Thua thiệt vẫn là người tiêu dùng
Trong một hội thảo mới đây, ông Phạm Đỗ Chí, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital, tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhiều công ty địa ốc nhận tiền của khách hàng (có nơi thu đến 95% giá trị căn hộ được mua) nhưng không tiến hành xây dựng hoặc kéo dài tiến độ, mang tiền của khách gửi ngân hàng lấy lãi
Họ đưa ra đủ lý do để biện minh cho việc chậm trễ của mình, kéo dài thời gian thực hiện dự án và người tiêu dùng chỉ biết chờ đợi, thậm chí muốn rút vốn - trả nền, trả căn hộ, lấy lại tiền cũng không được. Chẳng hạn, dự án M. đã thu 50% tiền của khách hàng, dự kiến cuối năm nay xây xong nhưng đến giờ vẫn chưa động tĩnh gì. Đây là một hình thức chiếm dụng vốn của khách hàng nhưng khách hàng không biết kêu ai...
Ở phạm vi rộng hơn, nếu quan sát sẽ rất dễ nhận thấy nhan nhản các vụ việc mà quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt vụ việc doanh nghiệp (DN) xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng gây xôn xao dư luận như sữa nhiễm melamine, rượu chứa methanol, gian lận trong kinh doanh xăng dầu..., trong đó, có những vụ việc không được xử lý đến nơi đến chốn hoặc chỉ xử lý qua loa. Hằng năm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng với Cục Quản lý cạnh tranh giải quyết khoảng 500-600 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 95% các phản ánh, khiếu nại là chính đáng nhưng con số này khá khiêm tốn so với thực tế rất nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi không biết tìm đến địa chỉ nào để được giải quyết hoặc tự cho qua vì sợ mất thời gian và chi phí khiếu nại, khiếu kiện.
Trong hội thảo “DN với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra cuối tháng 10 tại TPHCM, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, đã báo động thực trạng người tiêu dùng VN rất thua thiệt và ít được bảo vệ như pháp luật quy định. Hiện tại, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng còn chung chung, rời rạc và mang tính hình thức, khẩu hiệu hơn là thực thi. Vì thế, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật với những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn - nhất là trong giai đoạn mở cửa, hàng hóa, dịch vụ các nước tràn ngập thị trường, các thông tin về hàng hóa, dịch vụ đa phần vẫn còn là ẩn số mà người tiêu dùng chỉ biết tin vào thông tin công bố của nhà sản xuất, nhà kinh doanh.
Thanh Nhân
Người lao động
|