Thông tin hồi phục kinh tế trái chiều giữa hai bờ Đại Tây Dương
Trong lúc những dấu hiệu cảnh báo đang gia tăng đối với kinh tế Mỹ sau khi các báo cáo làm dấy lên những nghi ngại về sức mạnh của sự hồi phục có thể diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này, thì các thông tin từ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tỏ ra khá tích cực.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã "dội một gáo nước lạnh" vào sự lạc quan trong những ngày gần đây khi cảnh báo tình trạng nợ gia tăng ở Mỹ góp phần đẩy lãi suất dài hạn tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/09, kéo số đơn xin vay thế chấp ở nước này trong tuần qua (kết thúc vào ngày 31/5) giảm 16%. Tuy vậy, phát biểu trước Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Mỹ, ông Bernanke cũng đưa ra một đánh giá tương đối lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ và cho rằng "chúng ta vẫn dự kiến đà suy giảm kinh tế nhìn chung đã chạm đáy và sẽ hồi phục vào cuối năm 2009".
Theo ADP Employer Services, các doanh nghiệp đã cắt giảm 532.000 việc làm ở khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 5/09, cao hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích song thấp hơn hồi tháng 4/09. Tuy vậy, số việc làm dự kiến cắt giảm của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 5/09 đã "rơi" xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, chỉ số hoạt động trong ngành dịch vụ Mỹ của Viện Quản lý Nguồn cung đã tăng lên 44 điểm trong tháng 5/09, so với 43,7 điểm trong tháng 4/09 (dưới 50 điểm có nghĩa là sụt giảm và ngược lại). Theo Bộ Thương mại Mỹ, số đơn mua hàng của các nhà máy ở Mỹ đã tăng nhẹ 0,7% trong tháng 4/09 sau khi giảm 1,9% trong tháng 3/09, lần tăng thứ 2 trong 3 tháng qua.
Còn tại châu Âu trong tháng 5/09, ngành dịch vụ của Eurozone đã giảm với một nhịp độ chậm hơn, lĩnh vực dịch vụ của Anh cũng được cải thiện và tăng trưởng trở lại, trong khi doanh số bán ô tô mới ở Đức - thị trường ô tô lớn nhất châu Âu - đã tăng mạnh mức 40% so với cùng kỳ năm 2008 lên khoảng 390.000 chiếc.
Chỉ số các nhà quản lý thu mua dịch vụ Eurozone đã tăng lên 44,8 điểm trong tháng 5/09, mức cao nhất trong 7 tháng qua, so với ước tính 44,7 điểm ban đầu và cao hơn mức 43,8 điểm trong tháng 4/09. Tuy vậy, 2 báo cáo cho thấy một mức giảm kỷ lục về tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I/09 và giá sản xuất trong tháng 4/09 ở Eurozone là dấu hiệu cảnh báo các nền kinh tế châu Âu vẫn đang ở vị trí rất thấp.
Trước đó, Cơ quan thống kế châu Âu (Eurostat) cho hay GDP của Eurozone trong quý I/09 đã giảm kỷ lục 2,5% so với quý trước đó, do đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu giảm. Trong khi đó, giá sản xuất ở Eurozone trong tháng 4/09 đã giảm kỷ lục 4,6% so với cùng kỳ năm 2008, báo hiệu tình hình lạm phát tiêu cực trong những tháng tới và sự tiếp tục nói lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Anh Quân (Theo Reuters)
TTXVN
|