Cần đối thoại chính sách thẳng thắn
Kinh tế thế giới và trong nước đang và sẽ tiếp tục trải qua những giai đoạn thăng trầm, đặt DN Việt Nam trước nhiều sóng gió. DĐDN trao đổi với PGS TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về “Dự báo và cảnh báo sớm cho DN”
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động và tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta, ý kiến của ông như thế nào về việc dự báo tình hình và cảnh báo các nguy cơ đối với hoạt động của các DN?
Trước hết, xin lưu ý rằng ở nước ta, cho đến nay, năng lực dự báo, cả ở cấp điều hành vĩ mô lẫn quản trị vi mô, đều còn yếu. Đồng thời, năng lực tiếp nhận cảnh báo và chuyển hóa nó thành phản ứng chính sách kịp thời cũng thấp. Chính phủ đã từng nhận định rằng sự yếu kém này là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua.
Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế thế giới lại đang biến động rất nhanh, bất thường và theo chiều hướng tiêu cực. Những đánh giá - dự báo về xu hướng lan rộng và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ nhìn chung là bi quan. Đầu tư giảm, bất ổn gia tăng, dẫn tới nguy cơ gây giảm phát và suy thoái toàn cầu kéo dài.
Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vừa mới bắt đầu quá trình khôi phục, ổn định vĩ mô sau "cơn" lạm phát cao kéo dài, sức còn yếu, căn gốc "bệnh tật" chưa được tẩy trừ. Nhiều DN, nhất là các DNNVV, đang lâm vào tình trạng "sức cùng, lực kiệt", lại vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn nghiêm trọng.
Trong tình thế như vậy, đương nhiên, việc dự báo đúng tình hình và cảnh báo sớm các khả năng đột biến là đặc biệt quan trọng đối với sự "an nguy" của các DN nước ta.
Nền kinh tế nước ta có độ mở cửa rất cao. Sự cộng hưởng tác động của hai nhóm yếu tố trong và ngoài nước nêu chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro và gây hiệu ứng tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta. Nhưng mạnh đến mức nào? Theo hướng nào? Lĩnh vực nào chịu đến đâu?... - đó là những vấn đề phải được tính đến một cách cụ thể và cẩn thận.
- Theo ông, những vấn đề lớn nào sẽ đặt ra cho DN trong năm tới?
Vấn đề lớn nhất là khả năng "đảo chiều", từ xu hướng lạm phát cao sang thiểu phát. Tại thời điểm hiện nay, đối với nền kinh tế nước ta, lạm phát cao vẫn đang "ngự trị", song thiểu phát là nguy cơ cần được cảnh báo và lường tính đến.
Hiện nay, ý kiến về vấn đề lạm phát, thiểu phát trong nền kinh tế nước ta còn khá khác nhau. Tôi cho rằng ta vẫn phải tiếp tục lo kiềm chế lạm phát. Tốc độ tăng lạm phát gần đây có giảm, song căn nguyên gây ra lạm phát và một số yếu tố đẩy lạm phát tăng vẫn còn. Nhưng mặt khác, phải tính đến khả năng giảm phát để lường tính. Giá cả thế giới giảm mạnh là thực tế đang diễn ra, bắt nguồn từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đang và tác động trực tiếp và rất mạnh vào nền kinh tế nước ta, theo nhiều kênh, nhiều tuyến khác nhau, có thể gây ra sự đảo chiều nhanh.
Đang gò lưng chống hạn mà không biết đến nguy cơ bão lụt lớn cận kề để có phương án đối phó thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong tình huống sức khỏe của nền kinh tế và các DN đều bị suy giảm nghiêm trọng sau cơn hạn hán.
- Vậy chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
Chắc chắn là phải làm rất nhiều việc, khó có thể nghĩ ra ngay một lúc và nói hết ra đây được.
Tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô vừa có những căn nguyên thể chế sâu xa. Không gỡ cái này thì không chỉ đẩy xa thời cơ phát triển to lớn mà ta đang có mà thậm chí còn tăng thách thức, tăng nguy cơ tụt hậu.
Bài toán đặt ra là cần phối hợp một tầm nhìn dài hạn với các quyết sách lớn với việc áp dụng những biện pháp tháo gỡ để đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay như thế nào.
Tôi nghĩ cần có những sự nghiên cứu căn bản kết hợp với những cuộc thảo luận mở, những cuộc đối thoại chính sách thẳng thắn thu hút sự tham gia rộng rãi và nhiệt tình của các nhà khoa học, doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách. Đây là việc đặt ra cho các cơ quan Chính phủ, Viện nghiên cứu, Hiệp hội DN.
- Xin cảm ơn ông.
diễn đàn doanh nghiệp
|