Thứ Hai, 15/06/2009 19:34

Thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất

Chính sách hỗ trợ lãi suất áp dụng rộng rãi đối với các thành phần kinh tế là việc làm mới, chưa có tiền lệ ở các nước và ở Việt Nam để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên luồng vốn này được phân bổ vào đâu và sự chia sẻ của hệ thống Ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp và người vay vốn như thế nào?. Website NHNN thông tin thêm với bạn đọc về các vấn đề này.

Theo chủ trương của Chính phủ, chính sách hỗ trợ lãi suất là nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và sử dụng hệ thống TCTD để làm trung gian chuyển số tiền được hỗ trợ lãi suất đến doanh nghiệp và người vay vốn (không chuyển trực tiếp từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người vay vốn); còn nguồn vốn cho vay do chính các TCTD tự huy động trên thị trường để cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Xét về toàn cục, chính sách hỗ trợ lãi suất này thực hiện mục tiêu vì hiệu quả của nền kinh tế nói chung, vì doanh nghiệp và người dân nói riêng; Triển khai thực hiện chính sách này, tuy các TCTD phải đẩy mạnh các hoạt động và tăng cường chi phí có liên quan nhưng toàn bộ hệ thống TCTD cũng đạt được vấn đề rất lớn đó là nếu nền kinh tế vững mạnh, doanh nghiệp và người vay vốn không lâm vào tình trạng bị phá sản hoặc vỡ nợ nên đã góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD.

Kết quả sơ bộ về dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất

Từ tháng 2/2009 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế hỗ trợ lãi suất các khoản vay bằng đồng Việt Nam và giao cho các ngân hàng thương mại, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, công ty tài chính, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cho vay theo cơ chế thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn (Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009), vay trung và dài hạn (Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/4/2009), vay để mua máy móc, thiết bị và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009).

Đến cuối tháng 5, sau 04 tháng triển khai, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg là 305.763 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch dư nợ đến cuối năm 2009 (583.000 tỷ đồng); sau 02 tháng triển khai, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn theo Quyết định số 443/QĐ-TTg là 11.842 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch dư nợ đến cuối năm 2009 (70.000 tỷ đồng); sau gần 01 tháng triển khai, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg là 1.468 tỷ đồng, mức đạt được thấp do có một số vướng mắc về ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, việc xác nhận khoản vay của UBND xã, phường, thị trấn, làm căn cứ cho các NHTM cho vay hỗ trợ lãi suất, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố xử lý.

Nếu phân loại dư nợ cho vay theo tiêu chí khách hàng thì cho vay doanh nghiệp nhà nước là 50.956 tỷ đồng, chiếm 16% và có 3.376 doanh nghiệp vay vốn; cho vay doanh nghiệp ngoài nhà nước, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa là 210.748 tỷ đồng, chiếm 66% và có 58.438 doanh nghiệp vay vốn; cho vay hợp tác xã và hộ sản xuất là 57.369 tỷ đồng, chiếm 18% và có 864.314 khách hàng vay vốn.

Phân theo vùng, cho vay vùng Đồng bằng Sông Hồng là 84.618 tỷ đồng (các tỉnh, thành phố có dư nợ cao là Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên); cho vay vùng Đông Bắc Bộ là 19.144 tỷ đồng (các tỉnh có dư nợ cao là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang); cho vay vùng Tây Bắc Bộ là 3.446 tỷ đồng; cho vay vùng Bắc Trung Bộ là 16.815 tỷ đồng; cho vay vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là 23.898 tỷ đồng (các tỉnh, thành phố có dư nợ cao là Bình Định và Đà Nẵng); cho vay vùng Tây Nguyên là 17.198 tỷ đồng (các tỉnh có dư nợ cao là Đắk Lắk và Gia Lai); cho vay vùng Đông Nam Bộ là 92.565 tỷ đồng (các tỉnh, thành phố có dư nợ cao là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương); cho vay vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 61.326 tỷ đồng (các tỉnh có dư nợ cao là Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp).

Kết quả cho vay đến ngày 11/6/2009 là 338.431,17 tỷ đồng.Chi tiết về tình hình dư nợ cho vay HTLS phân chia theo đối tượng như sau: (1). Dư nợ theo nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 243.531,07 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 75.901,31 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 16.286,87 tỷ đồng; công ty tài chính là 2.711,92 tỷ đồng. (2) Dư nợ phân theo đối tượng khách hàng vay vốn: Doanh nghiệp Nhà nước 52.355,3 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) 224.549,08 tỷ đồng; hợp tác xã 2.538,23 tỷ đồng; hộ gia đình, cá nhân 57.905,57 tỷ đồng; tổ chức khác 1.082,98 tỷ đồng.

Về vấn đề đảo nợ

Cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất hiện hành nghiêm cấm hành vi đảo nợ “TCTD không được cho vay để đầu tư trực tiếp và gián tiếp ra nước ngoài, trả nợ nước ngoài, cho vay để trả nợ TCTD khác, cho vay để trả nợ các khoản nợ tại TCTD nơi cho vay”. Trong quá trình triển khai, các TCTD chấp hành nghiêm túc việc thẩm định hồ sơ vay vốn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và quy định về bảo đảm tiền vay, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nên các hành vi đảo nợ rất khó xảy ra. Mặt khác, hầu hết các NHTM đều đã ban hành sổ tay chính sách tín dụng, quản lý các khoản vay tập trung bằng công nghệ tin học, với mục đích phản ánh và theo dõi chính xác, kịp thời việc giải ngân và chất lượng các khoản cho vay.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất, vòng quay vốn lưu động trong 01 năm khoảng 2 - 4 vòng (từ 3 - 6 tháng/vòng); theo đó, thời hạn trả nợ vay ngân hàng đối với các khoản vay hỗ trợ lãi suất cũng được xác định tương ứng khoảng từ 3 - 6 tháng. Trong những tháng đầu năm 2009, doanh nghiệp và hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, trả các khoản vay đến hạn và tiếp tục vay vốn, quay vòng vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh và được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật là hoạt động kinh tế diễn ra bình thường. Qua 4 tháng cho vay hỗ trợ lãi suất, đến cuối tháng 5/2009, dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp, hộ sản xuất khoảng 305.763 tỷ đồng, tương ứng hơn 35% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của cả hệ thống NHTM, như thế vòng quay vốn tín dụng sát với vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp trong điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn.

Việc doanh nghiệp và người dân luân chuyển nhanh, giải phóng hàng hoá tồn kho trả nợ ngân hàng trước hạn là hiện tượng bình thường, kể cả không có chính sách hỗ trợ lãi suất; việc trả nợ trước hạn để vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất là điều tích cực, vì doanh nghiệp và người dân trả nợ trước hạn muốn vay mới đều phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo cơ chế tín dụng thông thường. Vì vậy, trong dư luận có một vài ý kiến cho rằng phần lớn dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất được sử dụng vào mục đích đảo nợ là không có cơ sở cả về bản chất kinh tế và chu chuyển vốn sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng.

Sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng đối với khó khăn của các doanh nghiệp và hộ sản xuất

Thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, gần 100 NHTM, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí đầu tư, bớt khó khăn về tài chính, từ đầu năm 2009, các NHTM đã từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ (16-17%/năm) xuống mức tối đa là 12,5%/năm và 10,5% kể từ ngày 16/4/2009. Đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn, thì được NHTM xem xét cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho vay và tiếp tục cho vay mới để sản xuất - kinh doanh theo cơ chế cho vay hiện hành.

Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, khối lượng công việc và chi phí bỏ ra để giải ngân vốn cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM đã tăng lên nhiều lần và phải thực hiện khẩn trương trong một thời gian ngắn, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Theo ước tính, doanh thu của các NHTM giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng NN&PTNT giảm khoảng 4.300 tỷ đồng, để chia sẻ khó khăn về tài chính đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất và phục vụ mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Khánh Hưng

SBV

Các tin tức khác

>   Tọa đàm Hệ thống quản lý thông tin NHTW Nhật Bản và một số nước trên thế giới (15/06/2009)

>   Các rủi ro trong giao dịch bảo đảm (15/06/2009)

>   Chiều 15/6: Vàng tiếp tục giảm giá (15/06/2009)

>   HDBank điều chỉnh mức lãi suất lên đến 10,1%/năm (15/06/2009)

>   WB báo động nguy cơ thâm hụt ngân sách ở Việt Nam (15/06/2009)

>   Giá vàng chịu áp lực lớn, giá dầu đi xuống (15/06/2009)

>   Tín dụng bắt đầu nóng (15/06/2009)

>   Vay USD sợ rủi ro tỷ giá (15/06/2009)

>   Tiểu thương lo không được giảm thuế (15/06/2009)

>   Thận trọng với thuế ô tô (14/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật