Thứ Năm, 09/04/2009 12:07

Thị trường chứng khoán Việt Nam trước cơn bão tài chính

Chấp nhận khu vực hóa và toàn cầu hóa, Việt Nam đã trở thành một tế bào của nền kinh tế thế giới. “Nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới xổ mũi” - đó là câu chỉ sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới. Thị trường chứng khoán được coi là nhiệt kế của nền kinh tế, là bộ phận bị rung chuyển nhiều nhất khi nền kinh tế đầu tàu ở bên kia bờ đại dương có vấn đề. Vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động ra sao trước cơn bão? Làm gì để thị trường hưng phấn trở lại? Đâu là bài học của Việt Nam?

“Dính đòn” ở tuổi “vị thành niên”

Khi hình thành thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều người hy vọng rằng đây sẽ là một "chỗ trũng” để huy động vốn đầu tư. Nhưng sau hơn 10 năm hoạt động, TTCK có lẽ mới dừng ở mức độ tập dượt trên một cái ao nhỏ. Mặc dù là cái ao, nhưng do ăn thông với biển lớn là thị trường tài chính toàn cầu nên trong hơn 10 năm qua, cái ao ấy đã chứng kiến không ít sóng gió.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ như một cơn sóng thần tràn qua bờ ao mong manh, làm chao đảo các nhà đầu tư. Một số đứng vững, một số nghiêng ngả, sặc nước, không ít trong số đó bị nhấn chìm. Một câu hỏi nhiều người đang quan tâm là liệu các dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam có sớm rút khỏi biên giới, trong trường hợp thị trường Mỹ và nhiều nước phát triển có biến động mạnh?

Sự sụt giảm liên tục trong hơn 1 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư dài hạn bị lỗ nặng. Sự mất điểm đến ¾ đồng nghĩa với việc tổng giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam mất tới ¾ giá trị. Nếu ai đó đang sở hữu tài sản cổ phiếu 10.000 tỷ đồng (rải đều cho các loại chứng khoán), số thiệt hại sẽ là 7.500 tỷ. Với thị trường Việt Nam là vậy, còn với thị trường thế giới sự thất thoát khủng hơn nhiều. Riêng thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, số tiền “bốc hơi” sẽ không dưới 10.000 tỷ USD, tương đương với 125 lần GDP năm 2008 của Việt Nam.

Sự bốc hơi giá trị do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã giáng một đòn chí tử vào các nhà đầu tư non trẻ. Đây được coi là “trận ốm tâm lý” phải mất rất nhiều thời gian mới phục hồi. Đặc biệt với các nhà đầu tư nhỏ, ngắn vốn tham gia thị trường với thói quen “lướt sóng” khi dính bão thường tháo chạy mà chưa tính ngày quay lại. Trong khi đó, sự có mặt của họ là nhân tố không thể thiếu được cho một thị trường sôi động. Vấn đề hiện nay là phải giữ chân được những nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn.

Nhiều người từng nói, thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối bởi tâm lý rất mạnh. Thậm chí, yếu tố tâm lý được nâng lên thành “hiệu ứng đám đông”, đầu tư theo phong trào. Nếu ai thường có mặt ở sàn giao dịch, trong những ngày bình lặng, các nhà đầu tư Việt Nam thường chưa quyết định vội mà xem “xem mấy thằng khoai Tây nó mua gì”.

Khi thị trường tài chính thế giới gặp sóng gió, tâm lý lo lắng cũng một phần chuyển qua không ít nhà đầu tư Việt Nam. Việc khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng sẽ khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài rút lui về phòng thủ do khó khăn từ chính quốc. Sự vắng mặt của các nhà đầu tư nước ngoài khiến các nhà đầu tư Việt Nam thận trọng hơn khi tiếp cận thị trường, nhất là những nhà đầu tư mới.

Nền kinh tế lãnh đủ

Vào thời điểm hưng phấn, đã có khoảng 60 quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng nguồn vốn lên đến hơn 10 tỷ USD. Sự tham gia thị trường của các quỹ này là kênh dẫn vốn gián tiếp vào thị trường Việt Nam. Đó là chưa nói đến sự tham gia của các tổ chức tài chính thông qua con đường mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại VN.

Về mặt lý thuyết, trước một cuộc khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư sẽ co lại chờ đợi cơ hội, hoặc bán tháo các tài sản và chuyển thành ngoại tệ mạnh, hay nói cách là khác cơ cấu lại danh mục đầu tư theo định hướng riêng. Thế nhưng, trong số các quỹ đầu tư vẫn xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn luôn tìm kiếm cơ hội khi thị trường có biến động thực sự. Và các cuộc khủng hoảng chính là cơ hội cho họ. Do đó, còn quá sớm để nói về một cuộc rời bỏ thị trường ồ ạt, khi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lẳng lặng mua cổ phiếu vào, và cũng “lẳng lặng” bán nó ra theo chiến lược của mình.

Vì vậy, các thị trường mới nổi, ít liên thông với các thị trường phát triển như Việt Nam thậm chí còn có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Ngoài ra, để trả lời câu hỏi này, cũng phải xét trên bình diện của quy mô, nguồn gốc và mục đích của các cổ đông góp vốn lập quỹ đầu tư vào Việt Nam.

Như chúng ta biết, các quỹ đầu tư muốn huy động vốn để đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam, họ phải có phương án, chiến lược và chứng minh rằng tính khả thi của thương vụ này. Trong đề án đưa ra, việc thời hạn đóng quỹ là rất quan trọng (thường sẽ kéo dài trong 5 năm đến 10 năm).

Hơn nữa, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam không chỉ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu để mua đi bán lại kiếm lời, mà nó còn được sử dụng vào hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, trở thành đối tác chiến lược, tham gia hội đồng quản trị của công ty cổ phần để điều hành với mong muốn thu về lợi nhuận cao nhất có thể. Nên, việc rút vốn không chỉ nói muốn là được.

Trong trường hợp các quỹ đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam mà công ty mẹ bị phá sản, hay phải rút vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư, thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới quyết định có rút vốn khỏi Việt Nam hay không, nhưng cái giá phải trả cho việc đột ngột rút vốn này là không nhỏ.

Vì những lý do đó, về mặt vĩ mô, Việt Nam có phần được lợi từ cuộc khủng hoảng, hay nói chính xác hơn là đỡ thiệt hại hơn các nước khác. Riêng về phần các doanh nghiệp, chúng ta sẽ bàn kỹ ở bài sau. Về tổng thể, chỉ có sự tăng trưởng khi thị trường hưng phấn. Gọi là đỡ thiệt hại, nhưng thực ra thì chỉ đỡ thiệt hại trước mắt, còn lâu dài thì sự thiệt hại ấy vẫn còn đeo đẳng nhiều năm sau.

Sự tháo chạy của nhiều nhà đầu tư non trẻ khiến thị trường chứng khoán VN vốn còi cọc lại càng thêm còi cọc. Thêm vào đó, tiến trình cổ phần hóa được coi là con đường “không thể khác” để hội nhập nay bỗng khựng lại. Nền kinh tế đang lớn vốn đói vốn lại tiếp tục đói vốn kéo dài. Nguy hiểm hơn, là tâm lý cất trữ vốn được hình thành từ thời gian khó nay có dịp quay trở lại làm cho nguồn lực quốc gia vốn mỏng lại càng mỏng thêm.

Để thị trường hưng phấn trở lại

Trong khi chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, sự cải thiện về chỉ số giá tiêu dùng, về mặt vĩ mô, cần phải có một số thay đổi. Kinh nghiệm cho thấy, mặc dầu diễn biến của thị trường rất xấu nhưng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn sống được, thậm chí có lãi. Từ thực tiễn của một số doanh nghiệp lớn như SSI, hay BVSC, VCS… phần cứu họ khỏi cơn thua lỗ khi chứng khoán đồng loạt mất điểm là thị trường trái phiếu. Đây là loại chứng khoán dài hạn, thường không có lợi nhuận lớn nhưng khá ổn định.

Chúng tôi cho rằng để kích thích TTCK Việt Nam phát triển ổn định, Chính phủ cần phát hành chứng khoán thời hạn dài từ 10 năm trở lên, nhưng lãi suất quy định theo từng giai đoạn mỗi 2 năm một lần theo nguyên tắc đảm bảo cho nhà đầu tư không bị thiệt thòi hơn gửi tiết kiệm 24 tháng cùng giai đoạn.

Tiền huy động được từ trái phiếu dài hạn (định lượng mỗi năm huy động một tổng giá trị tương đương với tổng giá trị trả nợ đến hạn trong nước hàng năm) chỉ tập trung vào đầu tư các công trình và dự án trọng điểm cấp quốc gia, được xác định có hiệu quả cao trong các lĩnh vực: phát triển các dự án chế tạo máy móc, công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng thành phố, giao thông quốc gia, phát triển giáo dục, đào tạo và phát triển hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương.

Cùng với đó là có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại phải dành một tỷ lệ nguồn huy động đủ cần thiết để đầu tư vào trái phiếu dài hạn của Chính phủ lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước vừa để góp phần định hướng sử dụng nguồn đúng hiệu quả, vừa làm công cụ an toàn để tiếp cận thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp bị báo động vể rủi ro thanh khoản…

Chính phủ cũng nên có chính sách để khu vực sản xuất, dịch vụ có sử dụng thiết bị nhập khẩu giá trị lớn được xét theo một cơ chế chặt chẽ cho phép phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước kết hợp với chính sách loại bỏ dần tín dụng ngoại tệ.

Việc mở cửa cho các công ty xếp hạng tín nhiệm hay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có danh mục xếp hạng tín nhiệm theo chuẩn quốc tế. Từ đó các chủ sở hữu của các chứng khoán nợ trong danh mục chuẩn được phép sử dụng chứng khoán trong việc chiết khấu, tái chiết khấu tại các ngân hàng thương mại, đây là cách tạo ra tính thanh khoản cho nhanh TTCK.

Phan Thế Hải

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   PVS: Lợi nhuận sau kiểm toán đạt 537 tỷ đồng (09/04/2009)

>   HDC: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2009 (09/04/2009)

>   SVC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (09/04/2009)

>   CTCK năm 2008: Càng lớn càng lỗ! (09/04/2009)

>   NBC: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SDJ: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SD3: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   LBE: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   MMC: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   S64: Báo cáo thường niên năm 2008 (25/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật