Xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính trong kinh doanh xăng, dầu
Có thể thấy, bước đầu thực hiện cơ chế thị trường, việc điều chỉnh giá xăng, dầu lên xuống theo hướng tiệm cận giá thế giới còn lúng túng, có những thời điểm việc điều chỉnh giá bán lẻ chưa theo kịp thị trường nước ngoài. Hiện nay, việc tính toán giá bán lẻ mới chỉ thực hiện theo thời gian chứ chưa theo thời điểm tương ứng.
Sự chậm trễ trong điều chỉnh này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, do yêu cầu bảo đảm duy trì xăng, dầu liên tục cho nền kinh tế và an ninh năng lượng, trong mọi tình huống doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu đầu mối phải bảo đảm nguồn cho dự trữ lưu thông và kinh doanh bình thường. Có những thời điểm phải nhập giá cao và bán ra khi giá xăng, dầu thế giới hạ, xử lý vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian.
Về chủ quan, khi chuyển đổi cơ chế, DN chưa thật sự chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá kịp thời theo tín hiệu từ thị trường thế giới.
Ðối với các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu do tình hình biến động giá xăng, dầu thế giới từ nhiều năm nay, nhất là những tháng đầu năm 2008, do thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm giá bán theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nguồn vốn kinh doanh của DN ngày càng thu hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng, đơn vị chiếm gần 60% thị phần bán lẻ xăng, dầu cả nước cho biết: Từ đầu năm đến ngày 21-7, chỉ riêng mặt hàng xăng, Petrolimex đã lỗ tới 1.683 tỷ đồng. Trong đó, báo cáo quyết toán trong sáu tháng đầu năm lỗ 1.023 tỷ đồng, số còn lại là của 21 ngày đầu tháng 7. Trong khi lãi vay ngân hàng DN phải trả, lỗ phát sinh chưa được cấp bù kịp thời thì bài toán cân đối tài chính của DN rất nan giải. Ngay cả vào thời kỳ giá xăng thế giới tăng cao nhất, Nhà nước điều chỉnh tăng giá xăng lên 19 nghìn đồng/lít (ngày 21-7) các DN vẫn phải chịu lỗ, cho đến khi điều chỉnh giảm giá (14-8) DN mới bắt đầu có lợi nhuận. Dự kiến, số lỗ phát sinh đối với mặt hàng xăng DN phải kinh doanh từ một đến một năm rưỡi mới đủ bù đắp.
Ðể tạo điều kiện cho DN vận hành theo cơ chế thị trường sau ngày 16-9, Nhà nước quyết định bù lỗ cho các mặt hàng dầu tồn kho nhập khẩu và cho DN đầu mối tạm ứng khoản lỗ của kinh doanh xăng từ ngày 21-7 trở về trước.
Mặc dù quyết định này đã có hiệu lực nhưng đến hết tháng 10, Petrolimex vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Ngoài ra, trong điều kiện phải vay vốn ngân hàng lãi suất cao thì vấn đề tỷ giá và lãi suất ngân hàng được xem là nguyên nhân kép tác động lên giá xăng, dầu.
Theo Petrolimex, trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất cho vay và biến động của tỷ giá, hai khoản này đã làm tăng giá xăng từ 400 đồng đến 500 đồng/lít.
Theo lãnh đạo Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil), từ trước đến nay, Tổng công ty vẫn nhập khẩu xăng, dầu để kinh doanh và dự trữ theo chỉ đạo của Nhà nước. Có thời điểm khi giá xăng thế giới tăng thì giá xăng ở Việt Nam bán ra chỉ bằng hai phần ba giá thế giới. Trong những thời điểm đó, người tiêu dùng được hưởng lợi. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu dự trữ xăng, dầu theo quy định gối đầu 30 ngày.
Trong tháng 10 khi giá xăng, dầu thế giới giảm tới 50%, các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu trong đó có Tổng công ty dầu Việt Nam phải tính toán hợp lý để có thể bù lỗ vì trước đó DN đã nhập khẩu lượng xăng với mức dự trữ trong 30 ngày. Vì thế giá điều chỉnh có thể chưa sát với thực tế.
Ðại diện Công ty Thương mại Kỹ thuật và Ðầu tư PETEC (Bộ Công thương) cho biết thêm: Ðến nay, chúng tôi vẫn phải vay vốn ngân hàng cộng với vốn tự có để kinh doanh xăng dầu. Theo quy định được Nhà nước tạm ứng vốn nhưng đến nay vốn cấp không lớn, thậm chí chưa cấp. Thời gian gần đây, khi thị trường xăng, dầu có những biến động quá lớn, chúng tôi mong Nhà nước điều chỉnh thuế nhập khẩu ổn định, trên cơ sở đó DN sẽ tự tính toán điều chỉnh giá bán lẻ phù hợp. Hiện các DN kinh doanh xăng, dầu lớn vừa lo kinh doanh đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. Lượng hàng nhập khẩu thường xuyên khá lớn nhưng hiện nay mức tiêu thụ trong nước không ổn định, giá cả xăng, dầu thế giới hạ quá nhanh, đây cũng là bài toán khá hóc búa đặt ra cho DN.
Rõ ràng, trong điều kiện DN thiếu vốn nhập khẩu xăng, dầu, lãi suất vay ngân hàng cao và tỷ giá biến động như hiện nay thì số tiền tạm ứng khoản lỗ kinh doanh xăng cũng như tiền bù lỗ kinh doanh dầu theo quy định rất cần được thanh toán kịp thời để giúp DN có thể chủ động về vốn, giảm bớt khó khăn, giảm chi phí kinh doanh. Ðây chính là những tồn tại, vướng mắc của DN trong quá trình chuyển đổi sang kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, không ít DN cho rằng chính sách thuế nhập khẩu xăng, dầu của Nhà nước cũng cần phải rõ ràng và có độ ổn định tương đối để giúp DN chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bởi thuế suất thuế nhập khẩu là một trong những cơ sở để DN tính toán quyết định giá bán lẻ xăng, dầu.
Nhanh chóng giải quyết những tồn tại, vướng mắc nêu trên chính là điều kiện để cơ chế kinh doanh xăng dầu vận hành một cách hiệu quả theo cơ chế mới, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.
nhân dân
|