Thứ Hai, 03/11/2008 15:34

Đắc Lắc:

Những câu chuyện buồn về ca cao, điều và xoài

Những dự án chuyển đổi cây trồng thất bại này không chỉ gây mất mát về vật chất mà còn làm mất lòng tin của người dân

Năm 2000, thời điểm cà phê rớt giá mức kỷ lục, ông Nguyễn Đức Dũng, ở thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana khấp khởi mừng vì được chọn tham gia dự án liên kết trồng cây ca cao với Công ty cà phê Krông Ana. Nghe thuyết minh về triển vọng quá tươi sáng mà cây ca cao sẽ mang lại, chẳng ngần ngại, ông Dũng đã chặt 8 sào cà phê để trồng ca cao.

Theo thỏa thuận, phía Công ty đầu tư giống, kỹ thuật, vật tư, phân bón, nước tưới, ông Dũng bỏ công chăm sóc cho vườn cây. Là một nông dân có kinh nghiệm, ông Dũng không những tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn mà còn đầu tư thêm phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới cho hơn 800 gốc ca cao. Vườn ca cao của gia đình ông luôn được đánh giá là chăm sóc tốt, cây phát triển đều. Nhưng rồi, niềm hy vọng cứ lụi dần theo thời gian. Ông Nguyễn Đức Dũng kể: “Khi trồng đến năm thứ 2, thứ 3 thì chúng tôi cảm thấy rất là mừng vì cây ca cao cho quả. Nhưng bước sang năm thứ tư (năm 2005), cứ 10 trái thì 6 trái sâu. Có quả xác to nhưng hạt không được mấy”.

Trong nỗ lực thoát khỏi cơn khủng hoảng của cà phê, gần 250 hộ ở xã Ea Na đã chặt phá 300 ha cà phê để liên kết với Công ty cà phê Krông Ana tham gia dự án trồng ca cao. Nay tất cả cùng chịu chung số phận khóc dở, mếu dở như ông Dũng. Hiện nay dù đã bước sang thời kỳ kinh doanh năm thứ tư, nhưng gần 250 ha ca cao ở xã này đều không cho thu hoạch. Có một số vườn cây cho quả thì trái ra đến đâu lại thối đen đến đó. Năng suất bình quân chỉ đạt bằng 15% so với dự kiến ban đầu.

Theo thoả thuận với công ty, từ năm thứ 4 trở đi, khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được chia theo tỷ lệ: công ty hưởng 60% sản lượng, phần còn lại thuộc về các hộ nhận khoán. Vườn cây trắng quả, người dân vừa mất công chăm sóc trong 8 năm lại gánh thêm khoản nợ với doanh nghiệp.

Nếu làm phép tính, cứ 1 ha ca cao trong một năm mất khoảng 200 công chăm sóc thì với giá hiện nay, người dân mất khoảng 14 triệu đồng/năm để chăm sóc vườn cây. 8 năm với 250 ha ca cao, 300 hộ dân chi phí đến hơn 2 tỷ 800 triệu đồng tiền công, chưa kể tiền phân bón, nước tưới!

Hàng trăm hộ nông dân lâm vào tình cảnh nợ nần. Công ty cũng không có khả năng thanh toán 9 tỷ đồng đã vay để đầu tư. Dự án thất bại, doanh nghiệp này buộc phải ngưng đầu tư, để mặc cho dân tự lo liệu. Nhưng điều trái khoáy là họ lại không cho phép nông dân chặt ca cao đi để trồng cây khác với cái lý “Vườn cây là công ty đầu tư, dân không có quyền chặt phá”. Ông Nguyễn Bá Phòng, một nông dân ở xã Ea Na không khỏi bức xúc nói: “Chúng tôi không dám chặt mà cứ phải trông nom như người nuôi “báo cô” ấy!”.

Ở Đắc Lắc, một dự án khác được Bộ quốc phòng triển khai ở vùng biên giới huyện Ea Súp. Đó là dự án trồng điều, hiện cũng đang lâm vào tình cảnh sống dở chết dở. Dự án đã tiêu tốn hơn 100 tỷ đồng, hơn 13 ngàn ha điều được trồng xuống ồ ạt bắt đầu từ năm 2001 trên đất rừng khộp, rừng nghèo. Nay điều vào tuổi thu hoạch, nhưng không hiệu quả... Hơn 1/3 diện tích điều nhiều năm không cho trái, số còn lại năng suất kém.

