Thứ Hai, 22/06/2009 09:09

"Bắt mạch" sức khỏe của các Cty chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường suy giảm vừa qua, đã có lúc rất nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, đứng trước rủi ro cực lớn về khả năng an toàn hoạt động nhưng khách hàng, nhà đầu tư vẫn không hề hay biết.

Cuối tuần qua, UBCKNN đã tổ chức một hội thảo rất quan trọng nhằm lấy ý kiến các CTCK, Cty quản lý quỹ đối với thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn tài chính đối với các tổ chức kinh doanh CK.

Cụ thể hóa các rủi ro thị trường

Trở lại những con số lỗ "khủng khiếp" của rất nhiều CTCK vào cuối năm 2008, có tình trạng những CTCK âm vào vốn đến mức không đủ cả tiêu chuẩn vốn theo quy định để thực hiện cung cấp các dịch vụ như môi giới, tự doanh...

Không chỉ với các CTCK lớn đã niêm yết, với các CTCK mới thành lập hoặc CTCK nhỏ, bức tranh còn xấu hơn do không được thị trường chú ý, thông tin chưa đầy đủ. Thậm chí, đã có trường hợp một CTCK phải chuyển hết tài khoản khách hàng sang một CTCK khác do không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ nữa.

Theo dự thảo mới nhất thông tư hướng dẫn về các tỉ lệ an toàn tài chính và các biện pháp xử lý với các tổ chức kinh doanh CK, nghĩa vụ đảm bảo an toàn tài chính của các Cty được định lượng trên cơ sở xác định 3 loại rủi ro: Rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là rủi ro thị trường vì hầu hết các CTCK đều có nghiệp vụ tự doanh và đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các con số lỗ tới hàng trăm tỉ đồng vì phải trích lập dự phòng.

Mức rủi ro thị trường liên quan đến việc xác định mức lỗ của các tài sản được đầu tư. Đặc biệt, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thế giới, dự thảo mới đã đưa thêm yếu tố hệ số rủi ro thị trường vào công thức xác định. Chẳng hạn, với CP, chứng chỉ quỹ đang niêm yết tại HoSE, hệ số rủi ro là 15% trong khi CP đăng ký giao dịch tại UpCom hệ số rủi ro là 30%, CP Cty đại chúng chưa niêm yết thậm chí có mức rủi ro 100%.

Một điểm mới nữa là mức độ rủi ro còn được tính tăng thêm tùy thuộc vào quy mô và mức độ tập trung của danh mục đầu tư. Nếu CTCK đầu tư từ 5-10% tổng số CK đang lưu hành của một tổ chức thì mức rủi ro sẽ được tính tăng thêm 25%. Nếu đầu tư tới trên 10% tổng số CK lưu hành thì rủi ro tính tăng thêm 50%. Nếu giá trị khoản đầu tư vào một loại CK tính theo giá thị trường chiếm từ 10% trở lên vốn cơ bản (tổng giá trị tiền mặt và tài sản thuộc sở hữu có thể chuyển thành tiền trong vòng 30 ngày) của CTCK thì mức rủi ro cũng được tính thêm 50%. Như vậy nếu hoạt động đầu tư của CTCK càng tập trung vào một DN hoặc tỉ lệ vốn đầu tư so với tổng vốn cơ bản càng cao thì mức rủi ro sẽ càng lớn.

"Ép", hay chuẩn hóa?

Dự thảo thông tư mới có nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng cách tính mới chặt chẽ hơn quy định hiện hành nhưng cũng có nhiều ý kiến đồng tình. Việc cụ thể hóa chặt chẽ cách xác định rủi ro được cho là có phần "ép" CTCK, Cty quản lý quỹ. Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cho rằng quan trọng nhất là thông tư đã kế thừa các chuẩn mực quốc tế về tỉ lệ an toàn tài chính vì trước sau gì Việt Nam cũng phải đi theo các chuẩn này khi mở cửa.

