Thứ Hai, 17/11/2008 08:49

Mạnh tay với phân bón giả

Các cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý nạn sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, đặc biệt là phân bón giả. Hàng loạt biện pháp đã được triển khai...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định “sản xuất phân bón kém chất lượng là tội ác, cần phải kiên quyết xử lý nghiêm hành vi này”.

Phân bón 30% là... dỏm

Ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết thời gian qua thanh tra sở đã lấy 30 mẫu phân bón để phân tích. Kết quả có tới chín mẫu kém chất lượng, chiếm tỉ lệ 30%.

Ở Vĩnh Long, tỉ lệ phân bón kém chất lượng còn cao hơn. Cơ quan chức năng lấy 21 mẫu phân bón gửi phân tích phát hiện có tới 14 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 66%. Một số mẫu phân lân vôi của một vài cơ sở ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đăng ký hàm lượng đạm là 20% và lân 30% nhưng thực chất không khác gì đất sét với hàm lượng đạm chỉ từ 0,03-0,06% và hàm lượng lân chỉ 0,08-0,18%.

Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết mới đây thanh tra sở tiến hành kiểm tra 156 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón và phát hiện 480 bao phân kém chất lượng, trong đó đa số đều là sản phẩm của các doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh vẫn tiếp tục kiểm tra để sớm phát hiện các loại phân bón kém chất lượng. Kết quả bước đầu cho thấy đã có hai mẫu phân bón lá không đảm bảo chất lượng và gần 30 tấn phân lân vôi dỏm cũng có nguồn gốc từ... Kiên Giang.

Tại Bạc Liêu, Sở NN&PTNT cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện 74 vụ vi phạm mẫu mã, nhãn mác, hàng hóa kém chất lượng trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp. Thanh tra đã niêm phong 10 tấn phân lân vôi nhãn hiệu Trường An, Hoa Lan (sản xuất tại Kiên Giang) vì chất lượng quá kém. Trên bao bì một số mẫu ghi hàm lượng phân lân là 30% nhưng kết quả phân tích chỉ có... 0,1%.

Phân bón dỏm tràn đồng, tại... quản lý?

Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ NN&PTNT đầu tháng 11-2008, các địa phương cho rằng sở dĩ phân bón dỏm, kém chất lượng “bùng phát” như hiện nay là do khâu quản lý, cấp phép cho hoạt động sản xuất, lưu thông phân bón còn nhiều kẽ hở. Các hướng dẫn quản lý, xử lý vi phạm từ trung ương đến địa phương không đồng bộ. Hệ thống thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo nhưng chỉ có cấp tỉnh mới có thanh tra, còn từ cấp huyện trở xuống không có. Lực lượng thanh tra quá mỏng lại không có thanh tra viên (chỉ kiêm nhiệm) nên không thể quán xuyến hết việc kinh doanh, phân phối phân bón trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khang, nguyên nhân chính là chế tài xử lý vi phạm hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe. “Mới đây chúng tôi phát hiện một doanh nghiệp khá lớn ở ĐBSCL sản xuất phân bón kém chất lượng. Có thể lô hàng đó họ đưa ra thị trường hàng chục ngàn tấn, nhưng bị thanh tra phát hiện, họ chỉ nộp phạt số tiền tương đương... vài trăm ký phân mà lại còn được thu hồi số phân đó. Không ai biết họ tái chế hay bán tiếp. Quy định quản lý như hiện nay thì doanh nghiệp sẵn sàng làm phân dỏm để nộp phạt, còn cơ quan chức năng làm cật lực cũng chỉ như bắt cóc bỏ dĩa” - ông Khang nói.

Sẽ xử lý mạnh tay

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, phó giám đốc Sở Công thương kiêm chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang, cho biết đang tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh. “Nếu phát hiện doanh nghiệp nào cố tình sản xuất phân bón kém chất lượng từ hai lần trở lên sẽ kiến nghị xử lý hình sự” - ông Lưỡng quả quyết.

Tại Tiền Giang, Sở NN&PTNT tỉnh cảnh báo sẽ kiểm tra liên tục chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do doanh nghiệp phân phối. Nếu phát hiện doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước tình trạng phân bón dỏm từ Kiên Giang “tràn” vào Bạc Liêu, ông Võ Thanh Hải, chánh thanh tra Sở NN&PTNT, khẳng định sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang để có hướng xử lý thích hợp. Ông Hải đề nghị cần phải kiểm tra chất lượng phân bón tại gốc - tức là sau khi xuất xưởng - chứ không nên kiểm tra ngọn như hiện nay. Thực tế cho thấy khi phát hiện có phân bón kém chất lượng thì phần lớn trong lô hàng đó đã xuống ruộng, nông dân mất tiền rồi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ sớm kiến nghị Chính phủ hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý có hiệu quả việc sản xuất, lưu thông phân bón. Trong khi chờ đợi, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải có hành động khẩn cấp để trong vụ đông xuân 2008-2009 nông dân ít mua nhầm phân bón kém chất lượng. “Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng phải công khai cho mọi người biết, đồng thời báo cáo bộ để phối hợp xử lý” - ông Phát chỉ đạo.

Vân Trường - Ngọc Diện

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhà đất ngoài dự án giảm yếu, lập mặt bằng giá mới (17/11/2008)

>   Đua nhau “xả hàng” điện máy (17/11/2008)

>   Giá bất động sản cần giảm nữa ! (17/11/2008)

>   Cần Thơ: Giải phóng mặt bằng quá khó, vì sao? (17/11/2008)

>   Vụ khu công nghiệp "chui": Thêm nhiều quyết định đá nhau? (17/11/2008)

>   Giá gạo ở chợ bắt đầu giảm (17/11/2008)

>   Cam kết đầu tư hơn 6 tỉ USD vào Cần Thơ (17/11/2008)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị chạy thử (17/11/2008)

>   Giá vé máy bay tết sẽ tăng mạnh (17/11/2008)

>   Mua vé tàu dịp tết: Tin nhắn ảo vẫn còn nhiều (17/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật