Quản lý rủi ro: Cách nhìn đã khác!
Trải qua những khó khăn của năm 2008, nhất là trước ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến nay nhiều ngân hàng đã nâng tầm nhận thức trong việc quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), cách đây 2 năm, khi Công ty Kiểm toán, tư vấn tài chính uy tín hàng đầu thế giới Ernst & Young tại Việt Nam giới thiệu hệ thống giá trị chấm điểm với bộ chỉ tiêu xếp hạng tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và khách hàng định chế tài chính đến các ngân hàng Việt Nam thì rất ít nhà băng quan tâm tới hệ thống này.
Thế nhưng, ông Tùng cho biết, kể từ giữa năm 2008 đến nay, nhiều ngân hàng trong nước đã quan tâm và sử dụng. Mối quan tâm được đặt lên hàng đầu trong hoạt động tín dụng luôn là kiểm soát chặt rủi ro nợ khó đòi, dẫn đến nợ xấu.
Thực ra, việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đã được quy định tại Điều 7, Quyết định 493 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và là yêu cầu bắt buộc ngân hàng phải triển khai. Gói tư vấn của Ernst & Young dành cho ngân hàng cũng nhằm thỏa mãn yêu cầu xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
Trước đây, nhiều ngân hàng tỏ ra ngại ngần trong việc xây dựng hệ thống này, bởi nếu áp dụng chỉ tiêu xếp hạng tín dụng dành cho từng đối tượng khách hàng khác nhau sẽ loại trừ mất “thượng đế”. Khi đưa vào chỉ tiêu xếp hạng sẽ có không ít khách hàng bị loại khỏi vòng xếp hạng và như thế, thị phần tín dụng của ngân hàng bị thu hẹp. Nhưng cách nhìn này đã thay đổi sau những khó khăn trong năm 2008, đến nay một số ngân hàng tuyên bố, đã và đang thuê tư vấn triển khai hệ thống xếp hạng nội bộ.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải, việc tăng cường hệ thống kiểm soát rủi ro là yêu cầu bắt buộc. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng có thể mất một phần lợi nhuận, nhưng không thể hy sinh chất lượng tín dụng.
Tuy dư nợ tín dụng dần tăng nhanh theo nhu cầu vốn của khách hàng, nhưng ACB vẫn luôn thận trọng và đặt an toàn lên hàng đầu trong hoạt động tín dụng, nên nợ xấu đến giữa tháng 5/2009 của Ngân hàng là 0,78%, thấp hơn năm 2008 (0,9%).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho hay, với chủ trương lợi nhuận luôn đi sau yếu tố an toàn, nên ngay từ đầu năm 2008, khi thị trường tài chính bắt đầu xuất hiện khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Sacombank đã thành lập Ban xử lý nợ quá hạn, ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu và tiếp tục duy trì đến nay.
Tuy đã nâng tầm nhận thức về việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng, nhưng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm, đồng thời, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhiều ngân hàng đã tái đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng bên cạnh chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.
Theo NHNN, tín dụng trong tháng 5/2009 của toàn hệ thống ngân hàng tăng 4,2% so với tháng 4 và tăng 14,91% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 5 ước tăng 3,87% so với cuối tháng trước và tăng 13,64% so với cuối năm trước; số dư tiền gửi VND tăng 4,6% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 1,33% so với cuối tháng trước.
Tín dụng tăng trưởng là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất, kích cầu để ngăn chặn đà suy giảm, nhưng nếu tín dụng tăng trưởng quá nóng, nguy cơ lạm phát quay lại là điều khó tránh. Do đó, theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, các ngân hàng không nên chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà quên đi việc kiểm soát chặt rủi ro nhằm tránh tình trạng như năm 2007.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|