Lợi nhuận luôn đi sau chỉ tiêu an toàn
Tín dụng tăng trưởng là dấu hiệu phục hồi của ngành ngân hàng trong quý I/2009, song theo nhận định của Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank (HoSE:STB) Trần Xuân Huy, yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động của ngành, nhất là khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn tiếp diễn thì lợi nhuận luôn đi sau chỉ tiêu an toàn.
Đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu
Trước thông tin về con số 133 tỷ đồng lợi nhuận chênh lệch giữa báo cáo hợp nhất của Sacombank so với số liệu sau kiểm toán, ông Huy cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt về phương pháp trích lập dự phòng giảm giá đối với các loại cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) của Sacombank so với phương pháp mà công ty kiểm toán đưa ra. Việc trích lập dự phòng cao khiến lợi nhuận trước thuế giảm. Tuy nhiên, nguồn tiền trích lập này vẫn nằm trong Ngân hàng và khi cổ phiếu tăng giá trở lại, lợi nhuận sẽ tăng cao hơn so với con số được công bố.
Thực tế, Sacombank vẫn đảm bảo chính sách cổ tức 15% cho cổ đông như kế hoạch đưa ra ban đầu. “Chúng tôi là đơn vị niêm yết, nên phải báo cáo kết quả hoạt động khi năm tài chính 2008 kết thúc. Trong khi đó, số liệu kiểm toán phải đến cuối tháng 3 hàng năm mới hoàn tất và việc trích lập dự phòng nhiều làm giảm lợi nhuận năm 2008 chỉ mang tính an toàn cao, nên điều đó hoàn toàn hợp lý”, ông Huy nói và cho biết, hiện tổng thặng dư vốn và các quỹ của Sacombank lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.116 tỷ đồng lên 6.700 tỷ đồng của Ngân hàng trong năm nay, tăng 31% so với năm trước cũng có ý kiến cho rằng, sẽ khó thành công trong bối cảnh TTCK còn khó khăn. Tuy nhiên, Sacombank cho biết, số cổ phiếu này được phát hành cho cổ đông hiện hữu, nên việc hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm 2009 là khả thi.
Trước thông tin ANZ đang có ý định rút vốn khỏi Sacombank (tỷ lệ nắm giữ gần 10%), ông Huy cho rằng, trong năm 2008 hai cổ đông lớn của Sacombank là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã bán bớt phần vốn nắm giữ tại Ngân hàng để cơ cấu lại hoạt động đầu tư của mình. Do đó, nếu ANZ thoái vốn cũng không có gì khác biệt, song hiện tại ANZ vẫn chưa đặt vấn đề này với Sacombank.
Hiện thực hóa mục tiêu lợi nhuận
Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã thông qua ĐHCĐ lên tới 1.600 tỷ đồng trong năm nay, ông Huy cho biết, nhiều khả năng Ngân hàng sẽ vượt được con số này. Cơ sở để đưa ra nhận định này là từ những hoạt động Ngân hàng đã thực hiện trong quý I/2009. Bên cạnh việc phát triển mạnh tín dụng, đáng chú ý là chương trình cho vay theo chủ trương hỗ trợ lãi suất, kích cầu của Chính phủ, Sacombank còn chú trọng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cá nhân, với lãi suất thỏa thuận.
Sau 2 tháng triển khai, tính đến hết tháng 3/2009, tổng vốn Sacombank giải ngân theo chương trình cho vay kích cầu lên đến 8.070 tỷ đồng; lãi suất sau hỗ trợ tại Sacombank áp dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thấp nhất chỉ còn khoảng 1 - 2%/năm.
Ngoài ra, Sacombank đã đẩy mạnh chiến lược tín dụng tiêu dùng. Theo đó, khách hàng cá nhân được vay vốn với lãi suất từ 15%/năm trở xuống. Đáng chú ý, với tín dụng tiêu dùng tín chấp, Sacombank có thể cấp hạn mức vốn cho khách hàng lên đến 500 triệu đồng/hồ sơ. Để có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như những người có nhu cầu về nhà ở, ông Huy cho biết, Sacombank đang đàm phán với các định chế tài chính nước ngoài để có nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất phù hợp.
Từ sự nỗ lực mở rộng tín dụng, gia tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng, nên quý I/2009, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt trên 350 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng), chưa tính phần lợi nhuận từ các công ty con. Trong cơ cấu thu nhập quý I/2009, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm đến 65% và dịch vụ là 13%, còn lại là thu nhập ngoài lãi. Từ tháng 2/2009, Sacombank đã chấm dứt được các khoản vốn huy động chi phí cao của năm trước, do Ngân hàng chỉ áp dụng lãi huy động cao ở các kỳ hạn ngắn ngày. Điều này sẽ giảm áp lực trong hoạt động của Ngân hàng và không ảnh hưởng đến lợi nhuận của năm nay.
Theo ông Huy, chủ trương kích cầu của Chính phủ trong năm nay sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành ngân hàng phát triển tín dụng và có thể tăng mạnh từ quý II/2009. Mặt khác, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục nên ngành ngân hàng có nhiều tiềm năng để tăng trưởng đón đầu cơ hội, nhất là một đất nước có dân số trẻ chiếm đa phần như Việt Nam hiện nay. Do đó, Sacombank sẽ có nhiều khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 50.000 tỷ đồng, cao hơn 50% so với năm trước.
Tính đến ngày 31/3, huy động vốn của Sacombank đạt 62.140 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 39.388 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm và tăng 10% so với tháng 2/2009. Sacombank chủ trương nợ quá hạn năm 2009 phải được kiểm soát dưới 2,5%, trong quý I/2009 nợ quá hạn chỉ là 1,1% trên tổng dư nợ. Với mạng lưới hoạt động hiện lên đến 250 điểm tại 45 tỉnh, thành phố, Sacombank còn lên kế hoạch mở thêm khoảng 50 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2009, trong đó khai trương Chi nhánh Campuchia, dự kiến vào tháng 6/2009. Đồng thời, Ngân hàng đang chuẩn bị ra mắt Trung tâm Contact-Center, nhằm phục vụ cho tất cả đối tượng khách hàng cá nhân về tiền gửi, tiền vay và các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|