Ông Phạm Ngọc Phú, TGĐ CTCK An Thành cho rằng hoạt động tài chính của các CTCK cực kỳ rủi ro, nếu không có sự quản lý của Nhà nước sẽ dẫn đến đổ vỡ. Tuy nhiên việc gấp rút áp dụng ngay chuẩn mực tính này sẽ gây nhiều khó khăn cho DN vì hiện tình hình tài chính của các CTCK chưa được chuẩn hóa: "Cần có lộ trình để các Cty thanh lý bớt tài sản rủi ro hoặc tăng vốn. Nếu áp dụng ngay tôi sợ rằng tất cả các CTCK đều không đạt tiêu chuẩn".

Đây là vấn đề được các CTCK rất quan tâm vì căn cứ vào các con số định lượng, UBCKNN sẽ quyết định đưa CTCK chưa đạt chuẩn vào diện kiểm soát, thậm chí đình chỉ hoạt động, rút nghiệp vụ, thu hồi giấy phép kinh doanh. Tiêu chuẩn an toàn vốn và những thông tin được công bố công khai sẽ là căn cứ quan trọng để NĐT lựa chọn, đồng thời cũng là động lực cho các CTCK tăng cường hiệu quả hoạt động.

Mặc dù đồng vốn của NĐT mở tài khoản tại một CTCK được đảm bảo an toàn và sẽ có CTCK khác sẵn sàng tiếp nhận lượng khách hàng của một CTCK phá sản. Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng một CTCK yếu kém có thể thu hút được nhiều khách hàng cũng như cung cấp được những dịch vụ chất lượng.

Giải đáp thắc mắc của nhiều CTCK về sự phức tạp của cách tính mới, ông Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng ban Quản lý quỹ (UBCKNN) lại cho rằng thực tế UBCK đã yêu cầu một số Cty tính toán thử và thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, UBCK cũng sẽ cân nhắc một thời gian thử nghiệm nhất định trước khi áp dụng chính thức.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc CTCK Thiên Việt lại cho rằng việc áp dụng chuẩn mực này thực ra là giúp các CTCK tự quản trị chính mình. Tuy nhiên, một mảng trống hiện tại là chưa có những phần mềm và chuẩn mực chung để đồng bộ hóa các báo cáo. Các CTCK sẽ mỗi người một phách và làm theo năng lực của mình và UBCK cũng rất khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý quỹ cũng ghi nhận đây là vấn đề hợp lý cần cân nhắc.

UBCKNN chấn chỉnh một số hoạt động của CTCK

UBCKNN vừa có công văn chấn chỉnh một số hoạt động của các CTCK. Cụ thể, CTCK chỉ được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh đã được cấp phép. Đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác, yêu cầu các CTCK trước khi thực hiện phải báo cáo UBCKNN phương án, quy trình thực hiện, các biện pháp quản trị rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Các Cty phải tuân thủ theo quy định tại khoản 3, Điều 33 Luật CK "Ngoài sở GDCK và TTGDCK, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường GDCK". Gần đây, khá nhiều CTCK đã tự tổ chức sàn giao dịch đối với một số CP chưa niêm yết và làm nảy sinh nhiều tranh chấp.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   Nhà máy thủy điện Sơn La: Đã hoàn thành lắp đặt 25.000 tấn thiết bị cơ khí (21/06/2009)

>   Tập đoàn Hoa Sen tăng trưởng bền vững (21/06/2009)

>   Vùng trũng chứng khoán (20/06/2009)

>   Nhanh và đúng… (20/06/2009)

>   Xác suất thị trường tiếp tục tăng cao là khá thấp (20/06/2009)

>   Giao dịch của cổ đông nội bộ CII, VHG và UIC (20/06/2009)

>   LCG công bố lãi hơn 68 tỷ đồng trong 5 tháng (20/06/2009)

>   SJC xuất khẩu 8,3 tấn vàng (20/06/2009)

>   Kết quả giao dịch của cổ đông nội bộ CII và KHA (20/06/2009)

>   Truyền thông và thị trường chứng khoán (20/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật