Thứ Năm, 09/04/2009 11:14

CTCK năm 2008: Càng lớn càng lỗ!

Gần 70% trong số 26 công ty chứng khoán - CTCK (xem bảng) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2008 có lợi nhuận âm, một số công ty có mức thua lỗ rất lớn. Số CTCK còn lại có lợi nhuận, nhưng không đáng kể, ngoại trừ SSI. Tỷ lệ thua lỗ này khá tương đồng với cảnh báo mà ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) đã đưa ra từ giữa năm 2008.

Những số lỗ khổng lồ

Bất ngờ nhất có lẽ là khoản lỗ lên tới 554 tỷ đồng của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). Với khoản lỗ này, BSC chỉ còn vỏn vẹn 274 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong khi vốn điều lệ của công ty này là 700 tỷ đồng (vào thời điểm cuối năm 2008, tổng các khoản trích lập dự phòng giảm giá của BSC là gần 633,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, tỷ lệ lỗ/vốn điều lệ của BSC chỉ là 79,16%, không phải là mức thua lỗ lớn nhất. Xét theo tiêu chí này, kỷ lục tạm thời thuộc về CTCK Bảo Việt (BVSC). Với khoản lỗ 452 tỷ đồng trên vốn điều lệ 451 tỷ đồng, tương đương 100,2% vốn điều lệ, BVSC đã khiến khá nhiều NĐT bất ngờ. Dù vậy, do vốn chủ sở hữu lớn có được từ thặng dư phát hành và tích lũy các năm trước, BVSC vẫn duy trì mức vốn chủ sở hữu lớn, lên tới 1.067,57 tỷ đồng. Một số CTCK khác cũng có tỷ lệ lỗ/vốn điều lệ lớn như: Kim Long, Âu Việt, Hải Phòng…

Phân tích sơ bộ BCTC năm 2008 tóm tắt cho thấy, các CTCK thua lỗ chủ yếu do hoạt động tự doanh. BVSC phải trích lập các khoản đầu tư lên tới hơn 445 tỷ đồng, VNDirect trích 105,8 tỷ đồng, CTCK Hải Phòng trích 87,7 tỷ đồng… Chỉ có hai CTCK có khoản trích lập tương đối lớn, nhưng vẫn duy trì được kết quả kinh doanh có lãi là CTCK TP. HCM (trích lập 200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 23,54 tỷ đồng) và CTCK Sài Gòn (trích lập 25,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 250,5 tỷ đồng).

Riêng CTCK Kim Long, dù đã cắt lỗ các khoản đầu tư từ quý IV/2008 nên không phải trích lập dự phòng, nhưng Kim Long cũng có khoản lỗ lên tới 347,44 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ.

Sự thua lỗ của CTCK là hình ảnh chung, phù hợp với diễn biến TTCK suy giảm và kém thanh khoản trong năm 2008. Những CTCK có nghiệp vụ chính là môi giới và tư vấn cũng thua lỗ. Trường hợp CTCK Tầm Nhìn, vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, đủ cho nghiệp vụ môi giới, nhưng sau 2 năm hoạt động, doanh thu (năm 2007 và 2008) chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, khoản lỗ tổng cộng lên đến hơn 13 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn non nửa (11,2 tỷ đồng). Một số CTCK dù đã đi vào hoạt động từ trước năm 2007, nhưng doanh thu vẫn rất khiêm tốn, thể hiện hoạt động môi giới chưa hiệu quả, như trường hợp của CTCK Nam Việt, doanh thu các năm 2007 và 2008 chỉ đạt lần lượt 30 triệu đồng và 277 triệu đồng!

Và những hệ luỵ

Trong số 26 CTCK nêu trên, một số công ty sau khi lỗ đã có vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2008 thấp hơn 100 tỷ đồng, mức vốn cần thiết để triển khai nghiệp vụ tự doanh như: EuroCapital, Nam An, Phú Hưng, Gia Quyền… Thậm chí, tại CTCK Quốc Gia, vốn chủ sở hữu chỉ còn 20,4 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn yêu cầu tối thiểu là 25 tỷ đồng cho nghiệp vụ môi giới. Với trường hợp của CTCK Tầm Nhìn, dù đã tăng vốn điều lệ lên 25 tỷ đồng để vừa đủ cho nghiệp vụ duy nhất là môi giới, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 11 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là, nếu các CTCK này không thể tăng vốn chủ sở hữu lên mức tối thiểu là bằng với vốn điều lệ cần thiết để triển khai các nghiệp vụ thì hướng xử lý sẽ như thế nào?

Một vấn đề khác cần quan tâm là, dù chưa có cơ sở để tính toán chi tiết (do chưa tiếp cận được BCTC và thuyết minh BCTC đầy đủ), nhưng theo tính toán sơ bộ của người viết, việc thua lỗ nặng nề của một số CTCK đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng nợ điều chỉnh thấp hơn mức 5% (theo quy định của Luật Chứng khoán là không được thấp hơn 6%). Câu hỏi mà thị trường đặt ra là năm 2008, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có động thái gì để kiểm soát tỷ lệ vốn khả dụng tại CTCK theo đúng tinh thần của Luật Chứng khoán và Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC? Mức độ minh bạch thông tin và hậu quả (nếu có) của việc này đến đâu, nếu các CTCK không thể khắc phục được tình trạng trên?

Theo dự thảo Quy chế về tự chủ tài chính của CTCK đang được UBCK xây dựng, với các tỷ lệ lỗ từ trên 30% vốn điều lệ (chưa tính đến yếu tố khác) thì CTCK tùy từng trường hợp sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt/bị rút giấy phép (tự nguyện hoặc bắt buộc) một hoặc một số nghiệp vụ hay có thể bị xem xét rút giấy phép hoạt động kinh doanh.

Còn với quy định về cách tính tỷ lệ vốn khả dụng/tổng nợ điều chỉnh như hiện nay, theo lãnh đạo một số CTCK, có thể nhiều CTCK đã và đang “vượt đèn đỏ”.

Những ngày cuối tháng 3, TTCK đã có dấu hiệu phục hồi khi giá có xu hướng tăng và tính thanh khoản được cải thiện mạnh. Dù vậy, vẫn chưa thể dự đoán một cách chắc chắn về diễn biến TTCK cả năm 2009 sẽ như thế nào? Tìm một lối đi riêng để thoát khỏi tình trạng thua lỗ hay ngồi lại với nhau để tính chuyện sáp nhập đã và sẽ tiếp tục là câu hỏi cần lời giải đáp của các CTCK. Thị trường cũng đang cần sự lên tiếng của UBCK trong việc xem xét quy định về vốn khả dụng để giúp CTCK yên tâm hơn trong hoạt động.

Nguồn: Tổng hợp từ HASTC, cập nhật hết ngày 3/4/2009. Đơn vị: tỷ đồng

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   NBC: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SDJ: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   SD3: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   LBE: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   MMC: Báo cáo thường niên năm 2008 (09/04/2009)

>   S64: Báo cáo thường niên năm 2008 (25/03/2009)

>   Hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu Chính phủ CP1_0604 (09/04/2009)

>   Hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu Chính phủ CP4A2104 (09/04/2009)

>   CTCK thua lỗ lớn có thể bị đưa vào diện kiểm soát (09/04/2009)

>   TYA: Nghị quyết Hội đồng quản trị (08/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật