Thứ Sáu, 07/11/2008 06:48

Mùa du lịch quốc tế

Đừng để du khách chỉ đến một lần

Hơn 70% du khách quốc tế đến VN đều chọn tham gia các tour du lịch làng nghề, du lịch sinh thái nhưng đây lại là loại hình du lịch yếu nhất hiện nay

Mùa cao điểm du lịch quốc tế hằng năm bắt đầu từ tháng 10, tuy nhiên, theo kết quả thống kê mới nhất cho thấy, tổng số khách đến VN đạt 3.597.841 lượt, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,6% so với tháng 9 (tháng trong mùa thấp điểm). Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 tháng qua và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2007 (17,8%). Ngoài nguyên nhân khó khăn về kinh tế, còn có nguyên nhân rất quan trọng là mô hình và cách làm du lịch của VN không mới, nhất là du lịch sinh thái (DLST) và du lịch làng nghề (DLLN).

Vẫn chỉ là “vẻ đẹp tiềm ẩn”

Patrick Maldagues, một du khách Bỉ, rất thích thú khi được ngồi trên xe do trâu kéo đi thăm các lò gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội). Tại mỗi lò, anh được các nghệ nhân dạy cách nặn bình gốm, chậu trồng cây... Chuyến du lịch VN thật ấn tượng đối với tôi” - Patrick nói. Du lịch xe bằng trâu là loại hình tiếp thị mới do chính các nghệ nhân ở làng gốm sứ Bát Tràng nghĩ ra để thu hút khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính cách nghĩ, cách làm này mà lượng khách đến đây tăng gấp 3-4 lần với khoảng 30.000 lượt khách/tháng.

Tiến sĩ Hugues Tertrais, giáo sư sử học Trường Đại học Paris 5 (Pháp) chuyên giảng dạy và nghiên cứu về Đông Nam Á, đánh giá: Ngoài ưu đãi về thiên nhiên và tài nguyên, sự phong phú về văn hóa mà hiếm quốc gia nào có được là thế mạnh để VN phát triển DLLN, DLST và thậm chí cả du lịch mạo hiểm (được nâng cấp từ DLST). Thế nhưng, theo một đại diện của Hiệp hội Làng nghề VN: Ngoài Bát Tràng, nhiều làng nghề chưa thật sự khai thác hết tiềm năng và thế mạnh để phát triển DLLN.

Hiện cả nước có khoảng 2.000 làng nghề với những nhóm nghề truyền thống như mây tre đan, thêu, dệt, tranh dân gian, sơn mài, gốm sứ, gỗ, đá... nhưng nhắc đến thương hiệu của các tour DLLN thì vẫn chỉ quanh quẩn những cái tên như làng gốm sứ Bát Tràng, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng kẹo dừa (Bến Tre)... Tương tự, hầu hết các khu DLST mới chỉ đưa du khách tham quan thắng cảnh mà chưa khai thác hết thế mạnh bằng cách tổ chức nhiều chương trình khám phá những giá trị văn hóa như di tích, đời sống cộng đồng, lễ hội... Bởi vậy, giới trong nghề nhận xét DLLN, DLST giống như slogan của cả ngành du lịch VN, vẫn chỉ là “vẻ đẹp tiềm ẩn”.

Thiếu đặc trưng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch VN, hơn 70% du khách quốc tế đến VN đều chọn tham gia các tour DLLN, DLST. Vì vậy, nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Thế nhưng, theo các đơn vị lữ hành, du khách nào cũng tỏ vẻ thích thú khi lần đầu tiên tham gia các tour DLLN, DLST nhưng đến tour thứ hai, thứ ba thì sự thích thú giảm dần vì nơi nào cũng na ná nhau.

Bà Đinh Thu Nga, Phó Giám đốc Công ty Asian Travel, nhận xét: Hầu hết các khu DLLN, DLST đều thiếu nét đặc trưng và cách làm chưa sáng tạo. Ở đồng bằng sông Cửu Long, các điểm du lịch đều có sân chim, lò làm mứt, trại rắn, trại ong, trồng cây ăn quả... Đâu phải cứ du lịch miệt vườn là phải làm giống nhau mà mỗi nhà có thể chuyên một lĩnh vực. Hiện nay, dịch vụ Homestay (ở nhà dân) tại cồn Thới Sơn (Tiền Giang) không còn hấp dẫn du khách như trước đây vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là ở phòng máy lạnh, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức trái cây.

Du khách đến các làng nghề ở miền Bắc chỉ tham quan được nửa ngày vì dịch vụ tại đây còn hạn chế do không có chỗ nghỉ ngơi hoặc xem triển lãm giới thiệu lịch sử của các dòng họ nghệ nhân gắn với nghề truyền thống... Tương tự, TPHCM cũng loay hoay tìm lối ra cho DLLN, DLST. Ông Trương Hoàng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp – Nông thôn TPHCM, nhận xét: Ngoài bốn làng nghề truyền thống ở TPHCM như làm bánh tráng, mây tre lá, gỗ, muối vẫn sống được chút ít, còn lại hầu hết các làng DLLN, DLST đang ế khách. Hiện TPHCM có hơn 1 triệu nhân khẩu sống bằng nông nghiệp nên cần kết hợp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch.

Không muốn quay trở lại

Theo kết quả thăm dò ý kiến du khách của Công ty Asian Travel, tất cả du khách đến VN hoặc du khách ở miền Nam ra miền Bắc và miền Trung hoặc ngược lại đều chọn đi tour DLLN, DLST nhưng khi được hỏi “có ý định tham gia lần nữa hay không” thì họ đều trả lời “không” và lý do là “không thấy nét mới ở mỗi tour du lịch”. Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Du lịch Dona (Thái Lan): Mỗi năm vẫn có khoảng 32% du khách quốc tế quay lại công ty để tham gia các tour DLST đã đi trước đó vì cứ vài năm, dịch vụ tại các khu du lịch của Thái Lan đều đổi mới. Hằng năm, hàng triệu du khách cũ vẫn quay lại Malaysia để tham gia các tour DLST, du lịch mạo hiểm ở đảo Langkawi, rừng nguyên sinh Taman Negara...

Tr.Bảo

Mai Vân

người lao động

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dệt may 2009 : Vẫn còn nhiều lối rẽ (07/11/2008)

>   Hàng loạt siêu thị giảm giá, khuyến mại (07/11/2008)

>   Giảm giá cước taxi, bao giờ? (07/11/2008)

>   Tăng giá nhưng... (07/11/2008)

>   Vận hành dây chuyền xử lý nước thải mủ cao su (07/11/2008)

>   Duy trì GDP năm 2009 khoảng 6,5% (07/11/2008)

>   Tháng 12, sửa chữa nâng cấp cầu Bình Triệu cũ (07/11/2008)

>   Chỉ hơn 10.000 vé tàu hỏa tết được đặt chỗ (07/11/2008)

>   Vietnam Airlines tăng hơn 800 chuyến bay trong dịp Tết Kỷ Sửu) (06/11/2008)

>   An Giang: 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 657 triệu USD, đạt 101,08% kế họach năm 2008 (07/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật