Chính phủ Pháp hứa kiểm tra giá ở siêu thị
Cuộc xung đột giữa nhà nông và hệ thống siêu thị ở Pháp bắt đầu từ giữa tuần qua đã có chút le lói ánh sáng cuối đường hầm, sau khi chính phủ, ngày 13-6, hứa sẽ kiểm tra giá bán ở các siêu thị và phạt nặng nếu cần thiết.
Thỏa thuận trên đạt được từ cuộc họp tại Bộ Tài chính gồm các đại diện của Liên đoàn các nghiệp đoàn khai thác nông nghiệp (FNSEA), của Nhà nông trẻ (JA), bộ trưởng nông nghiệp Michel Barnier và quốc vụ khanh phụ trách tiêu dùng Luc Chatel.
Để hỗ trợ cho biện pháp trên, chính phủ sẽ lập ra một “đội kiểm tra đặc nhiệm” gồm các thanh tra và kiểm tra viên của Tổng cục cạnh tranh và tiêu dùng Pháp (DGCCRF). Bộ trưởng nông nghiệp Michel Barnier đề nghị cần phải có những bước tiến về chuyện công khai giá và mức lãi của hệ thống siêu thị sau khi trước đó, nông dân cho rằng thu nhập của họ bị giảm mạnh là do các nhà phân phối lãi quá cao và không phải chịu rủi ro như họ. Chẳng hạn trong tháng 3 vừa qua, người chăn nuôi heo đã thả heo tại một lò mổ để phản đối việc bán heo hơi bán có giá hơn 1 euro/kg, trong khi thịt heo chế biến sẵn bán cho người tiêu dùng tại siêu thị giá cao gấp 5 lần.
Ngày 12-6, khoảng 7.000 nông dân đã phong tỏa 41 trung tâm cung ứng hàng của các siêu thị. Một số nơi giương biểu ngữ “Không có đất nước nào mà không có nông dân”. Cho đến cuối buổi sáng ngày 13-6, chỉ còn khoảng hai chục địa điểm bị phong tỏa sau khi có thông tin trên. Tuy nhiên, xung đột vẫn còn khi bộ trưởng nông nghiệp cho rằng chuyện công khai giá và mức lãi của siêu thị chưa đi đến đâu. “Trong vài tuần tới, rõ ràng cần phải đạt được những bước tiến về thực tế giá cả”, ông Barnier nói.
Không hẳn ai cũng đồng tình việc nông dân phong tỏa các trung tâm cung ứng hàng của siêu thị để gây sức ép, nhưng nhiều người ủng hộ cuộc đấu tranh chống lại lợi nhuận quá cao của các siêu thị. Các báo cáo và thông tin trong những năm gần đây cho thấy mức lợi nhuận của siêu thị đã tăng từ 15 lên 23 hoặc 25%, trong khi thu nhập của nông dân vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí tụt giảm. “Không thể tiếp tục bắt nông dân giảm giá thành sản xuất, trong khi các siêu thị cứ tăng giá bán và luôn đạt lợi nhuận cao hơn”, nghị sĩ Jean-Paul Charié trả lời phỏng vấn của L’Expansion.
Theo Luật hiện đại hóa kinh tế (LME) của Pháp, nhà sản xuất và phân phối được tự do thương lượng. Luật LME cho phép các bên tham gia thỏa thuận về khối lượng, giá cả và thời hạn hợp đồng, nhưng bấy lâu nay nhà sản xuất thường gánh chịu phần thiệt hại do bị ép giá mua. Và đó là trường hợp xung đột giữa nông dân và siêu thị hiện nay. Ông Charié cũng cho rằng rất khó hy vọng chuyện công khai mức lời trên mỗi mặt hàng thực phẩm. “Các siêu thị phải chứng tỏ thiện chí của mình, không được bảo rằng không tăng mức lời trong khi người ta có bằng chứng là họ làm như thế”, ông nói.
Bấy lâu nay, các nhà sản xuất sữa, thịt, rau quả lệ thuộc hoàn toàn vào các nhà phân phối khi gần như 100% sản phẩm làm ra đều phải thông qua hệ thống này. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng sữa, một số đang nghĩ đến việc bán trực tiếp một phần sản phẩm đến người tiêu dùng, dù chỉ là 5% sản lượng. Việc bán trực tiếp khiến nhà sản xuất sẽ phải đầu tư nhiều hơn, chẳng hạn mua máy bán sữa tự động đặt tại trang trại hoặc giao hàng tận nhà, hoặc mở cửa hàng. Theo Viện quốc gia nghiên cứu nông học Pháp, dù hình thức bán trực tiếp vẫn còn thấp về khối lượng, nhưng nó rất đa dạng, chủ yếu là từ sáng kiến của người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm địa phương.
TBKTSG
|