Chị Bùi Thị Kiều, từ Bến Tre đến định cư ở vùng kinh tế mới Ia Rvê, huyện Ea Súp. Tham gia dự án này, chị nhận 7 ha điều của Trung đoàn 739. Sau 4 năm ở vùng đất mới, cuộc sống của gia đình chị vẫn chưa thoát khỏi nghèo khó.“Cây điều ở đây thì phát triển bình thường mà sản lượng thì quá thấp. Như lô điều của tôi vào diện tốt so với ở đội nhưng mà cũng chỉ được có hơn 3 tạ/sào, tính ra thu được độ 3 triệu đồng. Mức sản lượng thấp quá, nên người dân ở đây chủ yếu trồng cây hoa màu, lượng thực để sống qua ngày”. Đã lập gia đình, chúng tôi cũng mong ổn định nhưng chưa chắc đã ổn định ở đây được!”. Đó là tâm sự của chị Kiều và cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ tham gia xây dựng kinh tế mới ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Hai xã Ia Rvê và Ya Lốp của huyện Ea Súp thuộc vùng dự án trồng điều, sau hơn 5 năm định cư, tỷ lệ đói nghèo vẫn chiếm 70%. Dự án thất bại, gánh nặng dân sinh lại đổ lên vai huyện Ea Súp, một huyện nghèo khó của Đắc Lắc. Theo ông Ngô Quyền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ea Súp: “Huyện phải lo đời sống, bố trí sản xuất, các loại giống cây trồng. Phần diện tích điều sẽ được tiếp tục theo dõi từ 3 đến 5 năm nữa. Nếu ngoài thời gian này mà không cho thu hoạch thì lúc đó huyện lại phải có văn bản để trình cấp trên xem xét, giải quyết”.

Ở huyện Buôn Đôn, gần trăm hộ dân 2 xã Krông Na và Ea Wen tham gia trồng xoài chất lượng cao trong một dự án có tên là Donatechno, nhưng nhiều năm liền chỉ thu được lá. Kết cục là dân phải chặt bỏ, nếu không cũng chỉ để lại làm cây che bóng. Dù chỉ là diện tích nhỏ, tổn thất không thấm gì so với dự án điều cao sản ở Ea Súp và ca cao ở Krông Ana, nhưng niềm tin của người dân vào những thử nghiệm mới đã bị lung lay dữ dội. Vì thế, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn cho biết: nhiều năm qua, xã đã đưa một số cây trồng mới vào thử nghiệm nhưng người dân không tích cực tham gia.

Theo quy hoạch phát triển của nông nghiệp Đắc Lắc, đến năm 2010, tỉnh này phải điều chỉnh giảm diện tích cà phê từ gần 170.000 ha xuống còn 150.000 ngàn ha. Trong khi chưa giảm được bao nhiêu thì 3 năm trở lại đây, khi cà phê có giá trở lại, diện tích cây trồng này lại đột biến “phình” ra, lên đến hơn 180.000 ha; trong đó có khoảng 40.000 ha thuộc những vùng không đảm bảo điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước. Trong khi đó, cây ca cao được đặt chỉ tiêu đến 2010 phải đạt diện tích 6.000 ha, thì nay mới được khoảng 1.500 ha.

Cái mất từ những dự án thất bát nói trên không chỉ là tiền của mà cả niềm tin. Nó cũng khiến quá trình triển khai các dự án nông nghiệp mới ở vùng đất đầy tiềm năng này rơi vào bế tắc và luẩn quẩn.

vov

Các tin tức khác

>   Malaysia đầu tư 1,4 tỷ USD xây nhà máy điện tại Hải Dương (03/11/2008)

>   Diễn đàn thế giới về doanh nhân Việt Nam lần thứ nhất (03/11/2008)

>   Cần đối thoại chính sách thẳng thắn (03/11/2008)

>   Giá tiêu dùng: “Khúc cua” gấp (03/11/2008)

>   Hà Nội: Thực phẩm chưa thiếu nhưng đắt đỏ (03/11/2008)

>   Hà Nội công bố quy hoạch khu tái định cư Xuân La (03/11/2008)

>   Siêu thị khan hàng, chợ vẫn đội giá (03/11/2008)

>   Lãng phí trong xây dựng cơ bản còn phổ biến (03/11/2008)

>   Ngành thép có “viết tiếp” bài học xi măng lò đứng? (03/11/2008)

>   Bến Tre đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp (03/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật