Quay về với năng lực cốt lõi
Cổ phiếu MPC của CTCP Thuỷ hải sản Minh Phú trở thành cổ phiếu thứ 16 mà Sở GDCK TP. HCM đưa vào diện bị kiểm soát. Là công ty xuất khẩu tôm số 1 Việt Nam, Minh Phú là cái tên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi như Temasek, Vietnam Holding… Thế nhưng, bất chấp nhiều kỳ vọng, năm 2008 lợi nhuận sau thuế của MPC âm hơn 38 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém cỏi đó không xuất phát từ thực tế khó khăn của năm qua, khoản lỗ của MPC chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy, riêng với 209,5 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, Công ty đã phải trích lập 155 tỷ đồng.
Quý I/2009 tại Minh Phú diễn ra nhiều thay đổi. Tháng 1, Công ty hoàn tất thủ tục chuyển nhượng một dự án bất động sản (BĐS) tại TP. HCM giá trị 16 triệu USD. Tháng 3, Minh Phú thực hiện chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần (chiếm 35,56% vốn điều lệ) tại CTCP Dầu khí Vũng Tàu. Giá trị hợp đồng gần 4 triệu USD, gấp 3 lần số vốn Công ty đầu tư cách đây 2 năm. Thanh lý một số khoản đầu tư có lãi, cân nhắc lại các khoản đầu tư tài chính là công việc lãnh đạo MPC đang làm trên con đường đưa Công ty trở lại quỹ đạo cũ. Dường như Ban lãnh đạo MPC đã khá thấm thía cái giá phải trả trong cuộc chạy đua đầu tư tài chính.
Tháng 3, TTCK ghi nhận nhiều sự chuyển dịch đáng chú ý trong chiến lược của các công ty niêm yết. Tuần cuối tháng, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố chuyển nhượng lại toàn bộ phần góp vốn của mình trong Công ty liên doanh SABMiller Việt Nam (thương hiệu bia Zorok) cho đối tác - Công ty SABMiller Asia Plc. (SABMiller). Đây là nhà máy bia liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50:50, chủ yếu cung cấp sản phẩm quanh địa bàn TP. HCM. Năm 2008, Vinamilk đã ghi nhận khoản lỗ 74 tỷ đồng từ liên doanh trên. Dự kiến, liên doanh sẽ tiếp tục lỗ trong 3 năm tới. Chuyển nhượng thành công, Vinamilk thu hồi được vốn đầu tư cùng khoản vay 208 tỷ đồng từ SABMiller và Công ty không phải hạch toán các khoản lỗ vào thời điểm cuối năm. Số tiền thu về khá nhiều ý nghĩa khi năm nay, Vinamilk dự kiến đầu tư 1.200 tỷ đồng vào các dự án lớn. Theo ông Lê Quang Thanh Trúc, Trưởng ban Tài chính của Vinamilk, Công ty muốn tập trung hơn nữa vào ngành sữa và nước giải khát có lợi cho sức khỏe để phát huy thế mạnh sở trường và tạo thêm nhiều lợi ích cho cổ đông. Vinamilk là thương hiệu lớn tại thị trường trong nước nhưng Công ty vẫn đang phải cạnh tranh với các hãng sữa tên tuổi nước ngoài.
Cũng trong tháng 3, CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình (HBC) thông báo chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Hòa Bình Tower tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là gần 12 triệu USD. Về động thái này, nhóm phân tích BĐS của CTCK HSC nhận định, sau những nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh sang thị trường BĐS hơn 1 năm qua, dường như những tham vọng này đã trở thành một gánh nặng đối với HBC. Các dự án này chưa mang lại lợi nhuận cho Công ty trong tương lai gần khi những chi phí đã đè nặng lên Công ty. Năm 2008, lợi nhuận sau thuế của HBC chỉ là 12,5 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước đó. Dự án tiếp theo mà HBC sẽ xem xét chuyển nhượng là một dự án Công ty dự định góp 49% cổ phần. Trước đó, trong năm 2008, HBC đã thanh lý khoản đầu tư chứng khoán trị giá 67,3 tỷ đồng. Nhờ nhanh chóng rút chân ra khỏi TTCK, gánh nặng của các khoản trích lập đã không đè nặng lên HBC như nhiều công ty niêm yết khác.
Mùa ĐHCĐ đang diễn ra cũng ghi nhận sự chuyển hướng chiến lược của nhiều công ty niêm yết. Chẳng hạn như tại CTCP Cơ điện lạnh (REE). Hai năm trước, lãnh đạo REE xác định, mảng kinh doanh truyền thống (cơ điện lạnh), BĐS và mảng đầu tư tài chính là mũi nhọn trong chiến lược phát triển theo thế chân kiềng. Thì nay, các trụ cột hứa hẹn sẽ mang lại 250 tỷ đồng lợi nhuận cho REE là mảng truyền thống và BĐS. Đầu tư tài chính đã được ít đề cập hơn khi TTCK trong cơn thoái trào…
Thật ra, trên thế giới đã có những trường hợp công ty thay đổi chiến lược kinh doanh và thành công. Điển hình là trường hợp của Berkshire Hathaway. Trong 4 thập kỷ, W. Buffett đã phát triển Berkshire Hathaway từ một công ty dệt bên bờ vực phá sản, thành một tập đoàn lớn, kinh doanh đa ngành: bảo hiểm, may mặc, bán lẻ, phân phối, đầu tư tài chính... Giá trị thị trường của Berkshire Hathaway đã có lúc đạt gần 200 tỷ USD. Thế nhưng, sự thành công đó dường như vẫn là số ít bên cạnh những thất bại nặng nề.
"Thật may mắn khi chúng ta ngồi đây tiến hành ĐHCĐ công ty không bị lâm nguy bởi gánh nặng đầu tư tài chính, trong khi khá nhiều công ty lớn khác đang thực sự khó khăn. Họ trả giá do chính tham vọng của mình", một cổ đông của CTCP Hợp tác và Xuất khẩu thương mại Savimex đã mở đầu phần phát biểu của mình trong phiên họp ĐHCĐ Công ty mới đây. Bài phát biểu ấn tượng này sau đó đã được tất cả cổ đông và Ban lãnh đạo Savimex vỗ tay hưởng ứng.
Giống như một cuộc đua, sau khá nhiều nguy hiểm, các công ty niêm yết dường như nhận ra họ đã di chuyển quá nhanh và cần đi chậm lại, thận trọng và chắc chắn hơn. Sự chuyển dịch trong phương hướng phát triển kinh doanh đang là nét mới khi khá nhiều công ty niêm yết đang tìm đường quay về các năng lực cốt lõi.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|