Thép Việt Nam: kinh doanh kiểu phong trào
Thị trường thép nước ta đang trong cơn hoảng loạn vì mất giá liên tục, lượng tiêu thu thép vào mùa xây dựng cuối năm không hề tăng mà lại giảm mạnh khiến nhiều DN phải bán tháo.
Nói kinh doanh kiểu phong trào không ngoa chút nào. Vào những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay thị trường thép thế giới liên tục tăng mà đỉnh cao vào trung tuần tháng 7 năm nay khi giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng lên tột đỉnh. Với dự báo giá thép thế giới còn tiếp tục tăng nên nhiều DN tranh thủ đẩy cao sản lượng trong nước và tăng cường nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm về (VN phải NK 50% nhu cầu phôi thép). Các DN đua nhau nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng lên ở trong nước và dự trữ “đón đầu” thời cơ tăng giá.
Giá lên đổ xô đi mua
Những tháng đầu năm giá thép trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục khiến cho giá thép trong nước cũng tăng theo. Từ trên dưới 9.000 đồng một kg những tháng đầu năm giá thép đã tăng vọt lên 21-22.000 đồng một kg vào tháng 7/08. Giá phôi thép nhập khẩu cũng tăng chóng mặt từ 630 USD/T vào cuối 2007 lên 830 USD/T vào tháng 3/08 rồi nhảy vọt lên 1.130-1.150 USD/T vào tháng 7/08 ( VN nhập phôi thép chủ yếu từ TQ – 70% ). Do nhận định xu hướng giá thép sẽ còn tăng nên nhiều DN đua nhau đi nhập phôi về để đầu cơ kiếm lợi. Chỉ trong 6 tháng đầu 2008 theo Bộ Công Thương thì các DN đã nhập khẩu 105.000 tấn phôi thép, trong đó có 26.000 tấn chưa về đến nơi đã được tái xuất. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do các DN sản xuất thép khi ký hợp đồng mua phôi thép ở giá thấp đến khi nhận về lại bán với giá cao tại thời điểm sau đó. Thường sau khi ký hợp đồng mua phôi thép thì phải hơn 2 tháng sau hàng mới về đến cảng VN nên nhiều DN đã lợi dụng sự tăng giá này để kiếm lợi. Chẳng hạn, khi các DN ký hợp đồng mua thép vào cuối tháng 12/2007 với giá 630 USD/T đến khi nhận được lại bán với giá 830 USD/T vào tháng 3/08. Như vậy mỗi tấn thép họ đã ăn chênh lệch 200 USD. Tương tự các DN nhập phôi thép với giá 830 USD vào tháng 3/2008 lại bán ra vào tháng 6/2008 với giá 1.140-1.180 USD/T thu lời 320 USD/T. Với món lợi nhãn tiền như vậy các DN đã đổ xô đi nhập khẩu phôi thép về không cần biết hậu quả sẽ ra sao làm cho hàng tồn kho cứ mỗi ngày một tăng lên.
Theo dự tính thì tổng nhu cầu phôi cho sản xuất thép trong 2008 là 4,6 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước chỉ được 2 triệu tấn nên phải nhập từ ngoài về 2,6 triệu tấn nữa.
Giá hạ đua tranh nhau bán
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) lượng tiêu thụ thép trong nước bắt đầu có xu hướng giảm đi từ tháng 4/2008 do nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm, đình hoặc giãn tiến độ (trên 3000 dự án với tổng số vốn 36.000 tỷ VND) theo yêu cầu của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Các DNNN mới là khách hàng chủ yếu của các DN thép. Theo VSA trung bình mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 300-350.000 T đã giảm xuống 299.000 (6/08), 250.000 (7/08), 120.000 (8/08), 110.000 (9/08) và 100.000 (10/08).
Cũng theo VSA thì lượng phôi tồn kho của các DN thép thành viên Hiệp hội là hơn 500.000 tấn và lượng thép thành phẩm trên 400.000T. Riêng lượng tồn kho của TCT Thép VN (VNSteel) là trên 140.000 T phôi và 140.000T thép thành phẩm. Tuy nhiên con số mà VSA đưa ra chưa phản ánh xác thực tình hình thị trường vì nhiều DN đã găm hàng để đầu cơ nên con số thực tế còn cao hơn nhiều. Theo tính toán của CTCP thép Bắc Việt thì lượng hàng tồn kho của toàn ngành thép ở tất cả các khâu: từ phế liệu, phôi thép đến thành phẩm thép của các DN thương mại và sản xuất thép lên tới 3 triệu tấn chứ không phải 1 triệu tấn như VSA đưa ra. Với giá 700 USD/T thì lượng tồn kho này tương đương 2 tỷ USD. Theo ông Lê Văn Vang, Giám đốc CTCP thép Nam Vang nói trong cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho DN thép do Hội DN trẻ Hà Nội tổ chức mới đây thì 9 tháng đầu năm cả nước đã nhập khẩu 7 triệu tấn thép, trong khi lượng thép tiêu thụ 9 tháng mới được 4 triệu tấn và xuất khẩu được 2 triệu tấn. Cộng với lượng tồn kho năm 2007 là 2 triệu tấn thì tổng tồn kho của cả nước cũng là 3 triệu tấn.
Rõ ràng ở đây công tác dự báo rất kém và sự quản lý lỏng lẻo đã để các DN thi nhau đi nhập khẩu với mục đích “găm hàng” chờ tăng giá bán lấy lời. Có một điều rất khó hiểu nữa là trong khi các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có nguy cơ lan rộng và kinh tế Mỹ đang lâm vào suy thóai thì các DN VN vẫn đưa ra dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tăng và giá thép thế giới cũng sẽ tăng(?). Trong khi ngay từ tháng 3/2008 Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có việc thắt chặt tiền tệ và đình hoãn nhiều công trình xây dựng, nhưng xem ra các DN vẫn coi đó chỉ như những “đòn gió” mà thôi.
Khi cầu giảm thì giá phải giảm theo đó là quy luật của thị trường. Khi giá thế giới đang lên cao nhiều DN trong nước đã tìm cách gom hàng để chờ thời. Đến khi giá thế giới liên tục giảm thì các DN lại đua nhau tranh bán. Đúng là làm ăn theo kiểu phong trào đã trở thành một thói quen khó sửa. Không riêng gì ngành thép, các ngành khác cũng vậy như xăng dầu, than, điện…
Tình trạng các DN đồng loạt bán hạ giá để quay vòng vốn đã diễn ra không kiểm soát nổi. Để ổn định thị trường ngày 7/10 VSA đã tổ chức cuộc họp giữa các thành viên và thống nhất “không tranh nhau hạ giá bán theo kiểu phá giá, thống nhất mức bán giá thép 13,5 -13,7 triệu VND/T (chưa tính VAT). Tuy nhiên, các DN vẫn phải tiếp tục hạ giá để giải quyết các khoản vốn vay sắp đến hạn phải trả và hiện nay giá xuống còn 11,75-11,85 triêu VND/T mà vẫn ế ẩm.
VSA cho rằng với giá bán hiện nay các DN lỗ ít nhất 4-4,5 triệu VND/T và riêng VNSteel lỗ mỗi tháng 60-70 tỷ VND. Sự thật có đúng như vậy không vì thực tế cho hay các DN thường có “thói quen” nói lỗ để xin Nhà nước trợ giá. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì ngay với giá bán hiện tại thì với giá phôi thế giới giao dịch ở mức 350-400 USD giá thành 1 tấn thép xuất xưởng (đã tính VAT) chỉ ở mức 8,7 triệu, tức thấp hơn mức các DN bán ra khoảng 3 triệu đồng. Như vậy đâu có lỗ? Ông Đỗ Duy Thái, TGĐ VietSteel cho rằng dù thuế xuất khẩu giảm xuống 0% thì các DN cũng không xuất được vì vẫn lỗ do khi các DN nhập khẩu giá 600-700 USD/T nay giá phôi giảm 50% xuống còn 320-330 USD/T. Quen vào ỷ lại bầu sữa mẹ Nhà nước nên các DNNN không cần tính toán rủi ro, chỉ biết làm lợi cho riêng họ, còn khi gặp khó khăn đã có Nhà nước gánh hộ. Sức tiêu thụ của Vietsteel đã giảm mạnh những tháng gần đây. Nếu như trước đây TCT thép VN tiêu thụ trên 60.000 T/tháng nay chỉ còn 17.000 trong 8/08, 16.000 trong 9/08 và 11.000 T trong 20 ngày tháng 10 và mỗi tấn thép giảm 2 triệu đồng.
Vấn đề đặt ra là, không hiểu các DNNN sản xuất và kinh doanh thép làm ăn và hạch toán thế nào mà lại để đến mức tồn kho nhiều thép như vậy? Có phải họ không biết nhu cầu sẽ giảm hay cố tình không biết? Chỉ biết là khi họ đẩy mạnh nhập khẩu thì họ đưa ra dự báo là nhu cầu thép sẽ tăng lên vào cuối năm và xu hướng giá thép thế giới cũng sẽ tăng lên. Nếu đúng như vậy thì vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Thép Vietsteel là TCT 100% vốn Nhà nước (trừ Công ty gang thép Thái Nguyên) và đây chính là điều dễ hiểu về cung cách làm ăn của hầu hết các tập đoàn kinh tế Nhà nước đều giống nhau như EVN, Vinashin… không cần tính đến hiệu quả. Làm ăn kiểu được thì hưởng, lỗ thì Nhà nước chịu ai mà chẳng muốn.
Hậu quả tất yếu của cung cách làm ăn như trên là khi thị trường thép ế ẩm, sức tiêu thụ giảm mạnh thì nhiều DN thép sống dở chết dở, thép thừa không biết bán cho ai và xuất đi đâu. Các DN cán thép tạm dừng mua phôi, các DN sản xuất phôi thì quyết định ngừng mua nguyên liệu để sản xuất phôi như các công ty gang thép Vạn Lợi, Công ty thép Hòa Phát, CTCP thép Đình Vũ (DVC), CTCP Kim khí Hưng Yên. Một số DN đã ngừng sản xuất như : Việt Ý, Natsteel, Vạn Lợi hoăc sản xuất cầm chừng như Việt-hàn, Việt-Nhật, Hòa Phát, Thép Việt…Công ty Vạn Lợi trong tháng 9 chỉ sản xuất 15 ngày, lượng phôi tồn kho lên 50.000T. Trước đây DN này kinh doanh mùa thấp điểm nhất cũng 25-30.000T/tháng, nay 3 tháng liên tục chỉ tiêu thụ được 15.000-16.000T. Tương tự công ty thép Vina Kyoei bình thường mỗi tháng tiêu thụ 30.000T nay giảm còn 5000-6000T, Pomina cũng giảm 50% sản lượng tiêu thụ.
Cần “cai sữa” cho các DNNN
Vào đầu năm khi có hiện tượng đầu cơ găm hàng bán giá cao Chính phủ đã có công văn 1609/VPCP-KTTH ngày 14/3/2008 yêu cầu các cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát “xử lý nghiêm những vi phạm về liên kết độc quyền giá, nâng giá thép thành phẩm bất hợp lý”. Để hạn chế xuất khẩu Bộ Công thương cũng đã nâng thuế xuất khẩu lên 20% nhưng vẫn khó bề kiểm soát được. Các DN kinh doanh cứ có lãi là họ làm theo kiểu ăn xổi, nhập về bán chênh lệch, bán không được thì tìm cách xuất trở lại khi giá bên ngoài cao hơn. Đến khi xuất cũng không xong thì họ yêu cầu Bộ Công thương giảm thuế xuất khẩu xuống 2%, thậm chí 0% và cùng ca vang bài “thua lỗ”. Khi giá tăng thì các nhà thầu xây dựng lại kêu Chính phủ trợ giá khiến cho “bầu sữa mẹ” cứ cạn kiệt dần.
Theo VSA trong 6 tháng đầu năm lượng thép và phôi thép xuất khẩu của VN đạt 1,7 tỷ USD, trong đó có 400.000T thép tấm, 300.000T phôi nhập về tái xuất và 70.000 T phôi trong nước xuất đi. Sợ thép chạy ra ngoài ồ ạt ảnh hưởng đến lượng cung trong nước Chính phủ đã tăng thuế để hạn chế xuất giống như trường hợp xuất khẩu gạo trước đây, lúc giá thế giới đang cao ta lại ngăn xuất khẩu để đến khi giá thế giới hạ ta không biết bán cho ai? Hãy để cho các DN tự điều chỉnh và chịu trách nhiệm về kinh doanh lỗ lãi, Nhà nước chỉ cần yêu cầu lập một quỹ dự phòng tối thiểu nào đó cho nhu cầu chung trong nước giống như lập quỹ ổn định xăng dầu vậy. Không nên lúc nào Nhà nước cũng phải lo hộ DN mà cần phải “cai sữa” ngay cho các DNNN.
Việt Nam sẽ “bội thực” thép?
Theo viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công Thương đến năm 2020 nhu cầu thép của VN vào khoảng 22 triệu tấn. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến 2010 nhu cầu thép của VN khoảng 10-11 triệu T. Như vậy với số lượng dự án đang có và dự báo nhu cầu thì trong 10 năm nữa Việt nam cũng chỉ cần 1-2 liên hợp luyện thép là đủ. Thế nhưng không hiểu sao trong những tháng vừa qua lại có hàng loạt dự án xây dựng nhà máy thép đổ vào nước ta với tổng vốn đăng ký trị giá nhiều tỷ USD. Hiện nước ta đang có 6 dự án lớn cỡ hàng tỷ đô la, trong đó dự án lớn nhất là Khu liên hợp thép Cà Ná tại Ninh Thuận với số vốn 9,8 tỷ USD do liên doanh giữa Vinashin và tập đoàn Lion (Malaysia) đầu tư, thứ đến là dự án Formosa (Đài Loan) đầu tư vào Hà Tĩnh trị giá 7,8 tỷ USD, Dự án của 2 tập đoàn Tycoons và E-United (Đài Loan) tại khu kinh tế Dung Quất 4 tỷ USD… Đấy là chưa kể hai dự án khổng lồ của Posco (HQ) và Tata (Ấn Độ) đang chờ cấp giấy phép.
Nếu các dự án trên đây được thực hiện đúng tiến độ thì vào năm 2020 VN sẽ có trên 40 triệu tấn thép, gấp 1,5 lần nhu cầu của đất nước. Không hiểu khi đó thép làm ra có tìm được đầu ra hay không? Đó là chưa kể đến hậu quả môi trường do những nhà máy khổng lồ này thải ra sẽ ra sao? Với quy mô sản xuất hàng chục triệu tấn thành phẩm/năm thì các tổ hợp thép sẽ thải ra hàng chục triệu tấn xỉ than, xỉ quặng cùng với lượng lớn khói bụi vào không khí. Đấy là đăng ký thì như vậy còn khâu thực hiện thì vẫn phải “Thép ơi hãy chờ đấy”! ./.
TỔ QUỐC
|