Chủ tịch PVFC nói gì về “thoái đầu tư” cổ phiếu?
Giá cổ phiếu PVFC đã tăng gần 300% so với đáy của đầu năm 2009, trong khi VN-Index ở thời điểm này so với mức đáy của đầu năm 2009 tăng trên 90%.
Liệu nhà đầu tư có hơi quá kỳ vọng vào kết quả hoạt động của PVFC trong 6 tháng cuối năm không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Tài chính Cổ phần dầu khí (PVFC), khẳng định tin tưởng vào tiềm năng phát triển của PVFC. Nhưng để câu trả lời khách quan hơn, ông cho biết hãy để các nhà phân tích, các nhà đầu tư nhận định.
Trong thời gian gần đây, PVFC cũng công bố việc thoái đầu tư mạnh tại các công ty ngành dầu khí. Liệu những cổ phiếu được chọn để thoái đầu tư lúc này là do không hiệu quả không, thưa ông?
Trước tiên tôi xin được không dùng từ “thoái đầu tư” vì không phù hợp với nguyên tắc đầu tư của PVFC.
Đối với tình hình cơ cấu danh mục đầu tư trong thời gian vừa qua của PVFC, tôi có thể nói như sau: ngay từ những ngày đầu năm 2009, PVFC đã xây dựng các kịch bản thị trường để đưa ra định hướng cho hoạt động đầu tư từng thời kỳ và PVFC đã làm tốt công tác đó.
Ngoài việc chuyển nhượng bớt các cổ phiếu nhỏ lẻ và kém hiệu quả, PVFC cũng đã hiện thực hoá lợi nhuận bằng việc chuyển nhượng một số mã cổ phiếu chủ chốt trong danh mục đồng thời thực hiện các gói đầu tư mới, tăng cường đầu tư vào một số cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh năm 2008 tốt, tỷ lệ cổ tức cao, tính thanh khoản tốt.
Chiến lược đầu tư này PVFC đã và đang triển khai hiệu quả cũng như sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Như vậy, việc bán ra nhiều mã cổ phiếu niêm yết lúc này của PVFC là nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư hay là giảm tỷ trọng đầu tư trên thị trường chứng khoán?
Mục tiêu chính của việc cơ cấu danh mục đầu tư là PVFC muốn chuyển đổi danh mục, tập trung đầu tư vào những danh mục chủ chốt, những doanh nghiệp trong ngành dầu khí và doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có kết quả kinh doanh năm 2008 tốt, tỷ lệ cổ tức cao, tính thanh khoản tốt.
6 tháng, PVFC đã đạt lợi nhuận 400 tỷ đồng, bằng cả mức kế hoạch đặt ra của cả năm 2009. Mức lợi nhuận này chủ yếu đến từ nguồn nào?
Tình hình kinh tế trong nước và thế giới vừa trải qua thời gian suy thoái nặng nề, chính vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch của năm 2009 đã được PVFC tập trung chú trọng ngay từ những ngày đầu năm, đưa ra các giải pháp và đường hướng để thực hiện.
Các mảng hoạt động chính được PVFC tập trung đẩy mạnh là đầu tư, tín dụng và dịch vụ. Trên cơ sở kịch bản thị trường trong từng thời kỳ, PVFC đã đưa ra các phương án cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý vừa hiện thực hoá lợi nhuận, vừa làm nền tảng cho hoạt động đầu tư của các năm tiếp theo.
Đồng thời, PVFC đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của chính phủ (đến ngày 15/6/2009 số dư cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 1.200 tỷ đồng), đẩy mạnh thu xếp vốn và đáp ứng nhu cầu tín dụng của các tổ chức (số dư thực hiện đến 15/6/2009 tăng 3.308 tỷ đồng so với 31/12/2008).
Với sự tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index trong thời gian qua, nhà đầu tư kỳ vọng vào các khoản hoàn nhập dự phòng từ nguồn dự phòng đầu tư tài chính lên tới 1.800 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2008 của PVFC tại thời điểm VN-Index ở mức 315 điểm. Một phần trong số này sẽ đương nhiên là lợi nhuận của năm 2009 khi được hoàn nhập. Cách suy diễn này có đúng không, thưa ông? PVFC sẽ xác định các khoản hoàn nhập dự phòng dựa trên những quy định nào?
Hiện nay PVFC thực hiện theo qui định về trích lập dự phòng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Khoản trích lập này được thể hiện là chi phí trên báo cáo tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của kỳ trích lập.
Ở các kỳ kế toán tiếp theo, khi giá cổ phiếu tăng trở lại so với giá trích lập dự phòng, PVFC sẽ thực hiện hoàn nhập dự phòng và phần hoàn nhập này sẽ ảnh hưởng dương đến kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Với cổ phiếu niêm yết, cơ sở tính giá trích lập là thị giá của cổ phiếu vào ngày cuối kỳ kế toán. Với cổ phiếu OTC, PVFC thực hiện lấy giá tham chiếu từ 3 công ty chứng khoán có uy tín trên thị trường.
Với các cổ phiếu không có giao dịch, PVFC cân nhắc giữa giá vốn của cổ phiếu, giá các giao dịch gần nhất được ghi nhận, và phương pháp chiết khấu dòng tiền trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.
Gần đây, một số nhà đầu tư đã từng ký hợp đồng ủy thác với PVFC và sau đó “bỏ của chạy lấy người” khi thị trường suy giảm, cho biết họ lại được gia hạn hợp đồng ủy thác đầu tư cổ phiếu PVFC. Trong trường hợp những nhà đầu tư đó không chấp nhận việc gia hạn thì rủi ro đến với PVFC thế nào, thưa ông? Theo thống kê của PVFC có bao nhiêu nhà đầu tư từ chối quyền được gia hạn như thế?
Đến thời điểm này, các sản phẩm uỷ thác của PVFC đều đang gia hạn trên cơ sở nhu cầu của số đông khách hàng, việc một số khách hàng từ chối quyền được gia hạn không ảnh hưởng nhiều đến PVFC.
Ở đây đang giả định là khách hàng tự nguyện bỏ quyền gia hạn thì PVFC sẽ như thế nào? Tôi xin được trả lời như sau: những sản phẩm PVFC thực hiện ủy thác đầu tư cũng là khoản đầu tư của PVFC.
Chính vì vậy, khách hàng không đến thực hiện gia hạn sau khi hết hạn PVFC thông báo đồng nghĩa với việc chấp nhận từ chối quyền lợi của bản thân, PVFC sẽ thụ hưởng các quyền lợi liên quan đến số cổ phần đó (như mua cổ phiếu phát hành thêm, cổ phiếu tăng vốn... với mức giá ưu đãi).
Cũng phải nói thêm rằng, tổng giá trị cổ phần mà khách hàng từ chối chỉ dưới 0,5% tổng giá trị đầu tư của PVFC. Do vậy hoạt động này của PVFC vẫn đang ổn định và hiệu quả.
LAN HƯƠNG
TBKTVN
|