“HSBC Việt Nam không ngại những biến động ngắn hạn”
Chỉ trong gần 2 tháng, HSBC đã chính thức đưa sở giao dịch và 6 phòng giao dịch đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động.
Phải chăng, việc mở rộng này chỉ nhằm mục đích thực hiện các cam kết khi ngân hàng con của HSBC được cấp phép? Về vấn đề này, ông Thomas Tobin - Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, nói: - HSBC luôn cam kết sẽ phát triển hoạt động kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Việc thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài gần đây đã tạo một nền tảng tốt giúp HSBC đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp ở thị trường năng động này.
Mở rộng hệ thống chỉ là một phần trong chiến lược phát triển song hành của chúng tôi tại thị trường Việt Nam, đó là: phát triển hệ thống nội tại và phát triển thông qua mối quan hệ với các đối tác chiến lược. Dù thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động nhưng hoạt động của HSBC ở Việt Nam vẫn duy trì tốt.
Do vậy, chúng tôi muốn mở rộng hoạt động, dịch vụ của mình để hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn khi họ cần chúng tôi nhất. Những yếu tố trên là lý do chính chúng tôi đưa 6 phòng giao dịch đi vào hoạt động trong hai tháng gần đây sau khi nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho mỗi phòng giao dịch.
Trên thực tế, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội, Tp.HCM và Bình Dương chúng tôi đã tiến hành các hoạt động mở rộng rất nhanh. Với chiến lược hoạt động lâu dài tại Việt Nam chúng tôi không quá quan ngại về những biến động ngắn hạn của thị trường.
Dẫu vậy, một số quan điểm cho rằng ngân hàng mở rộng mạng lưới trong thời điểm này sẽ gặp nhiều rủi ro từ những tác động của thị trường và khách hàng. Vậy, quan điểm của ông như thế nào?
Ngành tài chính - ngân hàng trên toàn cầu vừa trải qua một thời kỳ khó khăn và phức tạp nhất kéo dài từ 2008 cho đến những ngày đầu năm 2009. Tuy nhiên, tại Việt Nam ngành ngân hàng không nằm trong tâm bão của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu này.
Hoạt động kinh doanh của HSBC vẫn phát triển tốt ở một số hạng mục, chúng tôi vẫn tự tin vào sự phát triển bền vững và lâu dài của mình tại thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, ngành ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn, hiện chỉ có 10% tổng dân số có tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những lý do nhiều ngân hàng mong muốn mở rộng hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam.
Sau HSBC, ANZ cũng sẽ đưa 6 phòng giao dịch đầu tiên đi vào hoạt động trong tháng 6/2009, những ngân hàng được cấp phép còn lại cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động trong năm 2009. Điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường và các ngân hàng nội, thưa ông?
Với sự khai trương và mở rộng hệ thống của các ngân hàng nước ngoài, tôi nghĩ thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn.
Cạnh tranh lành mạnh sẽ làm cho các ngân hàng trở nên sắc bén hơn, phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt hơn và ngành tài chính ngân hàng sẽ ngày càng hoàn thiện mình hơn nữa với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Hơn nữa, các ngân hàng ngoại cũng đem đến những thông lệ ngân hàng quốc tế tốt nhất, công nghệ ngân hàng hiện đại, tiện ích ngân hàng tiên tiến cũng như cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn ngân hàng quốc tế với các ngân hàng nội địa thông qua các mối quan hệ hợp tác chiến lược và tư vấn chuyên môn trong ngành.
Những sự hợp tác này đem lại lợi ích cho cả hai bên: ngân hàng ngoại được biết, hiểu về thị trường nội địa nhiều hơn, ngân hàng nội học hỏi và đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng hơn đồng thời biết thêm về cách quản lý hiệu quả, phát triển một định chế tài chính quốc tế lớn.
Các ngân hàng ngoại, còn đóng vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam và các công ty Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Theo tôi, khi có nhiều ngân hàng ngoại mở rộng hoạt động trong năm 2009 sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực cho ngành ngân hàng và khách hàng tại Việt Nam.
THANH HẢI
TBKTVN
|