Truyền thông và thị trường chứng khoán
Thông tin đã trở thành một lĩnh vực kinh tế vi mô quan trọng. Thông tin giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định hợp lý mang lại lợi ích kinh tế, nhưng thông tin cũng có những mặt trái vì tạo ra thông tin thì dễ nhưng để tin vào thông tin lại rất khó. Thông tin dễ lan truyền rộng rãi nhưng lại rất khó kiểm chứng và kiểm soát về tính xác thực.Thông tin ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán và vì vậy các sản phẩm thông tin đại chúng, truyền thông và báo chí là cấu phần không thể thiếu của thị trường tài chính.
Thị trường cần thông tin khách quan
Chứng khoán được xem là một trong những phát kiến có giá trị bậc nhất của nền kinh tế thị trường. TTCK đại chúng hóa DN lớn giá trị nhiều tỷ đô thành hàng triệu cổ phần nhỏ lẻ. Ngược lại, từng đô la bé nhỏ qua các kênh trên TTCK đã biến thành Cty đại chúng có giá hàng triệu đô. TTCK chia sẻ lợi ích và nhân sức mạnh của nguồn lực. Ngày nay công nghệ và truyền thông phát triển đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư khắp mọi nơi trên trái đất đồng sở hữu một DN mà không bị điều kiện địa lý ngăn cản.
Nhưng sức mạnh của TTCK lại hàm chứa những rủi ro tiềm ẩn mà nguyên do xuất phát từ sự bất cân xứng và không đầy đủ thông tin giữa nhà điều hành với các cổ đông; giữa các cổ đông với các trái chủ và các bên có lợi ích liên quan. TTCK khó có thể phát triển bền vững nếu bất xứng và thiếu vắng thông tin còn là vấn nạn.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2000 nhưng TTCK VN hiện vẫn sơ khai về hạ tầng thông tin công nghệ, nghèo nàn về hàng hóa và thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức tiềm năng. Báo cáo tài chính định kỳ hàng quý được xem là nguồn thông tin có tính pháp lý quý giá nhất để các cổ đông và các nhà đầu tư giám sát và đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Thông tin về môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, về các ngành kinh tế và các dự án đầu tư, các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những hoạt động SXKD của các DN diễn ra hàng ngày nếu thiếu vắng ắt sẽ làm khó cho quá trình ra quyết định. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã và đang làm công việc lấp đầy khoảng trống thông tin này.
TTCK VN đang ngày càng trở nên gắn bó và liên thông mật thiết với thị trướng quốc tế. Hơn một năm qua thế giới đã chứng kiến sự chao đảo của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những tác động của nó đến nền kinh tế và TTCK VN không hề nhỏ. Hàng triệu trang viết về tin tức kinh tế, tài chính thường xuyên được cập nhật; hàng ngàn cuộc trao đổi trên các diễn đàn; Hàng trăm vấn đề và những yêu sách được đưa ra bàn thảo thông qua đa dạng các loại hình thông tin báo chí. Chi phí tìm kiếm thông tin, thẩm định thông tin của nhà đầu tư đã được giảm thiểu nhờ lực lượng truyển thông báo chí hùng hậu chưa từng có từ trước đến giờ.
Nhưng quan trọng hơn là báo chí đưa tiếng nói của nhà đầu tư ra công luận
Đại bộ phận các nhà đầu tư chứng khoán hiện tại là ngắn hạn và nhỏ bé. Luồng thông tin mà họ nhận được từ các DN hay các cơ quan hoạch định chính sách vẫn chỉ là một chiều và hiếm có cơ hội phản hồi. Báo chí và các phương tiện truyền thông là cầu nối nói thay, nói hộ nhà đầu tư những yêu cầu chính đáng mà cơ chế và luật pháp chưa vươn hết. (Những vụ lùm xùm về tự ý trích quỹ trăm tỷ của cổ đông làm từ thiện hay tự ý đòi thu hồi 28 ha đất của cơ quan chủ quản DPM khi đã cổ phần hóa mà không có ý kiến cổ đông nếu báo chí không lên tiếng thì các cổ đông làm sao biết được và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình).
