Cung cầu ngoại tệ 2009: Sẽ ổn!
Dù có biến động khá phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng thì diễn biến - cung cầu ngoại tệ từ nay cho đến cuối năm sẽ ổn. Khả năng cân đối ngoại tệ của nền kinh tế là khả thi và các biến động bất thường về dòng ngoại tệ ra - vào nền kinh tế có thể ước đoán được.
Ngoài ra, với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia là 20 tỷ USD như hiện nay thì việc bình ổn thị trường ngoại hối hoàn toàn có thể thực hiện, mức mất giá tối đa của VND trong năm 2009 sẽ không vượt quá 6%.
Phân tích của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, yếu tố chính khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh là do yếu tố đầu cơ găm giữ ngoại tệ hơn là các yếu tố về luồng ngoại tệ ra vào nền kinh tế. Bởi cán cân thương mại thặng dư liên tục trong 3 tháng đầu năm (giá trị thặng dư trong 4 tháng là 800 triệu USD); dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) tương đối cân bằng khi giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu vào khoảng 300 triệu USD trong quý I đã được bù đắp bởi FII ròng vào TTCK trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 130 triệu USD.
Có một vấn đề đáng lưu ý là lượng ngoại tệ vào Việt Nam không được cung ứng ra thị trường để đáp ứng các nhu cầu thanh toán ngoại tệ như thanh toán tiền hàng nhập khẩu, thanh toán trả nợ vay đến hạn, mà tập trung trên tài khoản tiền gửi chờ tỷ giá lên. Doanh nghiệp chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ trả nợ vay trước hạn. Chương trình hỗ trợ lãi suất góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất VND và lãi suất USD khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiền gửi VND sang tiền gửi ngoại tệ. Số dư tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 4/2009 tăng khoảng 4,52% so với cuối năm 2008, trong khi số dư tiền vay ngoại tệ giảm 1,6%.
Tuy nhiên, tình trạng này đang được chấn chỉnh. Ngay khi có dấu hiệu chênh lệch cung cầu ngoại tệ trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp đưa ra những biện pháp mạnh tay để ổn định thị trường này như tăng cường kiểm tra, thanh tra trên diện rộng hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, không bán lại cho các ngân hàng; sử dụng ngoại tệ thế chấp để vay nội tệ...
Một phân tích khác cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 dự kiến chỉ là 6,9 tỷ USD, giảm 60% so với năm 2008 (kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể đạt 56 tỷ USD nếu không tính xuất khẩu vàng, đạt 58,2 tỷ USD nếu tính xuất khẩu vàng; trong khi kim ngạch nhập khẩu dự kiến là 65,1 tỷ USD). Trong khi đó, giá trị giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5 tỷ USD và dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài ròng vào Việt Nam dự kiến là cân bằng. Bên cạnh đó, FDI đăng ký trong quý I/2009 là 6 tỷ USD. Do đó, sức ép tăng cao tỷ giá là khó xảy ra.
Các chuyên gia ngoại hối của BIDV nhận định, xét trên những cân đối lớn của nền kinh tế như cán cân thương mại, cán cân thanh toán thì Việt Nam có đủ nguồn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, có thể kiểm soát và ổn định thị trường ngoại hối. Mặc dù vậy, các chuyên gia này kiến nghị, để thị trường thực sự bình ổn, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp chấn chỉnh thị trường; đảm bảo chênh lệch hợp lý giữa lãi suất USD và lãi suất VND; tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân, tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ tại tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Gia Linh
đầu tư chứng khoán
|