Lo sợ kinh tế ảm đạm hơn, chứng khoán Châu Á trượt dài
(Vietstock) – Ngay sau lời cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái sâu hơn của Ngân hàng Thế giới (WB), Phố Wall đã lao dốc mạnh vào đêm qua. Do đó, chứng khoán Châu Á cũng không thể thoát khỏi cảnh “đỏ lửa” trong phiên giao dịch ngày Thứ Ba.
Nikkei |
Hang Seng |
Straits Times |
|
|
|
|
|
Nguồn: YahooFinance |
Dự đoán ảm đạm của WB đã xóa tan kỳ vọng kết thúc sớm hơn của cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó cướp đi gần 3% giá trị từ các chỉ số chính của Nhật Bản, Hồng Kông và một số thị trường khác. Giá dầu thô và đồng USD đồng loạt suy yếu.
Chỉ cách đây 3 tháng, với hy vọng suy thoái đang đi ngang và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại vào 6 tháng cuối năm, chứng khoán toàn cầu đã bứt phá hết sức mạnh mẽ. Đặc biệt, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông thăng hoa gần 60%.
Tuy nhiên đến thời điểm này, WB lại đưa ra những dự báo mới ảm đạm hơn nhiều. Theo ước tính của WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 2.9%, so với mức âm 1.7% đưa ra hồi tháng 3/2009. Hơn nữa còn cảnh báo rằng sự sa sút trong hoạt động đầu tư tại một số quốc gia đang phát triển sẽ gia tăng nạn nghèo đói.
Tin dữ này như đổ thêm dầu vào lửa trong lúc tâm lý lo lắng về đợt tăng nóng trên thị trường ngày càng dâng cao. Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu đã được đẩy lên quá cao, quá nhanh và vượt qua giới hạn của bất kỳ sự phục hồi nào.
Ông Peter Lai, Giám đốc Đầu tư tại Công ty DBS Vickers ở Hồng Kông nhận định: “Các thị trường đã bị mua vào quá mạnh tay và giai đoạn điều chỉnh đang bắt đầu. Một lần nữa, giới đầu tư phải đối mặt với thực tế và các nguồn quỹ lại bắt đầu chảy ra khỏi thị trường. Chính vì vậy mà giờ đây hoạt động chốt lời đang diễn ra mạnh mẽ.”
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei .N225 đánh mất 276.66 điểm, tức 2.8%, xuống 9,549.61 điểm. Chỉ số Hang Seng .HSI của Hồng Kông trượt 521.19 điểm, bằng 2.9%, lùi về mức 17,538.36 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc bốc hơi 2.8%, chỉ số S&P/ASX của Úc giảm mạnh 3.1%, chỉ số Taiex của Đài Loan tuột mất 2.3%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lùi 0.1%, cuối cùng chỉ số Sensex của Ấn Độ hạ 1.2%.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cả 2 chỉ số VN-Index và HASTC-Index cũng hòa theo diễn biến chung của khu vực khi tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, VN-Index mất 19.56 điểm (4.27%) xuống 438.55 điểm còn HASTC-Index rớt 9.43 điểm (5.94%) xuống 149.23 điểm.
Khi tia hy vọng tăng trưởng kinh tế bị dập tắt, cổ phiếu của các công ty tài nguyên cũng có ngày giao dịch hết sức ảm đạm và làm lu mờ sự khởi sắc trong một số tuần gần đây. Cụ thể, tại Úc cổ phiếu của Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP Billiton trượt sâu 4.1%; còn tại Hồng Kông cổ phiếu của đại gia dầu mỏ PetroChina giảm mạnh 4.5%.
Liệu thị trường có tiếp tục sụt giảm trong những ngày tới hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các số liệu trong tuần tại Mỹ. Đó là số liệu về nhà ở, thu nhập cá nhân, GDP và một số chỉ số kinh tế khác.
Vào Thứ Tư tới, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao các nhận định về tình hình kinh tế Mỹ từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) sau khi kết thúc cuộc họp 2 ngày bàn về các chính sách. Dự đoán, Ngân hàng Trung ương sẽ đuy trì mức lãi suất thấp gần 0% như hiện nay.
Được biết, các nhà đầu tư tổ chức với với số lượng tiền mặt nắm giữ lớn đang có ý định nhảy vào thị trường để mua những cổ phiếu giá thấp. Vì thế bất kỳ hoạt động xả hàng nào cũng có thể được bù đắp bớt. Và trước kia chứng khoán toàn cầu cũng đã tăng nóng nhờ tính thanh khoản như vậy.
Theo khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu Quỹ Đầu tư Toàn cầu (Emerging Portfolio Fund Research - EPFR Global), trụ sở tại Boston thì dòng vốn nóng trị giá khoảng 508 triệu USD đã đổ về các quỹ đầu tư trong tuần kết thúc vào ngày 17/06.
EPFR cho biết một số thị trường đang nổi là nơi thu hút được nhiều vốn nhất. Trong đó, các quỹ đầu tư ngoài Nhật Bản đã nhận được khoảng 693 triệu USD, góp phần chiếm hết lượng tiền chảy ra từ Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Theo thống kê của EPFR, đây là tuần thứ 15 liên tiếp các quỹ đầu tư của các thị trường đang nổi nhận được dòng vốn mới.
Đêm qua, giới đầu tư Phố Wall cũng căng thẳng trước báo cáo của WB. Do đó, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm nhiều nhất trong vòng 2 tháng. Chỉ số Dow Jones đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 27/05. Còn chỉ số Standard & Poor's 500 cũng đánh dấu sự sụt giảm nhiều nhất kể từ ngày 20/04 và bị rớt ra khỏi ranh giới tích cực trong năm nay.
Thị trường tương lai Mỹ tăng khiêm tốn. Chỉ số Dow Jones tương lai tạm nhận thêm 13 điểm, bằng 0.2%, lên 8,296 điểm. Chỉ số S&P 500 tương lai có thêm 0.6 điểm, tức 0.1%, leo lên mức 889.20 điểm.
Trong phiên giao dịch buổi sáng tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tạm giảm 0.3%, chỉ số DAX của Đức tạm hạ 0.1% và chỉ số CAC 40 của Pháp tạm mất 0.5%.
Với dự đoán lượng cầu vẫn còn yếu nên giá dầu tiếp tục suy giảm. Hợp đồng dầu giao Tháng 8 tạm giảm 64 cent/thùng xuống 66.87 USD/thùng trong phiên giao dịch tại Châu Á.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD suy yếu từ 95.48 JPY/USD xuống 95.06 JPY/USD. Ngược lại, đồng EUR tăng từ 1.3844 USD/EUR lên 1.3879 USD/EUR.
Phạm Thị Phước (Theo YahooFinance, AP)
|