Giảm giá cước vẫn là con bài cạnh tranh của hãng di động
Với mức giảm 0,94% so với tháng 9 và giảm gần 12% so với trung bình 10 tháng đầu năm ngoái, dịch vụ bưu chính viễn, trong đó có dịch vụ di động, tiếp tục là khu vực giảm giá mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm nay.
Việc giá cước viễn thông liên tục hạ với biên độ cao trong thời gian qua được coi là một tác nhân góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực bưu chính viễn thông, dần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật về tốc độ phát triển thuê bao điện thoại trên thế giới.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 10, cả nước đã có gần 60 triệu thuê bao di động, chiếm trên 81% tổng số thuê bao điện thoại cả nước. Trong số này, MobiFone và VinaPhone chiếm khoảng 30 triệu, Viettel có trên 19 triệu thuê bao, số còn lại thuộc các mạng di động S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile.
Cước phí hiện đang là một đích nhắm, cùng với chất lượng mạng và dịch vụ hỗ trợ, của các nhà kinh doanh viễn thông trong cuộc đua quyết liệt nhằm thu hút thuê bao mới và giữ chân thuê bao cũ.
Mới đây nhất, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) quyết định áp dụng mức cước chung 909,1 đồng/phút cho tất cả các cuộc gọi nội mạng giữa các loại thuê bao thuộc VNPT, bắt đầu từ 1/11, giảm khoảng 20% so với trước đó.
Ngoài ra, VNPT còn cho phép VinaPhone và MobiFone giảm từ 30% đến 80% cước gọi ngoài giờ cao điểm. Trong đó, mức giảm tối đa 50% được áp dụng với các cuộc gọi từ 1h đêm đến 5h sáng, đồng thời giữ nguyên mức giảm 30% cước cho tất cả các cuộc gọi từ 23h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau và từ sau 5h đến trước 7h sáng.
Trước đó, đầu tháng 10, nhà cung cấp dịch vụ di động đứng đầu về số thuê bao hiện nay là Viettel cũng thực hiện đợt giảm giá cước dịch vụ GPRS lớn nhất từ trước tới nay, với mức giảm từ 50% đến 73%. Ngoài ra, Viettel Telecom còn tiên phong cung cấp dịch vụ Call Blocking (chặn cuộc gọi) đầu tiên tại Việt Nam dành cho tất cả khách hàng trên toàn quốc.
Cùng với việc giảm giá cước, cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng, Viettel cũng đang xây dựng phương án cước mới cho các thuê bao nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia viễn thông, việc Bộ Thông tin Truyền thông cho phép doanh nghiệp viễn thông được tự quyết định giá cước là một trong những nguyên nhân chính tạo ra cuộc cạnh tranh hấp dẫn này.
Hơn nữa, khi thị trường mới chỉ đạt khoảng 60% với nhu cầu, các nhà kinh doanh dịch vụ này vẫn đang tiếp tục cuộc đua xác định thị phần trước khi thị trường đi vào ổn định vào khoảng năm 2010.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ di động nên quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ, bên cạnh việc tung ra các gói cước giá rẻ, vì đây mới chính là mấu chốt trong chiến lược thu hút khách hàng.
ttxvn
|