Nhiều cổ phiếu hưởng lợi từ vốn kích cầu
Số tiền bù lãi suất 17.000 tỉ đồng đã tạo điều kiện bơm thêm vào nền kinh tế trên 420.000 tỉ đồng (ngoài nguồn vốn cho vay thông thường), nhờ đó nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi
Chương trình đầu tư vốn kích cầu của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nền kinh tế giảm đà suy thoái, tích lũy nội lực để lấy lại tăng trưởng trong thời gian tới. Trong đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn được hưởng lợi từ nguồn vốn này.
Thép, xi măng... có lợi thế
Sau một thời kỳ đình trệ, nhờ nguồn vốn lãi suất thấp từ chương trình đầu tư kích cầu, nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, DN và người dân đã và đang được khởi công, làm cho việc tiêu thụ thép, xi măng... tăng lên. Trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã tiêu thụ 18,2 triệu tấn xi măng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đi liền theo đó, những DN kinh doanh xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng được hưởng lợi. Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên từ tháng 4 đến nay, giá thép trên thị trường đã điều chỉnh tăng 3 - 4 lần, nhờ đó các DN sản xuất thép thu lợi nhuận ổn định. Trong 5 tháng đầu năm, Công ty Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thu lợi nhuận sau thuế 506 tỉ đồng, đạt 87% chỉ tiêu kế hoạch 2009. Ngoài thép xây dựng, HPG còn sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thiết yếu có nguyên liệu từ thép như: máy điều hòa nhiệt độ, két sắt, tủ lạnh, đồ trang trí nội thất... Do kinh doanh hàng hóa cơ bản, giá thép trong nước và thế giới đang tăng, nhu cầu xây dựng phục hồi, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm nay HPG sẽ đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.200 tỉ đồng (như vậy EPS sẽ đạt hơn 6.000 đồng/cổ phiếu).
Ngân hàng ăn theo vốn lãi suất thấp
Với số tiền bù lãi suất 17.000 tỉ đồng (mức bù 4%/năm), đã tạo điều kiện cho tín dụng bơm thêm vào nền kinh tế trên 420.000 tỉ đồng (ngoài nguồn vốn cho vay thông thường), nhờ đó khuyến khích các DN vay vốn đầu tư, kinh doanh, vì vậy nhiều ngân hàng được “ăn theo” để đẩy mạnh dư nợ tín dụng. Tính đến ngày 11-6, nguồn vốn này đã giải ngân hơn 338.000 tỉ đồng. Một số ngân hàng nêu mục tiêu dư nợ tín dụng năm nay so với cuối năm ngoái tăng từ 50% - 90%. Do xác định rõ mục tiêu và biết nắm bắt cơ hội nên nhiều ngân hàng tổ chức tiếp thị, mở rộng tín dụng đến DN và người dân để đẩy mạnh cho vay. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng đã tăng gần 15% so với cuối năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Dòng tiền đổ nhiều vào thị trường đang giúp nền kinh tế hãm đà suy thoái, tạo lực đi lên, qua đó hệ thống ngân hàng thương mại có điều kiện tăng hiệu quả kinh doanh, thu lãi khá. Số liệu báo cáo nhanh cho thấy nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế khá cao trong 5 tháng đầu năm, như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 900 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) đạt 660 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đạt 164 tỉ đồng. Do kỳ vọng vào lợi nhuận năm nay nên giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá cao trên thị trường.
Đầu tư tài chính được hoàn nhập vốn
Kinh tế phục hồi, giá cổ phiếu tăng lên, những DN tham gia đầu tư tài chính lớn đang kỳ vọng vào khả năng được hoàn nhập một phần khoản trích dự phòng tài chính do bị lỗ đầu tư trong năm ngoái. Bởi vậy, các mã cổ phiếu của DN như: Công ty Cơ điện lạnh REE (REE), Công ty Cổ phần Gemadept (GMD), Công ty Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM), Tổng Công ty Tài chính Dầu khí VN (PVF)... đã được đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng, một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, cho biết nếu DN chỉ biết trông chờ vào khoản hoàn nhập dự phòng thì có nghĩa là... sắp nghèo. Vì sau khi hoàn nhập dự phòng, DN lấy gì để có lợi nhuận lâu dài, cho tương xứng với mức giá cổ phiếu hiện tại?.
Trần Phú Minh
Người lao động
|