VN sẽ trở thành nhà cung ứng đáng tin cậy về hạt ca cao chất luợng
Sáng 6/11, Hội thảo quốc gia về tính phù hợp, khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội của sản xuất ca cao ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, đã khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại cuộc hội thảo lần này, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung thảo luận các chủ đề: tiềm năng cho phát triiển ca cao; tầm nhìn, mục tiêu và lộ trình phát triển ca cao; kế hoạch hành động và quan hệ đối tác của Nhà nước và tư nhân trong việc tìm ra những giải pháp tốt nhất để phát triển cây ca cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa diện tích cây cao cao từ khoảng 10.000 ha hiện nay lên khoảng 60.000 ha vào năm 2015 và 80.000 ha vào năm 2020. Việt Nam sẽ trở thành một nước cung ứng đáng tin cậy về hạt ca cao có chất luợng, với trên 100.000 tấn vào năm 2020.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Việt Nam và các tổ chức nông nghiệp quốc tế: diện tích cây ca cao ở Việt Nam đã phát triển từ 500 ha vào năm 2003 lên gần 10.000 ha hiện nay với số lượng gần 20.000 hộ nông dân đang tham gia trồng ca cao. Những năm qua, cây ca cao đã phù hợp với nhiều môi trường sinh thái khác nhau ở Việt Nam và là một cây trồng hấp dẫn đối với các hộ nông dân nhỏ và có khả năng cạnh tranh với những loại cây trồng thay thế khác. Từ năm 2004 đến nay, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa cây ca cao vào trồng xen trong các vuờn cây trái khác đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại thu nhập cao cho người nông dân trên cùng một diện tích đất vườn, nhất là phù hợp với những hộ nông dân có diện tích đất vườn ít. Bên cạnh đó, cây ca cao cũng được phát triển theo hình thức trồng xen với vuờn điều ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao. Những kết quả bước đầu cho thấy việc phát triển trồng cây ca cao ở các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên đã phát triển tốt và tác động tích cực đến cộng đồng, môi trường và đa dạng sinh học ở các vùng đất trên. Về tính khả thi của việc phát triển ca cao, qua nhiều nghiên cứu cho thấy cây ca cao có nhiều khả năng cạnh tranh với các loại cây trồng khác vì có những lợi thế như sử dụng ít lao động so với các loại cây cà phê, cao su và cần ít nước tưới hơn so với cây cà phê nên có thể phát triển với diện tích lớn ở địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh của cây ca cao Việt Nam được gắn với nhu cầu tiêu thụ khá lớn của thị trường thế giới và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến ca cao ở châu Á. Do đó, nếu các hộ nông dân của các địa phương tập trung chăm sóc tốt cây ca cao thì sẽ là một cây trồng bền vững về mặt môi trường và việc cải thiện đa dạng sinh học. Thậm chí, đối với những diện tích trồng thuần cây ca cao với qui mô lớn, nếu áp dụng mô hình có cây che phủ lâu năm thì sẽ thu được lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường.
ttxvn
|