Vùng trũng chứng khoán
Dòng tiền chảy vào chứng khoán đã tăng lên và vẫn chưa có dấu hiệu rút ra là nguyên nhân chủ yếu đẩy VN-Index bứt phá trong thời gian qua. Đối diện với sự bứt phá đó, các chủ thể tham gia thị trường đã có những phản ứng và động thái khác nhau. Trong bối cảnh ấy, thị trường sẽ đi về đâu?
Hai trăm ngàn tài khoản mới
Thành viên hội đồng quản trị một công ty chứng khoán cỡ vừa cho biết chỉ trong vòng hai tháng đã có thêm gần 2.000 tài khoản mới của nhà đầu tư, nâng tổng tài khoản lên 4.000. Hầu hết các tài khoản mở xong là được kích hoạt ngay, với số tiền nộp vào bình quân 200-300 triệu đồng. Tài khoản có số tiền nhỏ nhất cũng trên dưới 100 triệu đồng. Viên chức sự nghiệp, những người làm công ăn lương là một trong những đối tượng mở tài khoản đông nhất. Tuy nhiên, 70% giá trị giao dịch hàng ngày của công ty này lại thuộc về những nhà đầu tư cũ do lượng tiền tham gia của họ nhiều. Một số tài khoản có số dư tiền và cổ phiếu khoảng 4-5 tỉ đồng.
Tiền đổ vào chứng khoán từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa hề giảm bớt dù thị trường đã tăng trưởng 117% (tính đến ngày 12-6-2009) kể từ điểm đáy. Lớp nhà đầu tư mới đông hơn về số lượng người, nhưng lớp nhà đầu tư cũ lại chiếm vị trí hàng đầu về giá trị giao dịch. Ngoài số tiền tự có, họ sử dụng đòn bẩy tài chính để tận dụng các cơ hội VN-Index lên xuống. Ở Công ty Chứng khoán Thăng Long có những cá nhân giá trị giao dịch chứng khoán có ngày tới 100 tỉ đồng.
Vào cuối năm ngoái, tổng lượng tài khoản của toàn thị trường khoảng 350.000. Đến nay con số này ước chừng 550.000, tức 200.000 tài khoản mới được mở. Giả sử số tiền bỏ vào mỗi tài khoản mới bình quân 200 triệu đồng, thì đã có thêm 40.000 tỉ đồng đổ vào chứng khoán. Số tiền của giới đầu tư cũ chắc chắn không thể ít hơn thế. Tổng cộng, không dưới 80.000-100.000 tỉ đồng đang lưu chuyển trên thị trường chứng khoán. Chính dòng tiền mới và cũ đã cùng hợp lực, tạo nên những phiên giao dịch với giá trị kỷ lục hơn 3.000 tỉ đồng trên sàn TPHCM. Tính chung giá trị giao dịch cả hai sàn, con số 4.000-5.000 tỉ đồng/ngày đã không còn hiếm.
Tổ chức thay đổi chiến thuật
Vào cuối năm ngoái, tổng lượng tài khoản của toàn thị trường khoảng 350.000. Đến nay con số này ước chừng 550.000, tức 200.000 tài khoản mới được mở. Giả sử số tiền bỏ vào mỗi tài khoản mới bình quân 200 triệu đồng, thì đã có thêm 40.000 tỉ đồng đổ vào chứng khoán. “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ là người khơi mào sự tăng trưởng của thị trường. Họ là người đi trước và các tổ chức “chậm chân” là người theo sau. Sự thận trọng dẫn tới “chậm chân” của các tổ chức cũng dễ hiểu. Nắm giữ số tiền lớn, họ không thể đầu tư như cách của cá nhân” - ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VFM, nhận xét.
Trên thực tế, ở thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3-2009, khi người bán đã chán bán vì giá cổ phiếu quá thấp, còn người mua hồ hởi mua vì giá chứng khoán quá rẻ, tâm lý hồ hởi đã tạo ra sự “bùng nổ” và gây sức ép không nhỏ lên các tổ chức. Các quỹ, công ty chứng khoán, công ty tài chính không thể ngồi yên khi chỉ số VN-Index đã tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, khi đã vào cuộc, các tổ chức có cách riêng của họ, cách lấy lại nhanh chóng những gì họ đã không có bởi tham gia thị trường chậm trễ. Trước hết, họ gia tăng lượng cổ phiếu niêm yết, giảm tỷ lệ cổ phiếu OTC và những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác (private equity). Đồng thời họ luôn giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định. Chẳng hạn quỹ VEIL và VGF của Dragon Capital đã tăng tỷ trọng cổ phiếu niêm yết lên 61% và 54% vào đầu tháng 6-2009.
Bây giờ các tổ chức không chỉ đầu tư lâu dài những cổ phiếu với chỉ số tài chính tốt, mà họ cũng “lướt sóng” với thời hạn T+1, thậm chí T+0. Với khối lượng lớn cổ phiếu nắm giữ cộng với lượng tiền mặt nhiều và trên nền thanh khoản thị trường đang chuyển biến căn bản, chiến thuật “lướt sóng” của họ tỏ ra hiệu quả, giúp họ “gỡ” lại lợi nhuận mà lẽ ra họ có thể có được nếu tham gia thị trường sớm.
Trong năm tháng đầu năm, hai quỹ VF1 và VF4 đã giải ngân 550 tỉ đồng. Cũng thời gian trên, VF1 thanh hoán (bán ra) 250 tỉ đồng, trong đó có cổ phiếu ngành dịch vụ y tế với lợi suất sinh lời 109%. VF4 thanh hoán 219 tỉ đồng và chỉ riêng cổ phiếu tài chính - ngân hàng mang lại lợi nhuận ròng 37,1% cho danh mục đầu tư. Ông Tân không giấu giếm: “Chúng tôi đang tập trung vào cổ phiếu blue-chips và thực hiện mua bán năng động (trading) để giảm giá vốn, tạo thu nhập ròng cho các quỹ”.
Thị trường bắt đầu chứng kiến những cuộc thoái vốn ở các cổ phiếu chủ chốt của tổ chức lớn nhất Dragon Capital. Mới đây các quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra 4 triệu cổ phiếu BT6 (Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới); 6 triệu cổ phiếu VCG (Tổng công ty Vinaconex) và đã đăng ký bán 334.000 cổ phiếu VNM (Vinamilk); 4,7 triệu cổ phiếu CII (Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM), 9,33 triệu chứng chỉ quỹ VF1, 5,33 triệu cổ phiếu REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh). Dragon Capital đã nắm giữ cổ phiếu REE 13 năm liền - một thời gian quá dài - nhưng giờ ngay cả REE họ cũng thoái vốn. Một lần vào đầu năm nay, Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, khi nhìn lại năm 2008, nói lẽ ra Dragon Capital cũng nên thoái bớt vốn, nhưng e ngại vì phải thông báo công khai các giao dịch. Bây giờ hình như Dragon Capital đã vượt qua được sự “e ngại” ấy và sự thoái vốn đã trở nên dễ dàng hơn!
Trò chơi phỏng đoán
Trong một bản báo cáo gửi cổ đông, một quỹ nước ngoài nhận định việc đầu tư vào chứng khoán Việt Nam hiện nay là một trò chơi phỏng đoán (guessing game) sự chuyển động của luồng tiền hơn là trên sự nghiên cứu giá trị và mức tăng trưởng của các doanh nghiệp. Trước mắt luồng tiền vẫn đang dừng chân ở những vùng trũng và một trong những vùng trũng nhất là chứng khoán.
Khi trả lời chất vất của các đại biểu Quốc hội về gói kích cầu ngày 12-6-2009, thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nói: “Chúng tôi mới sử dụng 43% số tiền phát hành mới mà Chính phủ phê duyệt cho năm 2009. Đến nay chúng tôi quản lý rất chặt”. Như vậy sẽ còn 57% số tiền phát hành mới sẽ được sử dụng trong những tháng còn lại của năm. Các doanh nghiệp, trong đó có công ty niêm yết, sẽ được hưởng lợi nhất định từ nguồn tiền này.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán dường như đang nhận được sự ủng hộ của Nhà nước với việc cho phép Vietcombank và sắp tới là Vietinbank niêm yết đặc cách. Bộ Tài chính đã nhận ra rằng thị trường đi lên là động lực tốt nhất cho tiến trình cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp quốc doanh. Thời gian qua việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp tầm cỡ đã bị đình trệ và sự đình trệ có nguy cơ kéo dài nếu chứng khoán không khởi sắc.
Với sự hỗ trợ của hai nhân tố nói trên, VN-Index sẽ còn biến động. Quan trọng là biến động trong bao lâu nữa? Cản trở đà tăng trưởng của chứng khoán sẽ là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lãi suất. Số liệu CPI tháng 6 và sáu tháng đầu năm chuẩn bị được công bố, nhưng lãi suất thì không biết đợi, nó đang tăng. Theo NHNN, tuần trước lãi suất bình quân kỳ hạn một năm bất ngờ nhảy lên 8,37%/năm, tăng tới 1,92%/năm so với tuần trước đó.
Hải Lý
TBKTSG Online
|