Hoạt động M&A ở Việt Nam còn lắm thách thức
Hội thảo "M&A Việt Nam 2009: kinh nghiệm và cơ hội" diễn ra ngày 11/6 đưa ra thông tin xu hướng mua bán-sáp nhập công ty (M&A) tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới được dự báo sẽ có từ 30% đến 50% doanh nghiệp tại Việt Nam sáp nhập hoặc bị sát nhập.
Xu hướng trên được đánh giá vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với hoạt động M&A tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhận định, mặc dù trong những năm qua hoạt động M&A đã diễn ra tại Việt Nam với giá trị lên tới hàng tỷ USD, tuy nhiên, hoạt động này vẫn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, tiềm ẩn những nguy cơ về việc thâu tóm thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
Xu hướng phát triển M&A càng tăng cả về quy mô, hình thức và tính chất đang đòi hỏi chính sách, pháp luật về M&A không ngừng phải hoàn thiện để có thể dẫn tới thành công mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo các số liệu công bố tại hội thảo, năm 2007 tại Việt Nam có khoảng hơn 90 vụ sáp nhập và mua lại với giá trị giao dịch hơn 1,7 tỷ USD; năm 2008 có khoảng 40 vụ với giá trị gần 350 triệu USD.
Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven thuộc công ty Dragon Capital, nhiều trường hợp trong số này không thật sự là M&A mà chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần.
Ông Dominic Scriven cho biết tỷ lệ thành công của các vụ M&A hiện nay đang còn thấp và hơn một nửa các vụ M&A không tạo ra giá trị gia tăng. Nguyên nhân thất bại chủ yếu là do không định giá chính xác, các khoản nợ bị tăng đột biến, mâu thuẫn về quản trị, quy mô qua lớn, thiếu hòa nhập.
Ông cho rằng trở ngại của M&A tại Việt Nam là do pháp luật chưa đầy đủ và chưa khớp nhau; người Việt Nam chưa quen với M&A; thông tin tài chính thiếu minh bạch, chất lượng thấp; thông tin giao dịch giữa các bên liên quan cũng thiếu minh bạch, cấu trúc công ty không rõ ràng, thủ tục cấp phép và sửa giấy phép chậm và rườm rà.
Với nhiều tham luận về M&A, hội thảo tập trung vào các vấn đề như kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, một số vấn đề pháp lý trong giao dịch M&A, hoạt động rà soát trong giao dịch, kinh nghiệm giao dịch của một số doanh nghiệm, tổng quan M&A tại Việt Nam và xu hướng phát triển...
Các nhà tổ chức khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có hoạt động M&A.
Hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên về M&A này chính là cầu nối hữu ích giữa cơ quan nhà nước, các nhà tư vấn với các nhà đầu tư để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo ra môi trường hoạt động hấp dẫn đối với đầu tư nói chung và M&A nói riêng./.
Vietnam+
|