng của ngân hàng Basler Handelbank ở Pari- còn gọi là "vụ việc Pari". Lo ngại điều này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng, Chính phủ Thụy Sỹ đã nhanh chóng hành động để bảo vệ hệ thống ngân hàng trong nước. Vì vậy, điều luật về bí mật ngân hàng được đưa vào luật - và mọi sự vi phạm điều luật này đều bị trừng phạt.
Tổng quan
Bí mật ngân hàng đảm bảo việc bảo mật thông tin của cá nhân. Ông James Nasan thuộc Hiệp hội các ngân hàng Thụy Sỹ giải thích: "Ngân hàng xử lý các vấn đề tài chính của khách hàng một cách bí mật là điều kiện bắt buộc. Ngân hàng nào tiết lộ thông tin của khách hàng mà không được phép hoặc không giảm nhẹ các tình huống điều tra tội phạm, ngân hàng đó sẽ bị kiện".
Đến nay, sức hút của các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ dựa vào tiêu chuẩn cao về tính bí mật, ổn định và đảm bảo an ninh cho các thông tin cá nhân. Có lẽ điều quan trọng hơn là sự khác biệt giữa trốn thuế và gian lận thuế được duy trì trong luật của Thụy Sỹ đã giúp các khách hàng tiết kiệm và được bảo vệ đáng kể. Trốn thuế là hành động phạm pháp ở hầu hết quốc gia song lại chỉ là hành vi phạm tội dân sự tại Thụy Sỹ. Sự khác biệt về thể chế này đã cho phép các ngân hàng Thụy Sỹ từ chối trao đổi thông tin tài chính với bên thứ ba. Điều ngược lại chỉ diễn ra khi sự phạm tội được coi là một tội ác ở cả hai nước.
Trong khi bí mật ngân hàng không bao giờ che chở cho các vụ gian lận, các ngân hàng không bao giờ bị yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản của khách hàng cho giới chức trách nếu chính phủ hoặc toà án không yêu cầu. Trái với suy nghĩ của nhiều người, các tài khoản giấu tên là bất hợp pháp ở Thụy Sỹ kể từ năm 1992. Tất cả tài khoản phải được gắn với một cá nhân được xác định. Tuy vậy, các ngân hàng Thụy Sỹ vẫn dành một số tài khoản có mức bảo mật lớn hơn, chỉ có vài nhân viên ngân hàng được tiếp cận tên của người sở hữu tài khoản đó.
Những chỉ trích và các vụ việc nổi cộm
Việc ngấm ngầm giữ bí mật ngân hàng thường bị chỉ trích mạnh mẽ. Mặc dù luật pháp hạn chế nó, nhưng các câu hỏi và những nghi ngờ luôn được đặt ra đối với những vụ giao dịch của các ngân hàng Thụy Sỹ với một số nước. Chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ (NGO), như ATTAC, Gloabal Witnesss và Oxfarm, cáo buộc Thụy Sỹ tiếp tay cho những hành động bất hợp pháp có liên quan đến tội phạm có tổ chức, che giấu các quỹ lớn mà đúng ra thuộc về các nước đang phát triển và bảo vệ các công dân nước ngoài giàu có (gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sỹ để trốn thuế trong nước).
Mặc dù không có số liệu chính thức về trốn thuế song ước tính 1/3 trong 11.000 tỷ USD tài sản bí mật đang nằm trong các ngân hàng Thụy Sỹ, và trong một số trường hợp bao gồm các quỹ được che giấu, đã gây phiền toái cho Thụy Sỹ. Vụ tranh cãi lớn xung quanh các giao dịch của Thụy Sỹ với phát xít Đức với báo cáo Eizenslat năm 1997 tố cáo chính phủ nước này giúp đỡ Đức quốc xã cuối cùng dẫn đến việc Thụy Sỹ phải thanh toán 1,25 tỷ USD cho Hội đồng Do thái Thế giới.
Các ngân hàng Thụy Sỹ bị tố cáo đã chuyển những đồng Marc của Đức không được sử dụng sang Franc Thụy Sỹ ổn định trong thời kỳ chiến tranh và nắm giữ 75% vàng ăn cắp trong thời gian này. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài được hưởng lợi từ thể chế bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ, trong đó có nhà cựu độc tài Haiti, Jean-Claud Duvalier, cựu lãnh tụ Rumani Nicolae Ceaucescu, cựu tổng thống Mali Mousa Traose và cựu tổng thống Pêru Alberto Fujimori.
Trong nỗ lực nhằm chống lại loại tội phạm này, Thụy Sỹ đã đề ra một đạo luật chống rửa tiền vào năm 1998, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo mọi hoạt động khả nghi cho Cơ quan báo cáo rửa tiền của Thụy Sỹ (MROS) và phong tỏa các tài khoản này. Tuy vậy, một báo cáo của Nghị viện Pháp năm 2001 đã mô tả những nỗ lực của Thụy Sỹ trong việc chống nạn rửa tiền chỉ là "bề ngoài".
Khủng hoảng và thỏa hiệp
Do bị chỉ trích trong nhiều năm nay, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra một cuộc tiến công mới vào thể chế bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ. Nhiều nước đã bắt đầu gây sức ép đòi Thụy Sỹ thu hồi thuế (các loại thuế cần cho việc duy trì các chương trình phúc lợi xã hội). Với ước tính trốn thuế 100 tỷ USD/năm của các nhà chức trách thuế Mỹ, cuộc khủng hoảng nhà đất đã làm tăng những nỗ lực đòi lại số tiền thuế bị mất được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Sau khi nhận được sự hợp tác từ các nhân viên cũ của ngân hàng UBS về các phương pháp bất hợp pháp của ngân hàng này ở Mỹ và theo yêu cầu của Dịch vụ thu nhập trong nước (IRS) của Mỹ, tòa án Florida ngày 1/7/08 đã tiến hành điều tra trên phạm vi rộng lớn đối với UBS, bắt đầu bằng một danh sách 19.000 công dân Mỹ có các tài khoản ở Thụy Sỹ.
UBS bắt đầu xem xét những người gian lận thuế, tội duy nhất mà theo đó, thông tin có thể được chia sẻ theo luật ngân hàng của Thụy Sỹ. Đứng trước nguy cơ mất giấy phép của Mỹ, UBS công nhận phần của họ trong việc hỗ trợ các công dân giàu có ở Mỹ gian lận thuế và đã trả 780 triệu Franc tiền phạt. Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đồng ý ngừng truy tố trong 18 tháng đối với hóa đơn của danh sách khách hàng, IRS yêu cầu cung cấp thêm tên của 52.000 tài khoản "bí mật" khác.
Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng tận dụng sự việc này và hy vọng nhận được sự đối xử giống như Mỹ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkazy và Phó Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ tiến hành những biện pháp nhằm điều chỉnh lại các thiên đường thuế. Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrück còn đòi đưa Thụy Sỹ vào danh sách đen của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Để đối phó với nguy cơ có tên trong danh sách đen vào ngày 5/3 và để tránh bị trừng phạt hơn nữa, Thụy Sỹ đã loại bỏ sự phân biệt giữa gian lận thuế và vi phạm thuế vào ngày 13/3, và thông qua các nguyên tắc của OECD về đánh thuế kép. Tổng thống Thụy Sỹ Hans-Rudolf Merz thông báo: "Chúng tôi không sắp xếp để ngừng bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ. Đây chỉ là một bước trong cải cách".
Trong khi hành động trên được cho là một sự nhượng bộ lớn trong cái từ lâu đã được xác định là "không thương lượng", ông Merz nhấn mạnh: "Không có việc trao đổi tự động các thông tin và sự hợp tác của Thụy Sỹ sẽ giới hạn ở các trường hợp cá nhân và dựa trên những yêu cầu của luật pháp. Ngoài ra, mước ngoài cũng phải cung cấp tên những khách hàng của ngân hàng họ gửi tiền và các trường hợp mà họ nghi là gian lận".
Minh Tuấn
TTXVN
|