Thứ Năm, 09/04/2009 13:31

Sức “bật”của TTCK có bền vững?

Đây là câu hỏi mà nhiều NĐT đặt ra khi TTCK toàn cầu có hơn một tháng tăng điểm rất ấn tượng. TTCK Việt Nam cũng hòa chung niềm vui khi đã có sự gia tăng mạnh mẽ làm nức lòng giới đầu tư. Để trả lời trọn vẹn câu hỏi này là điều không dễ dàng, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đánh giá “sức khỏe” của TTCK thông qua “sức khỏe” của nền kinh tế.

Tín hiệu khả quan…

TTCK toàn cầu tăng điểm hơn một tháng nay được lý giải bằng nhiều thông tin tích cực như các chỉ tiêu kinh tế được công bố khả quan, cộng với những nỗ lực không ngừng của các quốc gia, mà gần đây nhất là những cam kết của nhóm G20, nhằm đưa kinh tế thế giới sớm ra khỏi khủng hoảng. Chỉ tiêu kinh tế của những nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu như doanh số bán xe tháng 3 của Mỹ tăng hơn so với tháng trước, niềm tin tiêu dùng, đơn đặt hàng công nghiệp, các chỉ số về sản xuất, dịch vụ... được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, thị trường nhà đất, nơi được xem là bắt nguồn của cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng ấm lên. Giá nhà nhiều nơi tại Mỹ, châu Âu, Úc và cả Việt Nam đều tăng, cũng góp phần hỗ trợ TTCK tăng điểm.

… và những nỗi lo

TTCK hồi phục dù chỉ mới là trong ngắn hạn cũng đã làm niềm tin phần nào trở lại với NĐT và hy vọng nền kinh tế sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả những chỉ báo kinh tế khả quan cũng tồn tại nhiều vấn đề, biện pháp kích cầu của các quốc gia chưa mang lại nhiều hiệu quả và số liệu từ các chỉ tiêu quan trọng khác như lao động hay năng lượng đều không được cải thiện mà diễn biến ngày càng xấu hơn.

Những công bố mới nhất trên thị trường lao động như tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 3 được công bố bởi Bộ Lao động đã tăng lên mức 8,5%, mức cao nhất trong vòng 25 năm (kể từ năm 1983), từ mức 8,1% hồi tháng trước. Kể từ đầu năm đến nay, nước Mỹ đã mất thêm khoảng 2 triệu việc làm trong tổng số hơn 5 triệu việc làm bị mất kể từ khi suy thoái kinh tế bắt đầu từ tháng 12/2007, mức sụt giảm mạnh nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đó là chưa kể nhiều chuyên gia dự báo, nếu hãng xe hơi lớn nhất của Mỹ là GM bị phá sản sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác và thêm khoảng 1 triệu người mất việc làm, khi đó sẽ đưa tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức 2 con số là 11%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực châu Âu (Eurozone) cũng tăng lên 8,5% trong tháng 3 từ mức 8,3% của tháng trước (số liệu đã được điều chỉnh) cho thấy, thị trường lao động của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều rất tồi tệ.

Ngoài ra, số liệu dự trữ năng lượng như dầu thô, xăng, khí đốt tăng mạnh cho thấy, nhu cầu sử dụng năng lượng của nền kinh tế tiếp tục sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu kinh tế và TTCK.

Ngoài ra, một số chỉ báo cho tín hiệu khả quan vẫn chưa thể hiện rõ được sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Cụ thể, doanh số bán xe trong tháng 3 của Mỹ tăng, nhưng thấp hơn đến 41% so với cùng kỳ năm 2008. Các chỉ số sản xuất, dịch vụ tuy có được cải thiện nhưng vẫn dưới 50 điểm, nghĩa là ngành sản xuất, dịch vụ vẫn còn tăng trưởng âm…

Đặc biệt, số liệu từ thị trường nhà đất của các nền kinh tế lớn tuy có ấm lên nhưng cũng đáng lo ngại. Bởi vì, một khi các dòng tiền được đưa ra để kích cầu không đi đúng hướng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế, mà chảy ngược lại vào thị trường nhà đất, vào các dự án kém hiệu quả cộng thêm đầu cơ chứng khoán, vàng thì hậu quả sẽ rất tồi tệ. Tiền đưa vào nền kinh tế ngày càng nhiều cùng với sự đi lên của giá vàng, chứng khoán và ấm lên của nhà đất cho thấy những tín hiệu của sự lệch lạc dòng vốn. Như vậy, việc TTCK gia tăng sẽ thiếu tính bền vững và dễ bị tổn thương khi các hoạt động chốt lời diễn ra.

Sức “bật” của TTCK Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập với kinh tế quốc tế. TTCK Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ TTCK thế giới, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không chừa bất kỳ quốc gia nào. Với việc toàn thế giới đang rơi vào suy thoái thì “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, hàng tồn kho tại DN tăng, thời gian thanh toán hàng hóa bị kéo dài, bảo hộ mậu dịch gây rủi ro cho DN, việc kiện bán phá giá hàng Việt Nam liên tục diễn ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm, người lao động thất nghiệp trong nước và cả người lao động thất nghiệp từ nước ngoài trở về ngày càng tăng cao. Những điều này cho thấy diễn biến của nền kinh tế còn nhiều vấn đề đáng ngại và như thế TTCK, nơi được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, khó mà tăng trưởng vững chắc.

Sức “bật” của TTCK chỉ bền vững một khi nền kinh tế khỏe mạnh và dòng tiền từ những gói kích cầu, của NĐT được hướng vào đúng địa chỉ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo ra sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế, chứ không chảy qua những kênh đầu tư khác như nhà đất, vàng…, những sản phẩm không sinh ra giá trị cho nền kinh tế mà chỉ đơn thuần là kích giá đi lên.

Phan Dũng Khánh (Theo forexfactory, bloomberg)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thị giá nhỏ, cơ hội không nhỏ (09/04/2009)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam trước cơn bão tài chính (09/04/2009)

>   PVS: Lợi nhuận sau kiểm toán đạt 537 tỷ đồng (09/04/2009)

>   HDC: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2009 (09/04/2009)

>   SVC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (09/04/2009)

>   CTCK năm 2008: Càng lớn càng lỗ! (09/04/2009)

>   NBC: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SDJ: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SD3: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   LBE: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật