Thứ Sáu, 05/06/2009 14:17

Thị trường điện tử toàn cầu trong suy thoái

Suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến nhiều ngành công nghiệp lao đao. Điện tử - công nghệ cũng không phải là ngoại lệ khi kết thúc năm tài chính 2008, những người khổng lồ Sony, Sharp, Toshiba, LG…  đều đã lần lượt công bố những số liệu không vui, dù ở các mức độ khác nhau.

Khủng hoảng

Kết thúc năm tài chính 2008 vào tháng 3/2009, các công ty công nghệ hàng đầu của Nhật như Sony, Panasonic, Toshiba, Sharp… đã công bố những khoản lỗ khổng lồ lên đến hàng tỷ USD. Theo tờ New York Times, Sony dự đoán lỗ ròng lên đến 150 tỷ yên (tương đương 1,7 tỷ USD), đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên trong vòng 14 năm qua. Theo Business Week, Sharp và Toshiba cũng đã lần lượt thông báo mức thiệt hại trong năm tài chính 2008 là 125,8 tỷ yên (tương đương 1,3 tỷ USD) và 343,6 tỷ yên (tương đương 3,5 tỷ USD). Đây là năm đầu tiên Toshiba thua lỗ trong 7 năm qua và khoản lỗ này đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử phát triển của tập đoàn này.

Cùng với việc làm ăn thua lỗ, nhiều tập đoàn điện tử đã thông báo cắt giảm nhân viên. Tháng 1/2009, Toshiba tuyên bố cắt giảm 4.500 lao động có hợp đồng. Mới đây, Toshiba cũng có kế hoạch cắt giảm thêm 3.900 lao động từ nay đến tháng 3/2010. Cuối năm ngoái, Sony tuyên bố cắt giảm 16.000 việc làm và đóng cửa 6 trong tổng số 57 nhà máy trên toàn cầu chuyên sản xuất chip nhớ cho camera, đầu DVD và tivi màn hình phẳng. Sharp cũng công bố kế hoạch cắt giảm 1.500 công nhân tại Nhật vào cuối tháng 3/2009, đồng thời giảm bớt các dây chuyền sản xuất điện thoại di động do nhu cầu giảm. Một không khí khá ảm đạm đang bao trùm ngành điện tử Nhật Bản sau khi các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của nhiều tập đoàn được công bố.

Hai tập đoàn điện tử Hàn Quốc - LG và Samsung - cũng vừa công bố các kết quả kinh doanh mới. Theo Bloomberg, mức sụt giảm lợi nhuận thuần trong Quý I/2009 của LG đã chạm mốc 197,6 tỷ won, lợi nhuận thuần trên toàn cầu chỉ đạt 455,6 tỷ won, giảm khoảng 25% so với mức 605,2 tỷ won cùng kỳ năm 2008.

Thay đổi để đón đầu cơ hội

Tìm hiểu nguyên nhân của việc hầu hết các nhà sản xuất điện tử lớn đều thua lỗ trong năm tài chính vừa qua, nhất là các công ty của Nhật, các nhà phân tích đã chỉ ra tác động của suy thoái kinh tế và đồng yên tăng giá so với đồng USD. Giá nhân công cao do nhiều mặt hàng của các hãng này được sản xuất tại Nhật cũng khiến hàng hóa của Sony, Sharp hay Toshiba giảm sức cạnh tranh.

Howard Stringer, Giám đốc điều hành Sony, đã tiết lộ trên tờ Bussiness Week rằng tập đoàn này có thể sẽ thuê thêm các nhà sản xuất tại Đài Loan hay Trung Quốc để sản xuất tivi Sony, chủ yếu là các loại có kích thước nhỏ và trung bình nhằm cắt giảm chi phí sản xuất cho bộ phận góp phần lớn nhất vào tình trạng thua lỗ liên tục trong nhiều năm qua của Sony. Đến nay, Wistron, Qisda, AmTRAN Technology, TPV Technology và Foxconn International đều đã từng sản xuất tivi LCD cho Sony nhưng với số lượng khá khiêm tốn – ít hơn 8% trong tổng số tivi của Sony năm vừa qua, theo thống kê của iSuppli.

Trước tình hình này, chuyên gia phân tích David Gibson của Macquarie Securities đã đặt câu hỏi là liệu Sony có thuê các công ty khác sản xuất toàn bộ tivi của họ hay không. Điều này, theo Howard Stringer, nếu thực hiện được, sẽ là cách giúp Sony giảm đáng kể chi phí sản xuất - một trong những mục tiêu sống còn hiện nay của Sony.

Trong khi đó, dù lợi nhuận có sụt giảm, Samsung vẫn thắng lớn nhờ điện thoại di động và tivi LCD. Hiện nay, khi điện thoại di động chạm cảm ứng (touch phone) đang là một trào lưu trên toàn thế giới, thì Samsung đã đặt mục tiêu sản xuất điện thoại di động có màn hình cảm ứng từ nhiều năm trước. Tương tự, khi các đối thủ khác còn đang tìm cách khai thác thêm thị trường TV LCD thì Samsung đã đi tiên phong khai phá thị trường TV LCD LED - công nghệ TV mới với nhiều ưu điểm hơn. Samsung đã chứng tỏ mình đi đúng hướng khi mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản phẩm để hưởng lợi thế của người đi đầu.

Cách đây hơn 10 năm, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998 ở châu Á, Samsung vẫn còn là một tên tuổi chưa được nhắc đến nhiều. Thế nhưng sau cuộc khủng hoảng, khi nhiều tập đoàn lớn thua lỗ, phá sản và phải đóng cửa, Samsung vẫn vững vàng và phát triển rất nhanh chóng ngay sau đó. Cùng với cú bứt phá ngoạn mục của giá trị thương hiệu (hiện nay thương hiệu Samsung đứng thứ 21 thế giới với giá trị thương hiệu đạt gần 17,7 tỷ USD), doanh thu của Samsung cũng tăng vọt.

Đến cuối năm 2007, doanh số năm của Samsung đã vượt qua con số 100 tỷ USD. Trước đó, chỉ có hai công ty kinh doanh sản phẩm điện và điện tử vượt qua được ngưỡng 100 tỷ USD là Siemens của Đức và Hewlett-Packard của Mỹ. Linh hoạt sắp xếp lại tổ chức, mạnh dạn loại bỏ những khoản đầu tư không hiệu quả là bài học Samsung đã rút ra qua khủng hoảng kinh tế châu Á. Bài học này vẫn đang giúp Samsung đứng vững trong cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Không phải bao giờ khủng hoảng kinh tế cũng mang lại những tác động tiêu cực. Tiếp cận vấn đề từ một hướng khác, nhiều công ty xem đây là cơ hội thể hiện năng lực lõi của mình. Và qua giai đoạn khó khăn, rất có thể nhiều thế cờ sẽ bị lật ngược.

Anh Vũ

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Iran thỏa thuận khai thác khí đốt với Trung Quốc (05/06/2009)

>   Số vụ tiếp quản công ty giảm kỷ lục ở Anh (05/06/2009)

>   Anh: Triển vọng thị trường việc làm còn rất ảm đạm (05/06/2009)

>   Metro sẽ mua lại 60 trong số 90 cơ sở của Karstadt (05/06/2009)

>   Chinalco hủy hợp đồng mua cổ phần của Rio Tinto (05/06/2009)

>   Thông tin hồi phục kinh tế trái chiều giữa hai bờ Đại Tây Dương (05/06/2009)

>   Giá dầu thô tăng mạnh trở lại (05/06/2009)

>   Sáu cách xây dựng thương hiệu qua dịch vụ khách hàng (05/06/2009)

>   “Mùa xuân” trên các thị trường chứng khoán đang phát triển (05/06/2009)

>   CK Mỹ quay đầu tăng điểm nhờ CP ngân hàng và năng lượng (05/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật