Thứ Hai, 11/05/2009 11:47

Công ty chứng khoán tìm lại được “giá trị thương hiệu”

Có thể nói, trong các ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh chứng khoán được xem là khá non trẻ tại Việt Nam trong khi lại đang nắm giữ một khối lượng tài sản khổng lồ của cả xã hội. Có những lúc nhiều người nghĩ rằng các CTCK sẽ đua nhau “chết non” nhưng đến nay, khi TTCK nóng trở lại, người ta lại nhìn thấy những công ty này hồi sinh và đang tìm lại cái gọi là “giá trị thương hiệu” của mình.

CTCK có giá trị thương hiệu như thế nào?

Giá trị thương hiệu là một khái niệm có từ lâu đời nhưng chỉ định hình và được quan tâm thật sự trong khoảng hơn chục năm nay tại Việt Nam. Giá trị thương hiệu sẽ được hình thành theo thời gian dựa vào uy tín, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chứng khoán, công ty lâu đời nhất cũng có tuổi thọ chưa đến 10 năm, thật khó để nói các công ty này có giá trị thương hiệu đủ lâu năm để so ngang với những tên tuổi trong các ngành khác như Vinamilk, ACB, Sacombank, SJC, FPT, Đạm Phú Mỹ, Kinh Đô, Pinaco… Tuy nhiên, nếu hỏi các công ty chứng khoán (CTCK) này có giá trị thương hiệu như thế nào, tôi khẳng định là “rất lớn!”. Vì sao?

Những công ty chứng khoán ra đời đầu tiên hầu hết đều gắn liền với thương hiệu của các ngân hàng, tập đoàn lớn. Điển hình như CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS)… Trong số các công ty không thuộc ngân hàng thì đã có CTCK Sài Gòn (SSI) nay trở thành CTCK lớn mạnh và quy mô nhất tại Việt Nam. Hẳn nhiên giá trị thương hiệu của họ phải có và phải lớn.

Ngoài ra, theo thống kê của tôi, tính đến ngày 8/5/2009, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là gần 270 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 15 tỷ USD, bằng khoảng 18% GDP cả nước 2008. Trong đó, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), hiện có 178 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết tổng khối lượng gần 6,2 tỷ đơn vị tương ứng giá trị niêm yết hơn 61.964 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn quy đổi (vốn hóa) của số chứng khoán này trị giá hơn 206.225 tỷ đồng. Tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), khối lượng đăng ký giao dịch của 182 mã cổ phiếu tại đây gần 2,6 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị niêm yết hơn 25.875 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của sàn này đạt 62.147 tỷ đồng. Đó là chưa kể 15.073 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đang giao dịch tại HOSE và 164.603 tỷ đồng trái phiếu niêm yết tại HASTC. Tổng khối lượng giao dịch trên hiện nằm trong “quyền” quản lý và giao dịch của chỉ khoảng 100 CTCK đang hoạt động. Nhà đầu tư còn có thể xoay vòng mua bán và nâng giá trị giao dịch lên gấp nhiều lần các con số trên. Điều đó đảm bảo cho các CTCK vững mạnh có thể “sống no”, “sống đủ”… Giá trị của họ vì vậy khá ổn định và to lớn dần theo quy mô thị trường sắp tới.

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), ủy ban này đã cấp phép cho 102 CTCK với tổng quy mô vốn điều lệ lên đến 21.470 tỷ đồng. Những công ty lớn như SSI, ACBS, CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) có vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng mỗi công ty. Có thể nói, chỉ ngoài các ngành vẫn do Chính phủ quản lý chặt như xăng dầu, ngân hàng, viễn thông, thì với tổng quy mô vốn điều lệ hàng tỷ USD như trên, chứng khoán đã vươn lên trở thành một trong những ngành lớn nhất của nền kinh tế. Đó là chưa kể các CTCK làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, quản lý hàng trăm ngàn tài khoản đăng ký và các thương hiệu của họ vì thế được nhiều người biết đến hơn cả những doanh nghiệp kinh doanh vài chục năm thông thường.

Tìm lại giá trị bị “quên lãng”…

Khi TTCK suy sụp năm 2007 đến 2009, nhiều người không mặn mà muốn nhắc đến quy mô của các CTCK. Hơn thế nữa, nhiều thông tin đồn đại về phá sản của CTCK này, CTCK nọ khi nhận thức rõ hầu như các CTCK này chắc chắn lỗ trước diễn biến tệ hại của TTCK. Thua lỗ có, sang nhượng vốn cổ phần có, bán cho đối tác nước ngoài có, ngừng việc thành lập mới có, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào về một CTCK hoạt động thua lỗ phải đăng ký phá sản. Các CTCK đã sống, đang sống trong sự “quên lãng” của nhà đầu tư, khách hàng về giá trị của chính họ. Điều gì đã bị bỏ quên?

