Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng
Tạp chí nghiên cứu kinh doanh và thị trường của Morgan Stanley số ra tuần trước cho rằng một loạt biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng.
Tạp chí nói rõ, trên cơ sở chính phủ hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 từ 7% xuống còn 6,7%, các biện pháp được đưa ra gồm giảm lãi suất cơ bản xuống còn 12%, hạ lãi suất cho vay xuống còn 13% và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống còn 10%. Một số kết quả đạt được trong tháng 10 là lạm phát giảm 0,2% so với tháng trước, xuất khẩu tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước, thâm hụt thương mại bằng 10,5% GDP.
Tạp chí cũng cảnh báo rằng mặt trái của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đã lộ rõ và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng và thị trường tài sản của nhiều nước. Việt Nam có thể gặp rủi ro trong tăng trưởng do sức tăng trưởng quá nóng trước đây và ảnh hưởng của sự đi xuống của các nền kinh tế khác hiện nay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp chuyển từ thắt chặt "tấn công" sang nới lỏng "tự vệ" vì Việt Nam cần phải cân bằng giữa các rủi ro trong nước (như giảm phát triển kinh tế từ tình trạng quá căng) với các rủi ro của các nước bên ngoài.
Sở dĩ Việt Nam phải nhanh chóng nới lỏng chính sách tài chính hơn vì bản cân đối tài khoản của ngành ngân hàng vẫn còn rộng (tháng 9/2008, tín dụng tăng 39% so với cùng kỳ năm trước trong khi tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 23%).
Ngoài ra, theo tạp chí trên, Việt Nam cần phải gia tăng tính thanh khoản của các ngân hàng sao cho tương thích với việc hạ mức độ thâm hụt thương mại.
ttxvn
|