Nhưng tin tức báo chí đôi khi cũng gây không ít phiền toái vì thông tin là lĩnh vực rất đặc thù do tính lan truyền dễ dàng nhưng rất khó kiểm chứng và kiểm soát. Là diễn đàn để các độc giả quan tâm tự do ngôn luận, triết lý báo chí là đưa tin khách quan và trung thực, nhưng điều đó không phải bao giờ cũng đạt được. Tính công khai và đại chúng của thông tin trên báo có thể có những tác động tiêu cực lan truyền nếu người viết có ý thức trục lợi cá nhân mà biên tập rất khó kiểm soát và kiểm chứng. Những tồn tại này là tất yếu vì quyền năng tiếp cận thông tin của báo chí truyền thông là hữu hạn.
Nhìn lại, chưa bao giờ các phương tiện thông tin truyền thông về TTCK lại đua nở rộ như những ngày nay. Nhà đầu tư cảm ơn họ vì có được góc nhìn đa chiều và trung thực hơn về mỗi sự kiện đã, đang và sẽ diễn trong nền kinh tế trong và ngoài nước. Thế nhưng nhu cầu về thông tin tin cậy, kịp thời, đầy đủ và ngày càng đa dạng của thị trường ngày càng cao, đặc biệt là thông tin quốc tế đang là những thách thức lớn cho các phương tiện thông tin truyền thông và báo chí. Tiếc rằng khả năng đáp ứng nhu cầu vẫn còn rất khiêm tốn. Người viết cũng chờ đợi những trang báo chuyên biệt, chuyên sâu ở đó có những cây viết, phân tích, bình luận khách quan và trung thực là điểm tựa cho thị trường. Hy vọng ngày đó không quá xa.
Ông Đỗ Quang Hiển - CT HĐQT Ngân hàng SHB: Lý giải cho độc giả
Thị trường tài chính, chứng khoán đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của nền kinh tế và luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của giới báo chí, truyền thông. Chính vì vậy, báo chí truyền thông đóng vai trò, tác động rất mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, của các cổ đông, mang tính quyết định đối với sự lên, xuống của thị trường tài chính, chứng khoán.
Thực tế có nhiều bài báo, bài phân tích, bình luận, phỏng vấn có nội dung rất hay, sắc sảo, tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài báo có những thông tin chưa thực sự chính xác, thiếu chiều sâu, thiếu cơ sở, nhất là việc đặt ra những câu hỏi, những vấn đề "lửng lơ". Ví dụ như có báo đăng tải “nhà đầu tư cần cẩn thận với những thông tin, một vài thông tin”. Việc cẩn thận về thông tin thì ai cũng biết, nhà đầu tư nào, cổ đông nào cũng thường xuyên quan tâm, ai cũng phải cẩn thận nên cái mà độc giả cần là báo chí phải lý giải được, làm sáng tỏ được vấn đề tại sao lại phải cẩn thận, cẩn thận cái gì, khẳng định được thông tin nào đúng, thông tin nào sai.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank: Lĩnh vực tài chính luôn nhận được sự quan tâm sát sao của báo chí
Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực hết sức quan trọng của nền kinh tế đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hóa cần có hệ thống ngân hàng lành mạnh và an toàn. Để có một hệ thống như vậy, báo chí và truyền thông có ý nghĩa rất lớn.
Trước hết, đó là việc cung cấp thông tin chính xác, trung thực, khách quan để tạo nên sự lành mạnh và minh bạch của hệ thống tài chính. Thứ hai, đó là sự nhanh chóng, cập nhập và kịp thời của thông tin báo chí để tạo điều kiện hệ thống tài chính vận hành được linh hoạt, nhanh nhạy trước những biến động nhanh chóng của thị trường. Mặt khác, tài chính ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong khi đó, một trong những chức năng quan trọng của báo chí là định hướng dư luận xã hội. Do đó, hoạt động báo chí và truyền thông trong nhiều trường hợp đã có cả những tác động thuận và nghịch đối với sự an toàn của lĩnh vực nhạy cảm này.
Gần đây, dễ nhận thấy rất nhiều tin/bài báo phản ánh các vấn đề liên quan đến gói kích cầu của Chính phủ như hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng... Với sự nhập cuộc của báo chí, các chính sách này đã đi vào cuộc sống và được hiện thực hóa một cách nhanh chóng.
Hoàng Xuân Quyến (Chứng khoán Tân Việt)
Diễn đàn Doanh nghiệp
|