Ló rạng kết quả kinh doanh quý II
Các công ty niêm yết không phải bắt buộc công bố kết quả kinh doanh tháng, nhưng hai tuần đầu tháng 6, nhiều công ty đã “sốt sắng” công bố lợi nhuận tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Những thông tin công bố cho thấy, tổng thể bức tranh lợi nhuận quý II đang dần hé lộ và mang các gam màu tươi sáng hơn, dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn lại vẫn là ẩn số.
Khu vực tài chính - ngân hàng được hưởng lợi từ các gói giải pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Sự tăng trưởng tín dụng cùng với dòng tiền lưu chuyển đã tạo điều kiện cho ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tăng nguồn thu từ phí, giảm nợ xấu. Kết thúc tháng 5, cả ba ngân hàng niêm yết đều sớm công bố số lãi. STB, lợi nhuận trước thuế đạt 660 tỷ đồng, hoàn thành 41,25% kế hoạch năm. ACB đạt trên 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận của hai ngân hàng này đã bao gồm các khoản trích lập dự phòng rủi ro, nhưng chưa hợp nhất với lợi nhuận từ các công ty con: CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty quản lý và khai thác nợ… Tại SHB, trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 163,733 tỷ đồng, hoàn thành 48,7% kế hoạch năm.
TTCK khởi sắc khiến hoạt động của các CTCK thực sự được cải thiện. Tháng 3, nếu như chỉ có 15 CTCK có phí môi giới trên HOSE vượt quá 1 tỷ đồng thì trong tháng 4 đã có 20 CTCK vươn tới tiêu chí này. Trong đó, CTCK cao nhất có phí môi giới hơn 7,2 tỷ đồng, tăng 70% so với tháng trước. Không chỉ khởi sắc từ dịch vụ môi giới, thu nhập của các CTCK còn tăng đáng kể từ dịch vụ tự doanh, tạm ứng tiền bán, repo chứng khoán, nhất là từ việc hoàn nhập dự phòng. Tháng 5, đặc biệt là đầu tháng 6, tính thanh khoản của TTCK cải thiện mạnh (từ đầu tháng 6 đến nay, giá trị giao dịch trên cả hai sàn trung bình 3.500 tỷ đồng/phiên), khiến phí môi giới thu được tiếp tục tăng.
Một số CTCK đã sớm công bố kết quả kinh doanh. 5 tháng, CTCK Hải Phòng (HPC) đạt 7,389 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 92,36% kế hoạch năm. Đây là chuyển biến rất tích cực, vì trong quý I, HPC lỗ 15,6 tỷ đồng. Còn CTCK HSC, riêng tháng 5 lãi 50 tỷ đồng (không từ hoàn nhập dự phòng), bằng 77% lợi nhuận cả quý I. Lũy kế 5 tháng, lợi nhuận trước thuế của HSC đạt 115 tỷ đồng, hoàn thành 93,5% kế hoạch năm.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố lợi nhuận sau thuế tháng 5 đạt 36,494 tỷ đồng, tăng 69,5% so với tháng 4. Ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc tài chính HSG cho biết, có nhiều yếu tố dẫn đến sự khởi sắc này, trong đó lớn nhất là việc thị trường xây dựng đã “ấm” trở lại khiến công tác tiêu thụ sản phẩm rất tốt, Công ty đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho giá cao. Việc cho vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ cũng giúp HSG chủ động hơn về vốn lưu động, Công ty đã tái cơ cấu toàn bộ khoản vay USD sang VND; bên cạnh đó, HSG kịp thời nhập một khối lượng lớn hàng giá thấp. Năm 2009, HSG đề ra 3 kịch bản tăng trưởng, hiện Công ty đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu cao nhất.
Sự khởi sắc từ thị trường xây dựng cũng giúp một số DN ngành thép có kết quả kinh doanh khả quan: Tập đoàn Hòa Phát công bố lợi nhuận sau thuế 5 tháng đạt 506 tỷ đồng, hoàn thành 87% kế hoạch năm; CTCP Đầu tư Thương mại SMC đạt 18,83 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 47% kế hoạch năm… Các gian khó của ngành thép dường như đã bỏ lại sau lưng.
Đối với lĩnh vực logistics (hậu cần), khó khăn chung vẫn còn khi lượng hàng hóa xuất khẩu và vận chuyển đều giảm. Tuy nhiên, trong ngành vẫn có những công ty hoạt động khá tốt. Ông Vũ Tuấn Dương, Tổng giám đốc CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) cho biết, lũy kế 5 tháng, Công ty ước đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 25% kế hoạch năm. CTCP Vận tải xăng dầu Vipco (VIP) đạt 9,85 tỷ đồng lợi nhuận trước trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đạt 46,4 tỷ đồng, bằng 52,43% kế hoạch năm. CTCP Container Việt Nam (VSC) đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 66,73% kế hoạch năm…
Nhiều công ty thuộc các ngành nghề khác cũng công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm: CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 37,23 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 41,1% kế hoạch năm, dù chính vụ sản xuất là nửa cuối năm; CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 68% kế hoạch năm; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, hoàn thành 63% kế hoạch năm; CTCP Cơ điện lạnh (REE) đạt 149 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chưa bao gồm các khoản hoàn nhập dự phòng), hoàn thành 60% kế hoạch năm.
Một số công ty nhỏ hứa hẹn đạt lợi nhuận cao khi thực hiện việc hạch toán các dự án bất động sản vào quý II như CTCP Thủy sản số 4, CTCP Cơ khí - Điện Lữ Gia… Từ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cốt lõi, có công ty đã quyết định nâng chỉ tiêu lợi nhuận do đánh giá tình hình kinh tế hiện nay ổn định hơn so với hồi đầu năm, chẳng hạn HĐQT CTCP Vật tư Xăng dầu (COM) đã thống nhất tăng 12% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, từ 17,5 tỷ đồng lên 19,5 tỷ đồng…
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|