Trước tiên, nhà đầu tư đã quên chính những quy mô vốn, quy mô thị trường mà các CTCK này đang có. Như những con số thống kê nêu trên, doanh số của các CTCK mạnh có thể lên đến vài ngàn tỷ đồng, ngang bằng những tập đoàn lớn trong nước. Một khi TTCK còn có thể phát triển, các CTCK sẽ còn ăn nên làm ra. Và như nhiều chuyên gia kinh tế phân tích gần đây, nền kinh tế có thể đã vượt khỏi đáy suy thoái nên viễn ảnh về chu kỳ lao dốc không phanh của TTCK cũng như thua lỗ triền miên của các CTCK khó tái diễn lại như trước.

Kế đó, những CTCK có ngân hàng, tập đoàn lớn phía sau vẫn luôn phát triển rất ổn định suốt thời gian TTCK khủng hoảng vừa qua. ACBS, SBS đều có những lúc kết hợp với ngân hàng tung ra lượng tiền lớn vài trăm tỷ đồng cho vay, tạo tính thanh khoản cho thị trường niêm yết, thị trường OTC ngay trong thời điểm khó khăn. Nhiều CTCK còn trực thuộc 100% vốn bởi ngân hàng hoặc vừa bán ra khối lượng khá nhỏ cho thấy các ngân hàng vẫn “giữ kỹ” miếng bánh này dù có lúc cảm thấy “khó nhai”. Giá trị của các CTCK này vì vậy khá “bền” theo giá trị của các ngân hàng mà khó ai có thể phủ nhận như Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank…

Ngay cả những CTCK gặp khó khăn, hoặc có lúc bị xem là không có hướng phát triển, thì việc sang nhượng vốn cổ phần cho các đối tác nước ngoài vẫn mang lại những giá trị tăng đáng kể. Hiện đã có những cái tên như CTCK Kenanga Việt Nam, CTCK Kim Eng Việt Nam, CTCK Mirae Asset, CTCK Standard, CTCK Saigonbank Berjaya, CTCK Morgan Stanley Hướng Việt… đã có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tối đa cho phép (room 49%). Mức room này ngay cả nhiều công ty, tập đoàn lớn khi niêm yết lên TTCK đều mong và “thèm” muốn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cũng không đạt được. Các CTCK chính là biểu trưng cho việc hấp thụ vốn ngoại một cách dễ dàng và nhanh nhất, kèm theo đó chính là việc tậm dụng luôn những giá trị thương hiệu mà các đối tác nước ngoài đang có. Điều mà khi liên tưởng đến, tôi thấy “đau” trước việc tên tuổi hàng chục năm của hãng hàng không Pacific Airlines bị Jetstar “nuốt” mất, thì trong lĩnh vực chứng khoán, các CTCK áp dụng lại đến sự thay đổi thật sự có lợi.

Nếu giá trị của các CTCK vẫn còn và có xu hướng tăng lên theo thời gian như tôi đã nêu, tôi tin rằng các CTCK đã và đang trên còn đường tìm lại “giá trị thương hiệu” của mình. Không ngẫu nhiên mà trong 2 tháng qua khi TTCK hồi sinh, chính các cổ phiếu ngành chứng khoán gồm SSI, BVS, KLS, HPC mới là những mã tăng giá mạnh nhất trên thị trường. Nhà đầu tư có lẽ cũng hiểu, giá trị của các CTCK này sẽ hồi phục nhanh nhất khi nền kinh tế phục hồi. Và bây giờ, người ta chỉ ngầm hỏi, các CTCK sẽ tự làm gì để lấy lại những gì thuộc về mình và cạnh tranh với chính các đối thủ cùng ngành? Có lẽ tôi sẽ nêu với các bạn vào một bài viết sau, thời điểm mà các bạn đã hiểu rằng CTCK đã thực sự tìm lại được cái gọi là “giá trị thương hiệu” của chính họ…

Tường Châu

Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Chứng khoán - kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2009? (11/05/2009)

>   Có 18% xác suất VN-Index trên 400 điểm (11/05/2009)

>   Tâm lý đầu tư đang được cải thiện (11/05/2009)

>   TS4 đã thu 40 tỷ đồng tiền bán chung cư Orient Apartment (11/05/2009)

>   Đầu tư vào cuộc? (10/05/2009)

>   TTCK: Những bài học đắt giá từ Đài Loan (09/05/2009)

>   SDA: Báo cáo thường niên năm 2008 (29/04/2009)

>   SJM: Báo cáo thường niên năm 2008 (29/04/2009)

>   SNG: Báo cáo thường niên năm 2008 (06/05/2009)

>   CTC: Báo cáo thường niên năm 2008 (28/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật