Các nước Đông Phi tìm kiếm biện pháp kích cầu thời khủng hoảng
Trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển đã rót hàng trăm tỷ USD để cứu vãn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khỏi sụp đổ thì nay các quốc gia Đông Phi mới bắt đầu tìm kiếm những kế hoạch kích cầu kinh tế được cho là 'khiêm tốn", với hy vọng có thể đưa khu vực thoát khỏi cơn bão khủng hoảng kinh tế đang hoành hành. Nhiều quốc gia Đông Phi đã đưa ra hàng loạt các biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thương mại trong khu vực.
Trong khuôn khổ các kế hoạch về chính sách thuế khóa vừa được khởi xướng tại Kênia, Uganđa, Ruanđa và Tandania mới đây, Bộ trưởng tài chính của những nước này đã đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế, đồng thời tránh áp dụng những biện pháp về thuế có thể gây ra những bất ổn xã hội.
Bộ trưởng Tài chính Uganđa, bà Syda Bbumba cho biết nước này sẽ dành 3,3 tỷ USD cho gói kích cầu kinh tế. Theo bà Bbumba, Chính phủ Uganđa đã tính đến việc tránh đánh thuế quá nặng trong năm 2009 nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Uganđa còn tìm cách kích thích khu vực tài chính bằng việc giảm thuế cho những ngân hàng tham gia đảm bảo tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, Uganđa có thể hy vọng trở thành vựa lúa của châu Phi trong tương lai gần. Tăng 5% lương cho cán bộ viên chức cũng là một trong những biện pháp kích cầu kinh tế thời khủng hoảng của Chính phủ Uganđa.
Trong khi đó, mặc dù nguồn thu từ thuế bị giảm khoảng 10% do khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Chính phủ Tandania vẫn dành 7,3 tỷ USD cho gói kích cầu kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Tandania Mustafa Mkulo nhận định tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Tandania trầm trọng hơn dự báo.
Là nền kinh tế lớn nhất khu vực, Kênia cũng sẽ chi 11,4 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Kênia, Uhuru Kenyatta, khẳng định chính phủ nước này không áp dụng các biện thuế trong tất cả các kế hoạch về thuế khoá của chính phủ. Ông Uhuru dự báo nền kinh tế thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 1,3% năm 2009 và 1,9% năm 2010. Trong khi đó, ở Đông Phi tỷ lệ này sẽ giảm từ mức 9,4% năm 2008 xuống 5,6% năm 2009.
Toàn Trí
TTXVN
|