Chủ Nhật, 14/06/2009 16:59

Chạy đua bào chế văcxin cúm 

Chỉ một ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch toàn cầu, một số hãng dược đã thông báo bào chế xong văcxin phòng căn bệnh đang khiến toàn cầu lo ngại. Đằng sau niềm vui cũng là nỗi hoài nghi về cuộc chạy đua bào chế văcxin.

Ngày 12-6, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Novartis của Thụy Sĩ cho biết đã có trong tay 10 lít văcxin dùng cho thử nghiệm lâm sàng trong vài tuần tới. Trong khi đó Công ty Baxter International (Mỹ) nói văcxin cúm của hãng có thể sẽ được bán ra thị trường vào tháng 7. Các nhà chuyên môn cho biết trong mười ngày tới sẽ có thêm một số tập đoàn dược hàng đầu khác thông báo về việc bào chế sản phẩm văcxin phòng chống cúm A/H1N1 của mình.

Virus hoành hành, ngành dược lên ngôi

Đã có một cuộc chạy đua thật sự giữa các tổ hợp dược để sản xuất văcxin kể từ khi họ được cung cấp các mẫu virus cúm A/H1N1 trong tháng năm vừa qua. Theo Reuters, văcxin của Novartis và Baxter đều được chế tạo dựa trên công nghệ tế bào, cho phép rút ngắn thời gian sản xuất và phân phối so với sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Trước đây, việc bào chế văcxin chủ yếu từ lòng trắng trứng gà.

Nhu cầu văcxin cúm A/H1N1 đang tăng đặc biệt sau tuyên bố đại dịch toàn cầu đầu tiên trong thế kỷ 21 của WHO. Đến nay gần 30.000 người đã được phát hiện nhiễm cúm trên 74 quốc gia, trong đó 145 trường hợp thiệt mạng. Theo ước tính của WHO, trong trường hợp khả quan nhất thế giới có thể sản xuất được 4,9 tỉ liều mỗi năm. Song con số này vẫn chưa đủ khi có hơn 6,5 tỉ người cần được bảo vệ, chưa tính khả năng mỗi người phải cần hai liều để củng cố sự miễn dịch.

Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu nhiều công ty liên quan phòng chống cúm cất cánh như diều gặp gió! Cổ phiếu của Hãng Roche (Thụy Sĩ) nhích lên hơn 3%, từ hệ quả của việc gia tăng lượng thuốc Tamiflu bán ra. Tại Pháp, cổ phiếu Sanofi-Aventis lấy thêm được 1,29% trị giá và dự kiến mức gia tăng ít nhất là 7% lợi nhuận từ cổ phiếu; còn Sperian Protection cảm thấy “khuây khỏa” nhất trên thị trường Paris khi giá cổ phiếu của nhà cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân đứng đầu thế giới này đã tăng thêm 16,64%.

Công ty Medicago của Canada cũng tự tin sẽ có tiếng nói trong thị trường bào chế văcxin nhờ giải pháp sử dụng mã di truyền trên những cây thuốc lá được mã hóa trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này rút ngắn thời gian bào chế văcxin xuống chỉ còn một tháng. Khi bị tấn công sinh học, các cây thuốc lá này sẽ tự nhiên tiết ra một chất bảo vệ được gọi là các phân tử virus giả. Các phân tử này sẽ được trích ra rồi cấy vào một loại văcxin. Người ta đánh giá “thị trường cúm” có thể sẽ mang về cho Medicago 100 triệu USD trong vòng ba năm, một khi dây chuyền sản xuất văcxin mới này đi vào hoạt động và được các cơ quan chức năng cấp giấy phép.

Kinh doanh trên nỗi sợ

Tập đoàn Novartis khẳng định đã nhận được đơn đặt hàng từ hơn 30 quốc gia ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ và họ sẽ đủ khả năng sản xuất 1 triệu liều mỗi tuần. Người phát ngôn của Novartis cho hay hãng sẽ bắt đầu cung cấp chính thức văcxin sau hai hoặc ba tháng thử nghiệm lâm sàng trong khi văcxin của Baxter đang chờ phê duyệt để đi vào sản xuất. Ngoài ra, các hãng dược khác của châu Âu như Sanofi-Aventis, GlaxoSmithKline và Solvay đều đang cố gắng bào chế xong văcxin trước khi mùa cúm bắt đầu ở Bắc bán cầu.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Mỹ cũng đã đặt hàng với Sanofi Pasteur, chi nhánh chuyên sản xuất văcxin của Tập đoàn dược Sanofi-Aventis của Pháp, đơn hàng lên đến 190 triệu USD. Hôm 11-6, tập đoàn này đã kịp tung ra thông cáo báo chí cho biết “sẵn sàng tập trung nguồn lực để hỗ trợ những nỗ lực của giới y tế cộng đồng nhằm đối phó với khả năng bùng phát dịch cúm A mới”. Như thể khẳng định mình là đơn vị sản xuất văcxin phòng chống cúm hàng đầu thế giới, Sanofi Pasteur cũng tuyên bố đang làm việc cật lực để “có thể sản xuất số lượng văcxin lớn nhất trong thời hạn ngắn nhất”.

Tập đoàn dược GlaxoSmithKline (GSK) hôm 12-6 cũng cho biết việc sản xuất văcxin đại trà sẽ mất khoảng bốn đến sáu tháng và tập đoàn này sẵn sàng thay đổi cam kết tặng WHO 50 triệu liều văcxin phòng cúm H5N1 bằng các liều văcxin phòng cúm A/H1N1.

Nhu cầu có vẻ tăng nhanh chóng mặt khi cả thế giới sợ hãi trước nguy cơ dịch cúm A/H1N1 lây lan. Tuy vậy, giáo sư Marie-Paule Kieny, giám đốc phụ trách nghiên cứu văcxin của WHO, cho biết tổ chức này sẽ không yêu cầu các nước phải tổ chức tiêm phòng đại trà cho dân chúng dù mức cảnh báo của WHO đã được nâng lên cao nhất. “Chúng tôi cho rằng khả năng sản xuất của các hãng dược là 60-95 triệu liều văcxin mỗi tuần. Vậy nên khả năng tiêm phòng đại trà chỉ có thể được tính đến từ năm 2013”.

Thậm chí WHO còn lo ngại khả năng nhiều nước giàu sẽ dùng nguồn lực tài chính đặt mua hết lượng văcxin sản xuất trong thời gian đầu để dự trữ, bất chấp tình cảnh của các nước nghèo. Theo tính toán của nhà dịch tễ học Antoine Flahault của Pháp, các mô hình mô phỏng cho biết chỉ cần tiêm chủng khoảng 30% dân số toàn cầu là có thể ngăn chặn được đại dịch. Vấn đề là nguồn văcxin phải được phân bổ hợp lý.

Nguyễn Quân - Trần Phương

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Liên minh châu Âu phê chuẩn kế hoạch cứu trợ ngân hàng (14/06/2009)

>   Sự thật kinh ngạc về Bill Gates (14/06/2009)

>   G-8 thận trọng về viễn cảnh kinh tế toàn cầu (14/06/2009)

>   Thành phố Bắc Kinh đắt đỏ hơn Hongkong (14/06/2009)

>   Nga: Đường sắt xuyên Á đóng vai trò quan trọng (14/06/2009)

>   Wall St. tuần tới: Trông chờ số liệu nhà ở, CPI và PPI (13/06/2009)

>   Sắp tới thời của khủng hoảng nợ công? (13/06/2009)

>   Giá dầu tăng bất chấp nguồn cung thừa (13/06/2009)

>   TQ bị kiện vì hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô (13/06/2009)

>   Quản lý kiến thức một cách khôn ngoan (13/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật