Thứ Sáu, 17/04/2009 10:00

Thêm nhiều doanh nghiệp báo cáo lãi thành lỗ

Hàng chục Cty niêm yết trên cả hai sàn CK đã công bố báo cáo tài chính năm 2008 được kiểm toán. Không nằm ngoài dự đoán, đi kèm với các báo cáo này là hàng chục tờ giải trình sai lệch số liệu.

Lại thêm những trường hợp DN đang lãi biến thành lỗ, có DN suýt "cụt" lãi, DN đã báo cáo lỗ, giờ lỗ nặng thêm và số DN chênh lệch số liệu "chút đỉnh" thì khá nhiều.

Thị trường vẫn phớt lờ?

Sau trường hợp lãi thành lỗ đầu tiên do kiểm toán của MPC, thị trường lại đón nhận tiếp các thông tin tương tự.

Mới đây nhất là trường hợp của KDC, từ mức lãi 142,3 tỉ đồng biến thành lỗ 61,7 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng không có gì mới: Lại là khác biệt giữa kế toán với kiểm toán về khoản trích lập dự phòng giảm giá với các loại CK đầu tư. Khoản chênh lệch 203 tỉ đồng đó là do Cty kiểm toán thực hiện trích lập dự phòng đầu tư CK dài hạn.NKD, từ mức lãi trước thuế 48,36 tỉ đồng cũng tụt xuống chỉ còn 1,52 tỉ đồng.

Nguyên nhân là báo cáo tài chính quý IV không trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn đã được phép giao dịch trong khi kiểm toán tính khoản này tới gần 44,6 tỉ đồng. Cty mía đường Lam Sơn (LSS) sau kiểm toán cũng "bay" mất cỡ 22 tỉ đồng khiến lợi nhuận sau thuế giảm từ 95 tỉ đồng xuống còn 72 tỉ đồng. LSS cũng bị tăng chi phí trích lập dự phòng.

Không chỉ tăng chi phí do dự phòng đầu tư tài chính, cũng có một số DN lỗ thêm do thực hiện các trích lập dự phòng khác. Chẳng hạn, TLT sau kiểm toán đã lỗ thêm 27,3 tỉ đồng, nâng tổng lỗ từ 69 tỉ đồng lên 96,3 tỉ đồng.

Không liên quan nhiều đến đầu tư tài chính, LTL trích lập chủ yếu liên quan đến hoạt động chính như dự phòng phải thu nợ khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trợ cấp mất việc làm, tăng chi phí khấu hao cố định, chi phí vận chuyển... NTL bị kiểm toán giảm lợi nhuận sau thuế từ 98,73 tỉ đồng xuống 61,81 tỉ đồng do phải điều chỉnh giảm hàng loạt các khoản mục.

Việc chênh lệch số liệu tài chính sau kiểm toán được dự báo từ trước do "khoảng mờ" về trích lập dự phòng. Đa số DN lỗ do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, cùng với sự khởi sắc của thị trường chung, làn sóng săn tìm các CP của DN lỗ do đầu tư tài chính lại lên hương. Từ kỳ vọng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận quý I/2009, giá CK bị đẩy lên theo dòng tiền đầu cơ. Một số mã đã tăng rất lớn phải kể đến như REE: 126,6%, KDC: 68%, NKD: 61%, LSS: 22%...

Tuy nhiên, từ việc sai lệch số liệu như vậy cần đặt ra câu hỏi, liệu độ tin cậy của báo cáo tài chính quý I/2009 sẽ chính xác đến đâu? Mặt khác, phần nhiều CP của DN hoạt động kém vẫn tăng giá là do ảnh hưởng của xu hướng chung lẫn hoạt động đầu cơ ngắn hạn. Do đó những CP này có độ rủi ro cao.

Đó là chưa kể đến việc điều chỉnh giảm lãi có thể ảnh hưởng đến các quyết định phân phối lợi nhuận như chia cổ tức (nếu DN chưa thực hiện) hay kế hoạch mua lại CP quỹ.

Loay hoay chuyện kiểm soát

Câu chuyện CP lỗ bị đưa vào diện kiểm soát hiện đã không còn được thị trường quan tâm nhiều. Nguyên nhân có lẽ một phần là cứ CP bị kiểm soát là giá lại tăng. Tuy nhiên, một phần khác là đa số DN lỗ do trích lập dự phòng đầu tư tài chính - khoản trích lập có thể được hoàn lại theo diễn biến thị trường.

Bên cạnh đó, cũng có DN bị lỗ do hoạt động sản xuất chính có vấn đề. Như vậy, chuyện lỗ cũng có nhiều loại và khó có thể đánh đồng như hiện tại. Thực tế chuyện CP bị kiểm soát đã được NĐT đánh giá thực chất hơn nhưng rõ ràng với DN, vẫn có cảm giác bị đánh đồng với DN thực sự "đáng" bị kiểm soát.

Mới đây, UBCKNN đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc yêu cầu Sở GDCK TPHCM (HoSE) và TTGDCK HN (HaSTC) sửa đổi quy chế niêm yết với các nội dung liên quan đến "CP bị kiểm soát" theo hướng phân loại theo cấp độ giám sát (cảnh báo, kiểm soát...) cũng như cụ thể hóa điều kiện đưa CP ra khỏi danh sách này.

Ngày 15.4, HaSTC đã có quyết định sửa đổi quy chế niêm yết tại đây về CK bị đưa vào diện kiểm soát. Tuy nhiên, sửa đổi chính cũng mới là thêm khái niệm "cảnh báo" bên cạnh "kiểm soát".

Thực tế việc xây dựng các tiêu chí để xác định thế nào là một CK thuộc diện phải "cảnh báo" hay "kiểm soát" để cụ thể hóa trong văn bản cần có thời gian. Hiện cả hai quy chế niêm yết của HoSE và HaSTC đều khá sơ sài. Chẳng hạn hiện giao dịch của BBT bị trong diện kiểm soát "ngặt" nhất sàn HoSE: CP này chỉ được giao dịch trong phiên đóng cửa. Tuy nhiên vẫn chưa rõ tiêu chí thế nào để hạn chế giao dịch với BBT như vậy dù theo lý giải của HoSE, việc hạn chế giao dịch này là nhằm ngăn DN bị thâu tóm.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó GĐ HaSTC, việc phân loại theo cấp độ giám sát, thế nào bị đưa vào dạng cảnh báo, thế nào là kiểm soát, kiểm soát hoạt động gì trong giao dịch một loại CK là không dễ để lượng hóa. Chẳng hạn kiểm soát giao dịch với một CK có thể là kiểm soát về mặt thời gian giao dịch (ví dụ giới hạn thời gian giao dịch), kiểm soát về khối lượng (không cho phép các giao dịch lô lớn...). Những biện pháp đó cần thời gian để xem xét kỹ lưỡng.

Mặt khác, có tiêu chí để đưa CK vào diện cảnh báo/kiểm soát thì cũng cần có tiêu chí để "giải phóng" CK đó. Chẳng hạn, hiện cứ DN bị lỗ cả năm là bị kiểm soát và theo quy định hiện tại, phải chờ DN lãi năm sau thì mới được đưa ra khỏi danh sách. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thời buổi khó khăn, DN lỗ là bình thường, chỉ cần DN lãi quý sau là có thể xem xét "giải phóng" sớm. Đây cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Nguyễn Hoàng

Lao Động

Các tin tức khác

>   SSS: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (16/04/2009)

>   Lệch lạc dòng vốn ? (17/04/2009)

>   Thuduc House: Quốc tế hóa về vốn, địa bàn đầu tư (17/04/2009)

>   IFS: Xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán 2008 (15/04/2009)

>   HSG: Giao dich cổ phiếu của cổ đông nội bộ (15/04/2009)

>   Quý 1/2009, PPC đạt gần 284 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (16/04/2009)

>   Cổ phiếu đầu tiên ra khỏi diện kiểm soát (16/04/2009)

>   SJ1: Chuyển niêm yết ra TTGDCK Hà Nội (16/04/2009)

>   VCC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2008 (16/04/2009)

>   SDC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2009 (16/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật