23/6/2009:
Chứng khoán thế giới: Đà giảm điểm kìm hãm để chờ
THỊ TRƯỜNG MỸ
(Vietstock) - Trong phiên giao dịch ngày hôm qua – thứ ba 23/06/2009, đà giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ đã bị kìm hãm sau khi giới đầu tư trên thị trường Mỹ ngừng bán ra cổ phiếu hàng loạt nhằm chờ đợi và duy trì tâm lý hy vọng tích cực vào các thông tin kinh tế chuẩn bị được công bố vào ngày thứ tư. Theo đó, chỉ số Dow Jones đã giảm nhẹ 16.1 điểm (tức 0.19%) xuống mức 8322.91 điểm, chỉ số NASDAQ hầu như không biến động khi chỉ giảm 1.17 điểm (tức 0.07%) xuống 1772.47 điểm và chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 2.06 điểm (tức 0.23%) lên mức 895.1 điểm.
|
Theo số liệu vừa được công bố, số nhà cũ được bán trong tháng 5 tại Mỹ đã tăng lên 4.77 triệu đơn vị so với mức 4.66 triệu đạt được trong tháng 5, thấp hơn so với mức được dự báo trước đó là 4.85 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, giá nhà đất tại Mỹ vẫn tiếp tục trên đà giảm giá khi mà chỉ số giá nhà đất tháng 5 tiếp tục giảm 0.1% so với tháng 4. Chúng tôi cho rằng, thị trường bất động sản Mỹ, tuy đã có sự khởi sắc nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết khi mà nhu cầu mua nhà chưa thể phục hồi do lãi suất cho vay mua nhà đã tăng cao trong thời gian vừa qua cũng như số nợ tín dụng mà mỗi người dân Mỹ vẫn còn ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Trong ngày hôm nay – thứ tư 29/06/2009, nhiều thông tin kinh tế quan trọng mà giới đầu tư trên thị trường Mỹ đang chờ đợi sẽ được công bố. Theo đó, số liệu tháng 5 về nhu cầu đặt hàng các sản phẩm sử dụng trong sản xuất (Durable Goods Orders) và lượng nhà mới được bán dự kiến sẽ được công bố lần lượt trước và sau phiên giao dịch chứng khoán ngày hôm nay tại Mỹ. Bên cạnh đó, vào ngày hôm qua, cục dự trữ liên bang (FED) đã nhóm họp ngày đầu tiên trong chương trình hai ngày nghị sự về chính sách lãi suất trong thời gian sắp tới tại Mỹ. Quyết định chính thức của FED về mức lãi suất cơ bản dự kiến sẽ được công bố tại Mỹ vào trưa hôm nay. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ được thực hiện, giới tài chính – ngân hàng Mỹ đều cho rằng khả năng lớn FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản vốn đang ở mức thấp kỷ lục.
Như đã phân tích trong ngày hôm qua, chúng tôi cho rằng, những thông tin kinh tế được công bố trong ngày hôm nay sẽ có vai trò quyết định trong việc ổn định tâm lý thị trường Mỹ khi mà giới đầu tư tại Mỹ đã bi quan hơn rất nhiều sau báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu của World Bank. Việc các chỉ số chứng khoán tại Mỹ biến động nhẹ vào ngày hôm qua đã thể hiện rõ nét tâm lý chờ đợi trong hy vọng của nhà đầu tư Mỹ vào những thông tin sắp được công bố. Nếu những thông tin này mang tính tích cực như được kỳ vọng, đà giảm điểm của thị trường Mỹ sẽ được kìm hãm và khả năng khởi sắc trở lại của thị trường này sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Trong trường hợp ngược lại, khả năng tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và các chỉ số chứng khoán Mỹ điều chỉnh giảm sâu là không tránh khỏi.
Nhu cầu mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao trước thông tin hãng đánh giá tín dụng Moody’s công bố mức độ tín nhiệm của chính phủ Mỹ vẫn ở mức AAA. Trước đó, nhu cầu trái phiếu chính phủ đã tăng cao sau khi các nhà đầu tư Mỹ trở nên bi quan về nền kinh tế sau báo cáo của World Bank. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngày hôm qua tiếp tục giảm xuống còn 3.63% từ mức 3.68% đạt được trong phiên giao dịch hôm thứ hai trong tuần. Cũng trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 tại New York tăng 1.74$ lên mức 69.24$/thùng.
THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU
Những thông tin kinh tế tích cực được công bố trong ngày hôm qua tuy đã góp phần kìm hãm đà giảm điểm của các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Âu, nhưng vẫn chưa đủ lực để hồi phục hoàn toàn niềm tin của giới đầu tư trên Lục địa già. Theo đó, chỉ số Dow Jones Euro Stoxx 50 tuy đã có những thời điểm khởi sắc trở lại nhưng vẫn tiếp tục giảm 0.57% và đóng cửa ở mức 2072.38 điểm. Các chỉ số chứng khoán khác tại châu Âu như như FTSE 100 và CAC 40 đều chịu chung một kịch bản khi đã lần lượt khởi sắc nhưng lại giảm điểm tại thời điểm đóng cửa với mức giảm lần lượt là 0.1% và 0.21%. Riêng chỉ số DAX 30 tại thị trường Đức ngày hôm qua đã tăng nhẹ 0.29%.
Theo thông tin được công bố trong ngày hôm qua, chỉ số manufacturing and service PMI tại châu Âu đã tăng lên 44.4 trong tháng 5 từ mức 44 của tháng 4. Mức đạt được trong tháng 5 là mức cao kỷ lục trong 9 tháng trở lại đây kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ. Theo quan điểm của chúng tôi, các nhà đầu tư cần chú ý rằng, tuy PMI châu Âu gia tăng về mặt tuyệt đối, nhưng đà hồi phục của chỉ số này đã giảm nhiều khi mà PMI tháng 5 so với tháng 4 chỉ tăng 0.9%, nhỏ hơn nhiều so với mức tăng 21.54% của tháng 4 so với tháng 3. Điều nay cho thấy, vẫn chưa có nhiều đảm bảo cho sự hồi phục ổn định và bền vững của kinh tế châu Âu trong thời gian tới và rủi ro thông tin kinh tế kém lạc quan xuất hiện như trong thời gian qua tại Mỹ là rất lớn.
THỊ TRƯỜNG CHÂU Á
Với việc giá cả trên thị trường hàng hóa giao dịch tại New York và sau đó là thị trường chứng khoán Mỹ có khuynh hướng điều chỉnh mạnh sau thông tin được World Bank công bố, thị trường châu Á tiếp tục ngày giao dịch ảm đạm vào hôm qua - thứ ba 23/09/2006 khi mà hầu hết các chỉ số chứng khoán đều giảm khá sâu. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tiếp tục mất 2.82% xuống còn 9549.61, chỉ số Hang Sheng của Hồng Kông giảm 2.89% xuống 17538.37 điểm và chỉ số Topix của Đài Loan giảm 2.25% xuống mức 901.69 điểm.
Cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành dầu khí và khai khoáng tiếp tục dẫn đầu về mức giảm giá khi mà tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục bao trùm lên toàn thị trường châu Á. Theo đó, cổ phiếu các hãng PetroChina, CNOOC và Chinalco đã lần lượt mất đi 4.6%, 4.4% và 7.2% giá trị vào ngày hôm qua. Cổ phiếu của Mitubishi Corp, một tập đoàn đa ngành có quy mô lớn tại Nhật Bản đang có khoản đầu tư khá lớn vào lĩnh vực dầu khí, cũng mất đi 5.5% giá trị. Cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ cao cũng chịu tác động nặng nề trước tâm lý bi quan của giới đầu tư. Theo đó, việc triển vọng kinh tế thế giới bị điều chỉnh giảm đã làm dấy lên mối quan ngại về sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ hàng công nghệ trong thời gian sắp tới, kết quả là trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của các hãng điện tử - công nghệ lớn như Sony và Advantest đã lần lượt mất đi 2.2% và 5.4% giá trị.
Theo quan điểm của chúng tôi, có thể tâm lý chờ đợi sẽ là tâm lý chủ đạo của giới đầu tư tại các thị trường chứng khoán trên thế giới trong phiên giao dịch hôm nay và nhiều khả năng, các chỉ số chứng khoán sẽ ít có biến động. Nói cách khác, đà giảm điểm mạnh có thể sẽ tạm thời không tiếp tục diễn ra trong hôm nay. Khuynh hướng điều chỉnh sâu hay quay đầu phục hồi của các thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của các nhà đầu tư trước thông tin về nhà đất, nhu cầu hàng sản xuất và lãi suất cơ bản sắp được công bố.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|