Làng công nghệ Đài Loan qua rồi thời “mai danh ẩn tích”
Trong hơn một thập kỷ qua, giữa các công ty công nghệ phương Tây và các nhà sản xuất Đài Loan tồn tại một sự dàn xếp hết sức đơn giản nhưng đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo đó, các công ty Đài Loan chuyên sản xuất các mặt hàng như máy nghe nhạc, máy tính xách tay và điện thoại di động theo thiết kế và đặc điểm kỹ thuật và các khách hàng như Apple, HP và Motorola giao cho. Các công ty phương Tây sau đó chỉ việc lắp thương hiệu vào những thiết bị này, áp giá bán, và quảng cáo rầm rộ tới người tiêu dùng về những thành quả sáng tạo của họ.
Nhưng trong vòng hai năm trở lại đây, mối quan hệ mật thiết này đã bắt đầu lung lay. Không còn muốn “ẩn mình” như trước, một số công ty Đài Loan đã tìm hướng đi để đến với người tiêu dùng trực tiếp hơn, và cũng để đạt được mức lợi nhuận cao mà chỉ một thương hiệu toàn cầu mới có thể đem lại.
Sự chuyển biến lớn
Với chiến lược này, vài công ty của vùng lãnh thổ này đã nổi danh với tư cách đi đầu trong làng công nghệ. Bằng sản phẩm i Eee PC, hãng Asustek đã phát minh ra dòng sản phẩm máy tính cá nhân phổ biến nhất hiện nay - dòng sản phẩm netbook.
Với khả năng sản xuất ra những chiếc máy tính cá nhân cực mạnh nhưng có giá bán rẻ hơn các đối thủ khác, hãng Acer đã sẵn sàng giành từ đối thủ Dell vị trí hãng sản xuất máy tính lớn thứ hai thế giới sau HP. Hãng HTC thì đã phát triển được những chiếc điện thoại di động thông minh đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android của Google, qua đó minh chứng cho thị trường thấy được tiềm năng của phần mềm này.
“Các công ty trong ngành công nghệ của Đài Loan có khát vọng nỗ lực và đột phá rất lớn. Tôi nghĩ là lĩnh vực này ở Đài Loan lúc này đang trải qua một sự chuyển biến lớn”, ông Mark Lee, một người gốc Đài Loan đang điều hành một công ty phần mềm mới thành lập có tên DeviceVM ở Thung lũng Silicon, nhận xét.
Sự chuyển biến mà ông Lee nói tới được thể hiện rõ nét hơn cả trên thị trường netbook. Acer và Asustek chiếm thị phần khoảng 2/3 trên thị trường của các sản phẩm netbook - loại máy tính với doanh số gia tăng mạnh mẽ thời gian qua, bất chấp sự sụt giảm nói chung của các loại máy tính cá nhân.
Ngoài ra, theo số liệu của hãng nghiên cứu Gartner trong năm 2008, Asustek là công ty máy tính cá nhân tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường châu Âu. Với thương hiệu gốc và các thương hiệu mua lại khác gồm Gateway, eMachines và Parkard Bell, Acer là công ty máy tính cá nhân tăng trưởng nhanh nhất.
Tuy doanh số tăng mạnh là vậy, nhưng các công ty Đài Loan vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt tới năng lực marketing ngang ngửa với Apple hay HP. Các thương hiệu công nghệ của Đài Loan tuy mạnh ở châu Á nhưng vẫn còn ít được biết tới ở thị trường Mỹ. Các công ty Đài Loan chưa nỗ lực nhiều ở hoạt động bán hàng trực tiếp cho các khách hàng cá nhânh hoặc doanh nghiệp, mà chỉ tập trung vào hợp tác với các nhà bán lẻ hoặc các công ty trung gian khác.
Thêm vào đó, truyền thống giữ bí mật thông tin cũng khiến mối quan hệ với giới truyền thông của các công ty công nghệ Đài Loan không được cởi mở cho lắm.
“Họ cần phải thích nghi và khắc phục những hạn chế như vậy. Nếu một công ty công nghệ Đài Loan nào đó làm được điều này, họ sẽ rất, rất thành công”, ông Mark Hamblin, một chuyên gia từng tham gia phát triển công nghệ màn hình cảm ứng cho chiếc iPhone của Apple, nhận định.
Sự thay đổi vai trò của các nhà sản xuất Đài Loan đã thể hiện rõ trong một cuộc triển lãm thường niên mang tên Computex diễn ra mới đây ở thủ phủ Đài Bắc.
Trước đây sự kiện này vẫn tập trung vào hoạt động trưng bày những sản phẩm mới nhất mà các công ty công nghệ Đài Loan sản xuất cho khách hàng như bộ nguồn hay quạt làm mát máy tính. Tuy nhiên, gần đây, các công ty tham gia triển lãm hàng ở Computex bắt đầu trưng bày những sản phẩm không chỉ là những bảng mạch. Các công ty Đài Loan và nước ngoài đã tận dụng triển lãm này để giới thiệu những sản phẩm mà họ kỳ vọng sẽ gây chấn động trên thị trường máy tính.
Ông Noury Al-Khaledy, tổng phụ trách mảng sản phẩm di động của Intel, cho rằng, tầm quan trọng của Computex đã được nâng lên, khi mà các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở thành những thị trường tăng trưởng niềm năng lớn nhất.
Cách đây 2 năm, Asustek đã giới thiệu chiếc Eee PC ở Computex. Chiếc laptop nhỏ gọn, giá rẻ này đã châm ngòi cho một làn sóng sản xuất netbook trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân. Tới thời điểm này, hầu hết mọi hãng máy tính lớn đều đã cho ra đời những sản phẩm tương tự.
Năm nay, các hãng sản xuất máy tính Đài Loan đem tới Computex những chiếc máy tính xách tay siêu nhẹ, với đầy đủ tính năng, nhưng giá chỉ dưới 600 USD, và những chiếc máy khác có đủ pin đủ dùng cho cả ngày sử dụng. Trong khi đó, các công ty tới từ Mỹ như Intel hay Microsoft lại đề cập nhiều hơn tới những con chip và phần mềm được chế tạo nhằm vào những chiếc máy tính xách tay kích thước nhỏ gọn, giá rẻ, và những chiếc máy tính cá nhân với màn hình công nghệ cảm ứng.
Năm tới, Computex có thể là nơi để trưng bành những chiếc điện thoại thông minh mang tính đột phá, khi mà những thiết bị này đạt tới được những khả năng ngang với những chiếc máy tính cá nhân cơ bản.
Hướng tới phần mềm và nội dung
Acer, Asustek và HTC được xem là ví dụ nổi bật về những công ty Đài Loan dám xây dựng cho mình thương hiệu riêng và cạnh tranh trực tiếp với đối thủ phương Tây. Trong mấy năm gần đây, Acer và Asustek đã chia hoạt động sản xuất của họ thành những bộ phận khác nhau và lựa chọn con đường cạnh tranh trực tiếp bằng thương hiệu riêng của chính mình với HP và Dell trên thị trường máy tính cá nhân.
“Acer đã bắt đầu xây thương hiệu cho riêng mình, và lợi nhuận của họ cũng bắt đầu tăng. Do đó, chính quyền Đài Loan cũng bắt đầu khuyến khích các công ty khác đi theo mô hình này”, ông Joseph Wei, người điều hành công ty tư vấn công nghệ SJW Consulting ở Thung lũng Silicon, cho hay.
HTC trước đây vẫn thường hoạt động trong “hậu trường” khi chỉ sản xuất điện thoại cho các công ty khác, với thương hiệu của khách hàng. Nhưng nay, với sản phẩm điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android của Google, HTC đã thu hút được sự chú ý mới với tư cách là nhà sản xuất “điện thoại Google”.
Trên nhiều phương diện, các nhà cung cấp Đài Loan không có nhiều lựa chọn ngoài việc mở rộng tham vọng. Trong bối cảnh mức độ hợp nhất trong ngành công nghệ máy tính cao như hiện nay, các nhà sản xuất đối mặt áp lực gia tăng trong vấn đề giảm giá sản phẩm. Để tránh sự đi xuống của tỷ suất lợi nhuận, họ cần phải đa dạng hóa hoạt động.
Một số nhà sản xuất Đài Loan đã đầu tư vào các công nghệ phần mềm ở Thung lũng Silicon để tăng tỷ suất lợi nhuận và qua đó tiếp cận với những công nghệ mới. Chuyên sản xuất phần mềm giúp khởi động máy tính nhanh, công ty DeviceVM của ông Lee đã nhận được một số khoản đầu tư từ Asustek và vài nhà sản xuất khác ở Đài Loan.
Thậm chí những công ty công nghệ lớn nhất của Đài Loan cũng phải áp dụng chiến lược đa dạng hóa. Công ty Foxconn - công ty với hơn 500.000 lao động, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, chuyên sản xuất máy nghe nhạc iPod, máy chơi game Nintendo Wii và các sản phẩm tương tự - mới đây đã thuê hàng nghìn kỹ sư phát triển phần mềm và xây dựng bộ phân dịch vụ. Theo một số nguồn tin, công ty này còn đang sản xuất các ứng dụng ngôn ngữ tiếng Trung Quốc vào chiếc iPhone của Apple, phần mềm cho các thiết bị đọc sách điện tử và hệ điều hành Android của Google.
“Tôi bắt đầu nhận thấy nhiều nhà sản xuất Đài Loan đang nỗ lực đi lên trong chuỗi giá trị. Họ nhận thức được là cần phải xây dựng đội ngũ làm phần mềm và phát triển vấn đề nội dung”, ông Hamblin nhận xét.
tBKTVN
|