Kế hoạch giải cứu ngân hàng Mỹ trục trặc
Cách đây hơn hai tháng, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner công bố chi tiết kế hoạch thanh lọc các tài sản xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng nước này, thị trường toàn cầu “nổi sóng”, cả nước Mỹ thở phào, còn bản thân ông Geithner - từ chỗ đang bị chỉ trích mạnh mẽ - bỗng chốc được xem như nắm chắc cơ hội trở thành “người hùng”.
Nhưng tới thời điểm này, kế hoạch mà người ta vẫn thường gọi là “bad bank” của ông Geithner đang gặp nhiều ngáng trở. Các quan chức của chính quyền Tổng thống Barack Obama cho hay, một số phần của kế hoạch giải cứu này gặp trục trặc khi khởi động, còn vài phần khác thì đã “chết yểu” ngay từ trứng nước.
Tuy vậy, dù kế hoạch có nguy cơ đổ bể thì ông Geithner cũng chẳng có nhiều lý do để phải lo lắng.
Người mua muốn mua, bên bán chẳng muốn bán
Không ít người vẫn cho rằng, kế hoạch giải cứu hệ thống nhà băng của Mỹ lúc này đã đang trong quá trình thực thi, vì trên thực tế, các nhà đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đang xếp hàng đợi tới lượt vay vốn của Chính phủ nước này để mua vào các tài sản xấu trong các ngân hàng, qua đó làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thúc đẩy hoạt động tín dụng trong nền kinh tế.
Nhưng đó là chuyện của bên mua, còn ở bên bán, các ngân hàng cho rằng thị trường đang định giá quá thấp các tài sản của họ, cho dù tài sản đó có độc hại hay không, nên họ không sẵn lòng bán đi những tài sản này.
Cuộc kiểm tra năng lực tài chính 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ do các nhà chức trách nước này thực hiện cách đây ít lâu một phần nhằm buộc các ngân hàng phải bán đi những tài sản được xem là xấu. Bằng cách chỉ ra số vốn và các ngân hàng lớn cần huy động bổ sung, Chính phủ Mỹ tin rằng, cách này sẽ khiến các ngân hàng phải bán đi các tài sản độc hại cho các nhà đầu tư mang tên “Chương trình đầu tư nhà nước và tư nhân” - tên chính thức của kế hoạch giải cứu.
Tuy nhiên, không bán tài sản cho chương trình này, các nhà băng vẫn dễ dàng huy động vốn từ các nguồn tư nhân. Số liệu cho thấy, chỉ trong có vài tuần, số vốn 65 tỷ USD đã được các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ huy động thành công.
Ngày 2/6 vừa rồi, Bank of America (BoA), ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện nay, đã tuyên bố huy động được 33 tỷ USD trong số 33,9 tỷ USD mà các nhà chức trách yêu cầu. JPMorgan Chase thì công bố những kế hoạch bán cổ phiếu mới.
Một lý do quan trọng nữa khiến các ngân hàng Mỹ không muốn bán tài sản xấu theo chương trình giải cứu là họ không muốn “đâm đầu vào rọ” - giao mình cho những quy định giám sát của Chính phủ. Chắc mọi người còn nhớ, cách đây ít lâu, Quốc hội Mỹ đã chóng vánh thông qua đạo luật siết lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác cho các giám đốc ngân hàng nhận tiền cứu trợ.
“Kế hoạch của Chính phủ Mỹ tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản, trong đó bao gồm khả năng can thiệp nhiều của Chính phủ vào các ngân hàng”, ông Scott Talbott, một chuyên gia thuộc Financial Services Roundtable - một tổ chức của những người làm trong ngành tài chính Mỹ - nhận xét.
Các quan chức Chính phủ Mỹ còn cho biết thêm, một dự luật gần đây do Thượng viện nước này đưa ra còn yêu cầu các ngân hàng được bơm vốn từ Chính phủ qua việc bán lại nợ xấu, cũng như các nhà đầu tư được vay vốn để mua nợ, phải chịu sự giám sát của cơ quan thanh tra đặc biệt. Điều khoản này khiến cả các ngân hàng lẫn các nhà đầu tư thêm dè dặt.
Thất bại, càng vui?
Sự trì trệ của kế hoạch giải cứu tài chính mà ông Geithner đưa ra đã buộc Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) - cơ quan chịu trách nhiệm chương trình thanh lọc các khoản vay địa ốc khó đòi và các loại chứng khoán địa ốc (MBS) ra khỏi các ngân hàng như một phần trong kế hoạch giải cứu nói chung - cân nhắc kế hoạch thay thế.
Tuy vậy, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, mảng này của kế hoạch “vẫn đang được thực thi khá suôn sẻ” và họ nhận thấy “sự quan tâm của cả bên mua lẫn bên bán”. Quan chức này cũng khẳng định thêm, dù các ngân hàng có ngại tham gia kế hoạch thì họ cũng chẳng lo lắng gì.
Vậy tại sao Bộ Tài chính Mỹ lại không lo? Vào thời điểm tháng 2 vừa qua, khi chương trình thanh lọc các khoản vay địa ốc khó đòi và các loại chứng khoán địa ốc được xem là bất khả thi, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc. Nhưng tới nay, cả Bộ Tài chính Mỹ và thị trường đều tin rằng, tình hình của các ngân hàng nước này không tệ như họ nghĩ ở thời điểm tháng 2.
Thực tế các ngân hàng có thể huy động số vốn lớn từ các nguồn tư nhân đồng nghĩa với việc niềm tin đang dần trở lại với thị trường và hoạt động tín dụng đang dần được nới lỏng. “Thành công đối với chúng tôi là hệ thống trở nên khỏe mạnh hơn. Cho dù các ngân hàng có tham gia vào chương trình của chúng tôi hay không, điều đó không quan trọng”, vị quan chức giấu tên của Bộ Tài chính cho biết thêm.
Đúng là lúc này hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các ngân hàng Mỹ đã ổn. Nhưng nếu sự thật không phải thế, chuyện tài sản độc hại sẽ lại nổi lên là một mối đe dọa tới niềm tin của thị trường. Tới khi đó, Chính phủ Mỹ sẽ lại phải nghĩ ra biện pháp mới để thuyết phục các ngân hàng bán lại những tài sản đó.
TBKTVN
|