Lạm phát: Nỗi ám ảnh của nền kinh tế
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2009 đã tăng 0,44% so tháng 4 và tăng 5,58% so với cùng kỳ. Mức tăng của chỉ số CPI trong tháng 5 tuy ở mức thấp, nhưng nếu tính theo đúng thông lệ quốc tế, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009 đã phát triển đến hai con số là 11,59%- một dấu hiệu đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát trong tầm kiểm soát- thông thường với 1 con số- là yếu tố quan trọng thúc đẩy một nền kinh tế phát triển. Ngược lại, giống như con dao hai lưỡi, khi lạm phát gia tăng đến 2 con số và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, nền kinh tế sẽ chịu sự “tàn phá” khủng khiếp của “cơn bão” tiền tệ.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, lạm phát ở mức 7-8%/năm sẽ có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển. Còn trong dài hạn, lạm phát tốt nhất nên ở mức 5-6%/năm để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Minh chứng gần nhất tác động của lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam là “cuộc khủng hoảng” cuối năm 2007, đầu năm 2008, với chỉ số CPI và lạm phát thường xuyên ở mức hai con số.
Vì thế, dư luận cũng như các chuyên gia luôn coi lạm phát là một nỗi ám ảnh của nền kinh tế nước nhà, mặc dù trong bài trả lời chất vấn mới đây tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư Võ Hồng Phúc đã mạnh mẽ khẳng định: Không thể có lạm phát trở lại.
Nỗi lo từ tín hiệu vui
Có vẻ như là một nghịch lý, nhưng với những người luôn quan tâm đến sự phát triển của kinh tế nước nhà, hay đơn giản hơn là lo đến “nồi cơm” của gia đình mình thì nỗi lo ấy có logic biện chứng.
Căn cứ đầu tiên là sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là việc tăng liên tục giá xăng dầu bán lẻ trong nước những tháng gần đây. Tín hiệu mừng ở đây là đã loại trừ mối lo giảm phát.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng của 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ cơ bản - cơ sở để tính CPI trong tháng 5/2009- đều dương. Trong đó, nhóm dịch vụ phương tiện đi lại và bưu chính - viễn thông tăng cao nhất (1,8%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ, với mức tăng chung là 0,18%. Nếu tính riêng, thì nhóm thực phẩm tăng 0,36%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,38%, nhóm lương thực giảm 0,37%. Nhóm vật liệu xây dựng và nhà ở tăng 0,97%. Hai nhóm tăng ít nhất là giáo dục và văn hoá, thể thao, giải trí, với chỉ số lần lượt là 0,04% và 0,03%. Cũng trong tháng 5 này, chỉ số giá vàng của cả nước tăng 0,61%, chỉ số giá USD tăng 1,25% so với tháng 4.
Căn cứ thứ hai là việc giải ngân vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng với giá trị lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng rất mạnh, lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cũng tăng rất cao. Tín hiệu mừng ở đây là tác dụng tích cực từ gói kích cầu đã giúp giảm bớt sức ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Con số được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng rất mạnh, lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng trong tháng 4/2009 so với tháng 12/2008 tương ứng là 11,2% và 19,37%.
Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư Trần Xuân Giá, nếu như tăng trưởng tín dụng đột biến, thì chỉ sau 2 - 3 tháng sẽ tác động tới việc tăng giá cả. Điều này có vẻ như đang bắt đầu diễn ra ở ngoài thị trường.
Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Dự báo KT-XH Quốc gia cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, dự kiến năm 2009 thâm hụt ở mức 8% GDP, khi lượng tiền cung ứng lớn, nếu chi tiêu Chính phủ kém hiệu quả thì không những không thúc đẩy sản xuất hiệu quả, mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra lạm phát, kéo theo nhiều hậu quả khác như tăng bội chi ngân sách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Các chuyên gia nhắc nhở rằng, đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho lạm phát tăng cao trong hai năm 2007 - 2008.
Căn cứ lo ngại thứ ba là vấn đề tăng trưởng nóng của lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng ở tất cả các kỳ hạn, với mức tăng từ 0,03%/năm đến 1,92%/năm. Tín hiệu mừng ở đây là sự phục hồi của nền tài chính, khi các sàn giao dịch chứng khoán tăng điểm ấn tượng giành lại chỉ số VN-index ở mốc 8, 9 tháng trước đó đã mất, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, người dân đã yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng.
Theo số liệu báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng đến trung tuần tháng 6/2009, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm là 8,37%/năm, tăng 1,92%/năm so với tuần trước đó (đây cũng là mức tăng cao nhất trong tuần).
Đối với các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng USD, lãi suất bình quân các kỳ hạn 1 tuần và 3 tháng có xu hướng tăng nhẹ; lãi suất bình quân các kỳ hạn 3 tuần và 1 tháng có xu hướng giảm so với tuần trước đó.
So với tuần trước, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tăng từ 0,2 - 0,4%/năm; mức lãi suất cao nhất hiện nay là 9,99%/năm của Ngân hàng TMCP An Bình.
Sẽ kiểm soát được?
Những lo ngại của các chuyên gia đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quan tâm bằng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan: Kế hoạch& Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm theo dõi sát tình hình tài chính tiền tệ không để cho hiện tượng như cuối năm 2007 xảy ra; nhất là một số chỉ số mà đặc biệt tập trung nhất là độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán trong nghiệp vụ ngân hàng (tăng trưởng M2).
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư cho biết: Trong 5 tháng vừa qua, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 14,6%, Chính phủ đang khống chế tỷ lệ tăng trưởng này. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng về kinh tế đến tháng 5 này mới tăng trưởng ở mức 14,9%.
“Chúng tôi cũng đã lường hết khả năng đó và khi có cảnh báo rồi, chắc chắn Chính phủ sẽ có biện pháp cụ thể phòng ngừa, bảo đảm không có tái lạm phát .” - ông Võ Hồng Phúc tự tin phát biểu trước Quốc hội.
Trả lời về vấn đề phòng chống lạm phát , ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách.
Theo ông Giàu, diễn biến tình hình thế giới còn đang phức tạp, khó lường. Tất cả các nước đều điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng đến giờ phút này chưa thấy xuất hiện nơi nào bất bình thường hay nói cách khác là lạm phát phức tạp. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai chính sách tiền tệ từ thắt chặt để kiềm chế lạm phát của năm 2008 chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng theo hướng thận trọng.
Với cách làm này, người lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ kiểm soát được dư nợ tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết, trong chỉ đạo điều hành cũng đã bàn rất nhiều các phương án để mà lạm phát không tăng quá cao trong những tháng cuối năm 2009 cũng như năm 2010. Theo đó, các giải pháp được đặt ra là cân đối tài chính tiền tệ và cân đối tiền hàng; đảm bảo thúc đẩy sản xuất; giải pháp tài chính; điều hành giá.
Nguyễn Thành
Tổ quốc
|