Cảng Cái Lân: Sẵn sàng đón những chuyến tàu siêu trọng
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng của cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tháng 11-2007, dự án nạo vét luồng tàu vào cảng đã được khởi công. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (dự kiến cuối tháng 11) cảng nước sâu này có khả năng đón các loại tàu có trọng tải lên tới 40.000 tấn ra vào, trở thành cảng có năng lực vận tải lớn nhất cả nước.
Hơn 260 tỷ đồng đầu tư nạo vét luồng vào cảng
Dự án nạo vét luồng tàu vào cảng là một trong nhiều hạng mục của dự án tổng thể đầu tư xây dựng cảng Cái Lân. Cảng Cái Lân đã được hoàn thành từ cuối năm 2003, nhưng luồng vào cảng chỉ đủ đón các loại tàu hàng có trọng tải từ 20.000 tấn trở xuống. Như vậy, dự án này không thể phát huy hiệu quả so với tiềm năng thực tế. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép Bộ GTVT được sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Cái Lân. Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Bộ GTVT) được giao nhiệm vụ thực hiện dự án.
Ông Bùi Nguyên Khôi, Giám đốc Ban Điều hành dự án nạo vét phía Bắc (Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam), đơn vị trực tiếp điều hành thi công tại hiện trường cho biết: Gói thầu nạo vét luồng ngoài cảng Cảng Cái Lân (đoạn Hòn Một-Cửa Lục) dài 7,8 km có tổng vốn đầu tư lên tới 261 tỷ đồng với nhiệm vụ nạo vét hơn 2,7 triệu mét khối bùn đất để luồng đạt tới độ sâu -10m so với cốt thềm biển. Bất cứ điểm nào trong phạm vi dự án không đạt tới độ sâu này, thiết bị định vị vệ tinh sẽ dò thấy và nhà thầu phải xử lý ngay. Để thực hiện dự án, tổng công ty đã huy động 4 tàu hút bụng công suất lớn, trong đó có 2 tàu có dung tích bụng 3.500 m3, được xếp vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tổng công ty và các nhà thầu đã thực hiện dự án với nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, đây là dự án cực kỳ phức tạp về mặt địa chất. Thêm vào đó, ngay trong quá trình thi công, luồng lạch vẫn phải hoạt động bình thường để đón các loại tàu hàng, tàu du lịch ra vào cảng. Do đó, nhà thầu luôn phải phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Quảng Ninh để vừa bảo đảm tiến độ thi công, vừa đáp ứng được các quy định về an toàn hàng hải.
Chịu sự quản lý gắt gao về môi trường
Bùn đất hút từ dưới đáy biển sẽ được chuyển đi đâu để bảo đảm các quy định về cảnh quan và vệ sinh môi trường? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Nguyên Khôi khẳng định: Trong suốt quá trình thi công, dự án luôn phải tuân thủ sự kiểm soát gắt gao về môi trường do Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới. Bùn hút lên sẽ được các tàu hút mang tới đổ tại 2 điểm là quần đảo Long Châu (Hải Phòng) cách dự án 41 km và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư đô thị phía Tây đường ra cảng Vũng Đục (Quảng Ninh). Cả 2 điểm này đều đã được các cơ quan chức năng có báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có quyết định phê duyệt đủ điều kiện để đổ chất thải. Việc đổ đất được giám sát bằng radar và liên tục ghi nhật ký theo dõi. Định kỳ hàng tháng, dự án đều có báo cáo quan trắc và kiểm soát môi trường với sự tham gia của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Bùi Văn Huấn, Chánh văn phòng tổng công ty cho biết, nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện dự án để cuối tháng 11 này có thể bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam đưa vào sử dụng. Với luồng vào cảng đạt tiêu chuẩn, cảng Cái Lân sẽ đủ điều kiện để trở thành đầu mối hàng hải lớn nhất của cả nước, đủ sức đón các loại tàu có trọng tải 40.000 tấn trong điều kiện bình thường và tàu trọng tải lên tới 50.000 tấn có thể ra vào cảng.
Tuấn Lương
hà nội mới
|